Một gian nhà trống vắng, chỉ còn lại hai bóng người vào ra. Đàn con thơ ngày nào đã lớn, chúng đã cất cánh bay theo cuộc đời.Đợi chờ gì khi chúng là niềm hy vọng, niềm tự hào của cả một gian nhà. Ta sống là để đền đáp niềm tự hào ấy. Ta sống là để báo công sinh thành, dưỡng dục của mẹ cha. Để không còn nữa cảnh hai người đơn độc trong căn nhà nhỏ. Ta Sẽ Trở Về !
Điện Biên _ Niềm Kiêu Hãnh Thế Gian.

Thứ Tư, 8 tháng 10, 2014

Về những điều bình thường đã trở thành bất thường


Tôi nhớ có lần đọc ở đâu đó rằng, cách sống của một người là quyền của cá nhân người đó, và mỗi người phải tự chịu trách nhiệm về cách sống của chính mình. Nhưng cách sống của nhiều người, lại trở thành cách sống của cả một dân tộc. Nếu theo chiều hướng xấu đi, ai sẽ chịu trách nhiệm về điều này. 
Chúng ta vẫn thường nói rằng, những đức tính truyền thống của người Việt Nam là cần cù, chịu khó, chăm chỉ hay cả những cụm từ như Người Việt thông minh, Người Việt sáng tạo... Nhưng thực sự thì thế nào. 
Trong Triết học Mác có phần nói về cặp phạm trù cái chung và cái riêng. Tức là có những thứ chỉ tồn tại ở một bộ phận nhỏ nào đó, chưa thành phổ biến, chưa thành cái "chung" thì qua sự vận động của xã hội, nó dần sẽ biến thành cái phổ biến, nó không còn là đơn nhất nữa. 
Chẳng phải nói đâu xa, như những đức tính kể trên của Người Việt chúng ta. Quả là có rất nhiều người đã nói đến thói hư tật xấu của người Việt, và ở đây cũng chẳng nhắc lại nhiều. Tôi tin chắc rằng, người Việt chúng ta chắc chắn là có những đức tính kể trên, song đẩy nó lên tầm như hai chữ "truyền thống" thì tôi e rằng là không ổn. Nó chỉ có trong tâm trí và hành động của số ít người, và chúng ta không thể quy nó lên thành cái chung cho cả dân tộc được, mà nếu làm thế, thì trước hết nó phải tồn tại trong thực tế cái đã. Mà trong thực tế xã hội Việt Nam hiện nay, chúng ta thấy gì khi nhìn vào đó? 
Một đất nước có số dân hơn 93 triệu người, mà không thể sản xuất được chiếc ốc ví, chiếc sạc điện thoại... theo đúng tiêu chuẩn. 
Một đất nước có thể làm giá" được cho cái nhà vệ sinh rất bình thường của trường tiểu học lên tới giá 600 triệu đồng. 
Một đất nước với tỷ lệ phá thai cao ngất ngưởng.
Một đất nước mà ở đó, sự vô cảm trở thành chuyện rất đỗi bình thường. 
Một đất nước tham nhũng có mặt ở mọi nơi, và là chuyện diễn ra ở mọi lĩnh vực. 
vân vân và vân vân.
Nếu muốn biết những điều này, cứ đọc trên báo chí thường ngày thì sẽ thấy. 
Có một câu chuyện thế này, khi người Nhật họ hỗ trợ dự án trồng rừng cho Việt Nam, họ cử người sang. Những kỹ sư người Nhật họ không ở những khách sạn hay nhà nghỉ, họ ở trong nhà người dân, và hàng ngày ra làm việc như một người nông dân thực sự. Đó là điểm khác biệt, dù nhỏ nhưng rất đáng để suy nghĩ. Chúng ta nói người dân Việt Nam sáng tạo, chăm chỉ cần cù, nhưng chỉ là sáng tạo vặt, cần cù mà không có phương pháp, không có công nghệ áp dụng vào. Minh chứng rõ ràng, là nông dân Việt Nam vẫn nghèo, rất nghèo! 
Một đặc điểm nữa, đó là người Việt chúng ta đang tự hài lòng với cuộc sống của chính mình, đó là gì? Nếu ngày xưa, chúng ta chưa có xe máy để đi, chưa có ti vi để xem, không thể mua sắm nhưng tiện nghi như ngày nay... Cuộc sống đã khá hơn xưa, và người ta mặc định rằng, sống như vậy là đã tốt rồi. Nhưng đó là tâm lý của phần đông. Vẫn có một sốt ít người có nhận thức khác, nhưng tiếng nói của họ chưa được số đông người dân hiểu được. 
Phải nói thằng rằng, rất nhiều công chức nhà nước hiểu sự phát triển của xã hội Việt Nam hiện nay như thế nào. Nhưng có ai dám nói thằng ra, vì nếu thế, miếng cơm của họ sẽ mất. Cái giá của "sự sống" đầu hề rẻ. 

Thu sang

Thu nay thôi đã sang rồi
Em đi để lại một đời heo may
Đường xưa có lá rơi đầy
Nửa chào mùa hạ, nửa chờ thu sang...

Lotus Pond

Thứ Năm, 4 tháng 9, 2014

cho một lần nữa xa nhau

nỗi buồn này là vô tận
giữa những ngưỡng cửa của cuộc đời
giữa danh vọng, vô vàn điều ngang trái
đi giữa làn đạn của đau thương
ta mất nhau giữa vô cùng
là điều không hề muốn

dù rằng ta sinh ra không để cho nhau
nhưng không thể mất nhau quá êm đềm
giữa bộn bề rắc rối
để phải rời xa
ngày mất em, là lần đầu anh phải lau khô giọt nước mắt
trước nỗi bất lực của yêu thương

anh tự cho mình lang thang từng góc phố
đếm lại những ánh đèn đường
xem thời gian có còn ngừng lại

vớt vát nỗi vấn vương...

Xuân Kiên. t9-2014  

Là chính mình… “Nếu đó là tội lỗi”

Book Hunter: Hôm nay ngày 29/8/2014, kỷ niệm ngày giỗ của Lưu Quang Vũ cùng vợ là nhà thơXuân Quỳnh (29/8/1988), xin được đưa ra vài dòng cảm nghĩ sau khi đọc bài thơ “Nếu đó là tội lỗi” của ông.

Một con người không phải chỉ là một cái tên trong hộ khẩu
Một con tốt trong bàn cờ
Một viên gạch một cái đinh
Để treo biển hàng và đặt ghế
Từ bao giờ ta đã lạc mất hồn chỉ còn danh. Tâm cũng mất đành làm tiểu tốt. Đã biết hòn đá chất thành núi, còn ta kê cho cái ngồi kệch cỡm. Tiện tay người ta tròng lên cổ,… nhỏ bé như cách xa mịt mùng. Xa mãi ra khỏi chất người!
Con người chưa được làm người
Bao lệnh cấm đang đè lên thế giới
Cấm yêu thương cấm khát vọng cấm tự do
Bao con chim bị nhốt ở trong tù
Bao giải băng đen che kín mắt
Người ta chẳng thể sống nếu đói khát, sẽ chẳng tồn tại nếu ngừng mơ. Phía ngoài kia, xa khỏi mép giày độc đoán là tình yêu hay tự do? Chất người đâu nằm dưới ngột ngạt và đè nén. Nó là sự vô hạn của gió, là những giấc mơ bay của những con chim trong lồng. Biết bao người chưa một lần mơ bay.
Khi bè bạn gặp nhau có người theo dõi
Thầm thì không dám nói to
Khi những bài thơ anh viết ra
Chỉ một mình anh đọc
 Biết bao câu chuyện thập thò trên đầu lưỡi. Biết bao rung động chưa một lần được cộng hưởng.
Chúng đến sau những bức vách, chúng đi trong màn đêm, chúng biến giấc mơ của ta thành nỗi sợ.
Nhưng trước khi có chữ viết
Đã có thơ ca
Như tình yêu thơ đã sinh ra
Không phải vì tiền nhuận bút
Không sợ ngục tù bạo lực
Dù khổ sở dù phiền hà
Thơ không bao giờ câm lặng
Như nhịp đập của trái tim trung thực
Là nhân chứng của anh
Là ngọn lửa trắng trong
Trên lịch sử tối tăm trên tro bụi
Nhưng trước cả khi con người áp đặt lên vẻ đẹp tâm hồn những cái khuôn ký tự thì sự nảy nở ấy đã diễn ra khắp mặt đất. Cũng như niềm đam mê bày tỏ vẻ đẹp ấy không bao giờ là sự đánh đổi, lại càng không mảnh may run rẩy trước cái giới hạn của vật chất và sự man rợ. Dẫu có phải gồng mình và nín nhịn, thì cái đẹp trong những con chữ không bao h tĩnh tại. Nó là hiện thực, là những gì xuất phát từ nơi tình yêu bắt đầu, nó hiển hiện theo dòng chảy của cuộc sống. Nó là bản thể của cá nhân ấy, cháy lên toả ra sự tinh khiết, thuần tuý. Nó bùng cháy trên sự tàn lụi, chiếu sáng trong khoảng không gian và thời gian.
“Và nhân thế sẽ còn yêu ta mãi
Bởi giữa thuở bạo tàn ta đã ca ngợi tự do”
Ca ngợi tình yêu giữa thế giới hằn thù
Trước đau khổ của nhân dân thơ đã không gian dối
Nếu đó là tội lỗi
Anh hãy nhận về mình, như trách nhiệm, như niềm vui
Và sống chết cùng người, đất nước mến thương ơi.
Và tình yêu nhân gian sẽ mãi dành cho ta, trong những ngày ấy ta đã vinh danh sự giải phóng, vinh danh ánh sáng của niềm hạnh phúc, sự tốt đẹp giữa sưj hỗn độn và chối bỏ. Trước nỗi quằn quại, gian lao của thế gian nổi lên sự trần trụi ko giả tạo trong những vần điệu.
Nếu ngay cả vẻ đẹp ấy là sai trái, tôi xin đón lấy hình phạt về mình, đảm bảo rằng nó sẽ sống mãi, cũng như niềm hạnh phúc nhỏ nhoi trong cuộc đời mình. Hỡi đồng bào ơi, tôi đang kể về các bạn đấy!
 Sơn A



Nguồn: http://bookhunterclub.com/luu-quang-vu/
Xuân Kiên sưu tầm! 

Thứ Tư, 20 tháng 8, 2014

Niềm tin, sáng tạo, ý tưởng và những bản kế hoạch

Tôi đang làm đề tài khoa học cùng với mọi người trong khoa, một đề tài khoa học theo kế hoạch, những câu hỏi trắc nghiệm về môn TTHCM. Nó ko đến nỗi quá cũ, những chẳng có gì là mới mẻ cả. Nói đến khoa học, người ta nói đến sự sáng tạo, các ý tưởng và những nỗ lực thực hiện các ý tưởng ấy. Nhưng đây thì không, chỉ là làm theo kế hoạch, chỉ là làm cho đầy đủ... nó chẳng mang đến cái gì ngoài sự nhàm chán và bất lực. Bất lực trước sự phát triển của vô vàn cái xấu quanh ta, sự kém cỏi của một đất nước luôn vỗ ngực tự hào về những quá khứ xa xưa.

Thứ Ba, 17 tháng 6, 2014

Lẽ ra trong cuộc sống cần những điều đơn giản hơn, nhưng ...

Tôi chẳng trách gì nét văn hóa Á-Đông cả. Tôi hiểu rằng con người không được chọn nơi mình sinh ra nhưng được chọn cách mình sống. Nhưng chọn như thế nào? Có phải ai cũng có được sự lựa chọn đó đâu. Khi chưa đủ lí trí và sự quyết tâm. Hơn nữa, phải đủ cái người ta vẫn gọi là "vốn sống", "sự va vấp" hay là tri thức nữa. Để có sự lựa chọn, và thực hiện được nó. Không phải chuyện đùa. 
Một thằng con trai 25t, tốt nghiệp đại học, đã đi làm, vẫn bị bố mẹ coi như con nít. Còn can thiệp vào cả chuyện tình yêu nhỏ nhặt. Con chưa bao giờ nói với bố mẹ điều này, rằng con sẵn sàng là đứa con ngoan, luôn nghe lời và với con, bố mẹ là tất cả, và luôn là như vậy.
Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc con sẽ nghe lời bố mẹ trong tất cả mọi chuyện, những câu chuyện của cuộc sống riêng tư của con. Con biết mình làm gì? và chấp nhận hậu quả, nếu đó là điều sai trái. Lỗi lầm trong đời người chẳng bao giờ tránh khỏi.
Từ bé đến giờ, con chưa bao giờ làm điều gì sai trái. Không phá phách, chơi bời. Lấy bằng đại học (dù 2 chữ đại học bây giờ đã mất giá nhiều), và đã đi làm. Chưa làm điều gì khiên bố mẹ phải lo toan về con hay xấu hổ với xóm làng. Có thể vì vậy mà bây giờ con mới chỉ yêu một người mà bố mẹ cho rằng, không được tử tế cho lắm, không được ngoan hiền cho lắm, không được xứng đáng cho lắm. Mà bố mẹ lo lắng và trách móc con nhiều. Nhưng con vẫn phải tự lập mà. Con là một người đàn ông mà. 
Tôi vẫn đi tìm cho mình một cái gì đó, người ta vẫn gọi là tình yêu hay hạnh phúc. Nó là gì ư? Con người trên thế giới này đã viết cả triệu triệu cuốn sách về nó, mà nào định nghĩa chuẩn được đâu. Mỗi người một cách nghĩ, với tôi, tôi thấy mình vui là đủ. Cần chi nữa đâu! 
Phương châm sống của tôi vẫn là đơn giản hóa mọi vấn đề, đến hết mức có thể. Nếu có toan tính thì cũng toan tính ở mức đơn giản. Ở một xã hội lừa lọc, dùng mọi thủ đoạn để  chà đạp nhau này, mình có cô đơn hay không? Mặc kệ! 

Thứ Năm, 12 tháng 6, 2014

Thứ 6, ngày 13...!

Sẽ chẳng cần nhãn gì cho bài viết này, đơn giản từ này blog xuân kiên sẽ thôi cóp-pi những bài viết khác. Nếu có thì sẽ đưa lên một trang khác, chứ không phải ở đây nữa. Tất cả mọi thứ phải là của KHX viết ra, tìm tòi và mày mò ra, hoặc đọc được đôi câu hay ho rồi bình phẩm, chứ không như những lần trước nữa. 
Thứ 6, ngày 13 tháng 6 năm 2014 này, sẽ là ngày diễn ra world cup 2014 ở brasil, đó cũng là ngày mà KHX tiến hành buổi thi giảng để chính thức vào biên chế của một trường. LÀM GIẢNG VIÊN. ở đây, dĩ nhiên chẳng có gì tự hào quá. Nó đơn thuần chỉ là một công việc, vâng! một công việc để kiếm sống. Đã là người, thì ai cũng có công việc của mình. Dù ta yêu thích nó hay không, nhưng cuối cùng để tồn tại, để nuôi sống những đam mê, thì vẫn phải có tiền, phải sống được. Mà như vậy thì cần phải lao động! Vậy thôi! 
Với cốc chè xanh mới hãm, với điếu thuốc lào ngoài hành lang. nhấm nháp rồi giở những trang sách Tư bản ra đọc, để thấm dần thôi. cũng còn lâu mới hiểu hết được nó. Và những sách mà mình từng mua thời là sinh viên, nhưng chưa đọc. thì ngồi đọc dần thôi. tích lũy kiến thức... cũng đâu có thừa. 
Nhưng dù sao, trong những lúc cảm thấy hồi hộp thế này, có người quan tâm thôi cũng mát lòng, có điều... 
gạt qua tất cả, lâu lâu có những đêm, tôi vẫn ngồi nhìn lên bầu trời và nghĩ về hai từ "CƠ CHẾ"... 

Cái xấu và năng khiếu ngụy biện của người Việt

TS. Lương Hoài NamThanh niên05:13' PM - Thứ năm, 12/06/2014
Không ít người lấy sự nghèo để biện minh, bảo vệ sự tồn tại cho nền giao thông xe máy, nạn lấn chiếm lòng đường, vỉa hè… Một số người thậm chí còn đấu tranh để những thứ không phù hợp với các đô thị hiện đại, văn minh này tồn tại vĩnh viễn, bất chấp những hậu quả khủng khiếp...

Nếu cần phải tìm một tố chất con người nào đó mà người Việt ta giỏi hơn người các nước khác, thiết nghĩ đó là năng khiếu ngụy biện.

Chúng ta nói được với nhau, giải thích được cho nhau mọi thứ trên đời một cách dễ dàng và đầy thuyết phục. Kể cả những thứ chúng ta hiểu rất ít và thậm chí là cả những thứ chúng ta thực ra không hiểu gì.

Những cái xấu tràn lan trong xã hội: tham ô tham nhũng; ăn trộm, ăn cướp, kể cả giết người; rượu chè, cờ bạc, đĩ điếm; đầu độc nhau bằng hàng hóa độc hại, thực phẩm độc hại; vi phạm luật, gây rối loạn trật tự giao thông; lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, xả rác bừa bãi; chen lấn xô đẩy mọi lúc, mọi nơi...

Quan tham thì tại chính họ tham, cái đó rõ rồi và họ cũng không thanh minh. Họ chỉ tìm cách trốn tránh sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật.

Còn các kiểu dân hư thì chúng ta đều giải thích được hết. Rất đơn giản và đầy thuyết phục: dân hư bởi tại... quan tham!

Đó là câu nói gần như cửa miệng của rất nhiều người, cho nhiều hoàn cảnh khác nhau, của bản thân mình hoặc của người khác.

Chúng ta yên tâm rằng, một ngày quan hết tham hoặc hết quan tham, mọi người sẽ tử tế ngay và nước ta sẽ trở thành thiên đường về môi trường sống.

Không ít người lấy sự nghèo để biện minh, bảo vệ sự tồn tại cho nền giao thông xe máy, nạn lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm chợ "cóc", làm chỗ giữ xe - Ảnh: Diệp Đức Minh

Nhưng hãy trung thực với mình đi!

Có bao nhiêu người ngoài 25 tuổi làm điều tốt không vì mục đích cá nhân của mình, mà đơn giản chỉ vì noi gương người tốt việc tốt của người ABC nào đó?

Có bao nhiêu người ngoài 25 tuổi làm điều xấu không vì động cơ cá nhân của mình, mà đơn giản chỉ vì theo gương xấu của người XYZ nào đó?

Ai chứ nhà tâm lý học nổi tiếng Abraham Maslow thì chắc không bao giờ chấp nhận cách giải thích vạn năng của người Việt chúng ta.

Theo Maslow thì mọi người đều hành động theo những nhu cầu cụ thể của chính bản thân. Mọi hành động của một cá nhân đều có một (hoặc một số) nhu cầu cá nhân sau nó. Bối cảnh hành động chỉ tác động, làm thay đổi lợi ích thu được và rủi ro phải chịu của hành động thôi. Có làm theo gương ai thì cũng là để đáp ứng các nhu cầu của bản thân người hành động.

Nói cách khác, một người tốt hoặc xấu không phải vì người khác tốt hoặc xấu, mà vì các lợi ích mà hành động tốt hoặc xấu có thể mang lại cho chính người đó.

Nếu các lợi ích đủ lớn, còn các rủi ro (hậu quả) được nhận thức là nhỏ (hoặc không có rủi ro) thì người đó sẽ hành động theo "sự chỉ đạo" của nhu cầu bản thân. Bối cảnh hành động chỉ có thể làm tăng hoặc giảm lợi ích và rủi ro.

Một vị quan thực hiện hành động tham ô vì lợi ích tiền bạc cho chính mình. Khi tham ô, vị quan đó nhận thức rủi ro của hành động tham ô là nhỏ.

Một người dân cướp của, người đó cướp của không phải vì theo gương xấu của vị quan tham ô nào đó, mà vì lợi ích tiền bạc cho chính mình. Khi cướp, người đó nhận thức rủi ro của hành động cướp là nhỏ.

Một người dân lao vào hôi của trong một vụ tai nạn giao thông hoặc thiên tai, người đó hôi của không phải vì theo gương xấu của vị quan tham ô nào đó, mà vì lợi ích vật chất cho chính mình. Hôi của cũng là cướp của. Khi hôi của, người đó nhận thức rủi ro bị xã hội lên án, hoặc bị bắt ra tòa xử, là nhỏ.

Một người dân vượt đèn đỏ, người đó vượt đèn đỏ không phải vì theo gương xấu của vị quan xấu nào đó, mà vì muốn đi nhanh qua ngã ba, ngã tư. Vượt đèn đỏ là "cướp" đường, thời gian và sự an toàn của người khác, xấu xa không kém cướp của. Khi vượt đèn đỏ, người đó nhận thức rủi ro mình bị các xe đi theo tín hiệu đèn xanh đâm chết, hoặc bị công an bắt phạt tiền, là nhỏ.

Một người dân chen lấn, xô đẩy khi mua hàng hay khám bệnh, người đó chen lấn, xô đẩy không phải vì theo gương xấu của vị quan xấu nào đó, mà vì muốn mua được hàng, hoặc được khám bệnh, nhanh hơn những người khác. Chen lấn, xô đẩy là "cướp" thời gian, sức khỏe của người khác, xấu xa không kém cướp của. Khi chen lấn, người đó nhận thức rủi ro bị lên án là nhỏ.

Đọc đến đây, không ít người sẽ nhìn ra "bảo bối" thứ hai: sự thiếu hụt về nhận thức, hay sự thiếu giáo dục. Họ sẽ nói: những hành động xấu đó trong dân là do nhận thức của con người nông cạn, do chất lượng giáo dục yếu kém (trong đó có các môn giáo dục công dân). Lỗi của ngành giáo dục, phải sửa từ giáo dục.

Nói như thế không sai và ngành giáo dục cần phải đổi mới toàn diện để tạo ra những thế hệ người Việt Nam có chất lượng hơn. Nhưng trong khi chờ những thế hệ người có chất lượng hơn đó, chúng ta vẫn phải có giải pháp đối với các "hàng hóa tồn kho", đó là chính chúng ta.

Chúng ta không thể bắt những người tuổi 20, 30, 40, 50 quay lại học lại từ lớp vỡ lòng và các môn học đạo đức công dân có chất lượng tốt hơn.

Cũng không cần thiết phải làm điều đó, vì ngoài giáo dục ở nhà trường, còn có giáo dục gia đình, giáo dục xã hội, giáo dục pháp luật, trong đó mỗi người đều có thể tự học, được học, thậm chí bị bắt học. Không ở đâu giáo dục ở nhà trường có thể thay thế được rất nhiều các hình thức giáo dục sau nhà trường.

Một người được giáo dục pháp luật tốt và vì một xã hội có trật tự, kỷ cương, người đó không bao giờ lấy cái sai, cái xấu của ai đó để biện minh cho cái sai, cái xấu của bản thân mình hay của những người khác.

Nhưng ở nước ta, đây là kiểu thái độ phổ biến trước các hiện tượng xã hội. Mọi thứ xấu xa đổ hết cho chính sách, cơ chế, thể chế là xong.

Không ít người lấy sự nghèo để biện minh, bảo vệ sự tồn tại cho nền giao thông xe máy, nạn lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm chợ "cóc", quán "cóc", làm chỗ giữ xe. Một số người thậm chí còn đấu tranh để những thứ không phù hợp với các đô thị hiện đại, văn minh này tồn tại vĩnh viễn, bất chấp những hậu quả khủng khiếp của chúng đối với sự phát triển của xã hội và con người.

Họ bảo, đến Paris, London, New York còn có nền kinh tế vỉa hè cơ mà? Điều họ không nói để mọi người biết là ở Paris, London, New York có kinh tế vỉa hè, nhưng đó là kinh tế vỉa hè được chính quyền quy hoạch và quản lý chặt chẽ để đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực thẩm và trật tự, mỹ quan đô thị, không phải là thứ kinh tế vỉa hè tự phát và gần như không được quy hoạch, quản lý như ở ta. Singapore cũng có các hàng cơm bình dân, nhưng không phải các hàng cơm bạ đâu ngồi đấy, xung quanh đầy rác rưởi, ruồi muỗi như ở ta.

Họ cho rằng xe máy là phương tiện đi lại của người nghèo và bảo vệ quyền sử dụng xe máy vĩnh viễn của mỗi người dân. Họ "lờ" đi thực tế là các nước Trung Quốc, Myamar đã cấm xe máy ở rất nhiều thành phố. Họ cũng không nói đến quyền của mỗi người dân, kể cả người nghèo, được hưởng một nền giao thông công cộng văn minh, hiện đại, an toàn như người dân ở các nước khác, không nói đến trách nhiệm đóng góp của người dân cùng nhà nước để sớm có một nền giao thông công cộng như vậy (dù chỉ là sự đóng góp tinh thần và sự sẵn sàng từ bỏ thói quen đi xe máy để phát triển giao thông công cộng).

Chúng ta thường chấp nhận sự ngụy biện vì không nghĩ nó gần như đồng nghĩa với một từ khác, đó là đạo đức giả. Nó dẫn dắt con người đến với những giá trị giả, những thứ không có giá trị ở các xã hội phát triển văn minh.

Không ở đâu một xã hội có thể phát triển giàu có và văn minh dựa trên sự phổ biến của năng khiếu ngụy biện, thói đạo đức giả.

Theo học thuyết của Maslow, để thay đổi hành vi con người và giảm bớt những thứ xấu xa trong xã hội, không có cách nào khác là phải tác động mạnh mẽ vào các lợi ích các thứ xấu xa đó mang lại cho đối tượng hành động (làm giảm hoặc triệt tiêu chúng), đồng thời tác động mạnh mẽ vào phía nhận thức, làm cho mỗi một người ý thức đầy đủ các rủi ro, hậu quả từ mỗi hành động của bản thân.

Nếu ai đó bảo mọi người cứ tử tế đi rồi tôi sẽ tử tế, người đó hoàn toàn không đáng tin chút nào. Điều kiện người đó đưa ra (để trở thành người tử tế) không xã hội nào đáp ứng được cả.

Nguồn: Thanh niên

Thứ Hai, 12 tháng 5, 2014

Học để làm gì? - Theo Vnexpress


Trọng tâm của giáo dục là việc học, chứ không phải là việc dạy hay nội dung chương trình. Vì thế, mọi hoạt động của giáo dục theo tôi đều phải xoay quanh việc học.
Với việc học, có ba câu hỏi tối quan trọng cần phải trả lời: “Học cái gì?”, “Học thế nào” và “Học để làm gì?”. Trong số ba câu hỏi này theo tôi, “Học để làm gì?” là quan trọng nhất, vì nếu trả lời được câu hỏi này thì hai câu còn lại sẽ tự động có đáp án.
Hệ thống giáo dục hiện thời đang đặt trọng tâm vào “Học cái gì?”, vì thế sách giáo khoa sẽ chiếm vị trí là trung tâm. Đó là lý do vì sao những cuộc cải cách giáo dục trong suốt mấy chục năm qua chỉ loay hoay vào sách giáo khoa. Ngay cả đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đang được triển khai cũng tập trung vào sách giáo khoa với lượng kinh phí lớn.
Sách giáo khoa là chân lý. Ông thầy với cuốn sách giáo khoa trong tay chính là hiện thân của chân lý. Học sinh sẽ không được nói những điều khác sách, không được phản biện, chất vấn thầy cô. Việc học sẽ tiến hành theo kiểu đọc - chép, học thuộc, luyện tập nhuần nhuyễn các dạng bài, theo mẫu hoặc sách tham khảo.
Việc lấy “Học cái gì?” làm trọng tâm cũng dẫn đến một hệ quả tất yếu là học để thi vì đó là cách dễ nhất để kiểm tra xem học sinh đã học được cái gì. Mà khi đã học để thi thì bệnh thành tích cũng là hệ quả hiển nhiên, không cách nào khắc phục được.
“Học cái gì?” và “Học để thi” cũng là cách tốt nhất để thể hiện quyền uy của người thầy, vì chỉ cần kiểm tra học sinh xem có thuộc như sách hay không là nắm trọn quyền sinh, quyền sát trong tay. Đây là cách tiếp cận yêu thích của các nhà quản lý vì dễ dàng kiểm soát. Chỉ cần nắm chặt sách giáo khoa là kiểm soát được cả hệ thống.
Muốn thoát khỏi cách tiếp cận này thì hệ thống giáo dục cần phải thay đổi từ “Học cái gì?” sang “Học thế nào?” và lý tưởng nhất là chuyển hẳn sang “Học để làm gì?”.
Càng lên cao thì “Học để làm gì?” càng trở nên quan trọng. Với bậc đại học thì “Học để làm gì?” là câu hỏi chủ chốt mà mỗi sinh viên, và rộng hơn là nhà trường, cần phải trả lời. Với một cá nhân, muốn việc học có hiệu quả thì phải trả lời bằng được câu hỏi “Học để làm gì?”. Với một hệ thống giáo dục, muốn cải cách thành công thì câu hỏi này cũng phải được bàn thảo một cách thấu đáo.
Vậy nên, trong hơn một năm qua, tôi thường làm các khảo sát bỏ túi xung quanh câu hỏi “Học để làm gì?” với những bạn học sinh, sinh viên hoặc phụ huynh mà tôi gặp. Câu trả lời thường rơi vào các nhóm như sau: Học để thi; học vì bố mẹ bảo học; học vì không biết làm gì khác; học mà không biết học để làm gì; học vì tất cả mọi người đều như vậy; học như một quán tính, hết cấp 1 thì lên cấp 2, lên cấp 3, rồi vào đại học.
Khoảng 80% học sinh trung học cơ sở và phổ thông trung học, khoảng 50% sinh viên trả lời: học để kiếm tiền hoặc học để sau này có công ăn việc làm. Khoảng 40-50% sinh viên đại học và khoảng 20-25% học sinh phổ thông trung học nói rằng: học để có thể tự lo cho cuộc sống của mình, kiếm được công việc phù hợp, sau này đỡ khổ và giúp đỡ gia đình.
Khoảng 80-90% bậc phụ huynh trong kỳ thi đại học vừa rồi trả lời: học để mở mang hiểu biết hoặc học để có địa vị trong xã hội.
Câu trả lời chung trong các nhóm khác nhau, chiếm tỷ lên khoảng 5-10%, tùy theo nhóm là học để tự hoàn thiện mình. Với một số người có tuổi, hoặc giáo viên, thì có thêm câu trả lời: Học để làm người.
Như vậy có thể thấy, phần lớn các bậc phụ huynh đặt mục tiêu cho việc học của con để sau này có một công ăn việc làm tốt, kiếm được tiền lo cho bản thân và gia đình. Một số khác ít hơn cho rằng học để mở mang hiểu biết, để có địa vị trong xã hội. Với sinh viên thì mục tiêu học để kiếm tiền, để có công ăn việc làm chiếm khoảng một nửa, còn lại là học mà không có bất cứ mục tiêu nào.
Điều ngạc nhiên là trong số những người được hỏi, có đến >95% cho biết họ chưa từng tự đặt câu hỏi này cho bản thân mình.
Xét về logic thì đây là một sự bất hợp lý. Trung bình một người đang đọc bài viết này chắc hẳn đã đầu tư khoảng 10-20 năm để đi học. Một đầu tư rất lớn về thời gian và tiền bạc như vậy mà mục đích lại không rõ ràng thì thật là kỳ lạ.
Tất cả đều quay cuồng dạy và học, đua nhau nhồi nhét kiến thức, mà rất ít khi dừng lại tự hỏi: Học để làm gì?
Xét rộng hơn cho cả hệ thống thì kết luận cũng tương tự. Khi câu hỏi “Học để làm gì?” không được trả lời thì tính hướng đích của hệ thống sẽ không rõ ràng. Hoạt động của hệ thống sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn. Cải tiến, cải lùi, rồi lại cải tiến, rồi chạy lại vòng vòng, như mấy chục năm qua, là kết quả có thể dự đoán trước.
Trong mớ bòng bong đó, rất may, UNESCO đã đưa ra câu trả lời giúp chúng ta nhân dịp bước sang thiên niên kỷ mới, rằng: Học để biết, Học để làm, Học khẳng định mình và Học để chung sống với người khác (learning to know, learning to do, learning to be and learning to live together). Đây là một nhận định sáng suốt của UNESCO và cần được phổ biến. Nhưng đây không phải là câu trả lời duy nhất.
Trong số các câu trả lời mà tôi nhận được thì cá nhân tôi cho rằng, học để làm người là một nhận định xác đáng và sẽ vẫn còn chỗ đứng trong giáo dục. Vấn đề là người như thế nào?
Điều đó cho thấy câu trả lời này có nội hàm mập mờ, thậm chí hàm chứa cạm bẫy áp đặt quan niệm, nên cần làm rõ. Chẳng hạn, chỉ cần dấn thêm một bước bằng câu hỏi người là gì, hay làm người theo tiêu chí nào, thì câu trả lời này sẽ rơi vào thế bế tắc hoặc hỗn loạn vì có quá nhiều đáp án. Do đó, học để làm người thoạt nghe tưởng là chân lý, nhưng lại chứa rất nhiều nội dung không rõ ràng, hoặc bị áp đặt sai lệch, nên cần phải bàn thảo để làm rõ.
Vậy theo bạn, trong ba câu hỏi của việc học, thì đâu là câu hỏi quan trọng nhất? Bạn đã từng đặt câu hỏi “Học để làm gì?” chưa? Nếu có thì câu trả lời của bạn là gì? Bạn hiểu thế nào về học để làm người?
Giáp Văn Dương

Triết lý giáo dục Việt Nam là gì? - Thep Vnexpress


Mỗi nền giáo dục dựa trên một hệ triết lý giáo dục có ảnh hưởng mang tính quyết định đến nội dung, phương pháp dạy và học. Giáo dục Mỹ có những triết lý giáo dục rõ ràng, thuyết phục, nhờ thế mà có chất lượng tốt bậc nhất thế giới.
Sự phát triển của xã hội Mỹ và vị thế cường quốc của Mỹ trên nhiều phương diện là kết quả trực tiếp của nền giáo dục siêu đẳng về tính khoa học và hiệu quả.
Các triết lý giáo dục cốt lõi của Mỹ bao gồm: Thuyết bản chất (Essentialism), thuyết trường tồn (Perennialism), thuyết tiến bộ (Progressivism), thuyết cải tạo xã hội (Social reconstructionism), thuyết hiện sinh (Existentialism).
Theo tổ chức xuất bản sách giáo dục McGraw Hill Education (Mỹ), thuyết bản chất đề cao việc dạy các nội dung mang tính bản chất thuộc các kiến thức kinh điển và đạo đức, khuyến khích nhà trường trở về với các vấn đề căn bản, dựa trên chương trình giáo dục cốt lõi mạnh và các tiêu chuẩn kinh điển cao.
Thuyết trường tồn chú trọng các chân lý phổ quát được kiểm nghiệm qua thời gian, khuyến khích học sinh đọc "Những cuốn sách vĩ đại" ("The Great Books") để phát triển nhận thức các quan điểm triết học tạo nền tảng cho kiến thức nhân loại. (Mỹ rất chú trọng việc học sinh đọc những sách kinh điển trong danh sách nhà trường lựa chọn cho từng cấp học, dao động từ một vài trăm đến một vài nghìn cuốn để giáo viên chọn cho học sinh của mình đọc, thảo luận nhóm và viết thu hoạch).
Thuyết tiến bộ đòi hỏi nội dung các bài giảng ở trường phải có sự liên quan đến học sinh để các em mong muốn học. Chương trình giảng dạy của nhà trường theo triết lý giáo dục này được xây dựng xoay quanh các trải nghiệm, lợi ích, nhu cầu cá nhân của học sinh và tạo hứng thú, đam mê học tập.
Thuyết cải tạo xã hội như triết lý giáo dục đòi hỏi sự chú tâm trực tiếp và kịp thời đến tệ nạn, thói hư tật xấu trong xã hội, đề cao sự kết hợp học với hành, dựa trên niềm tin rằng giáo dục có thể và cần phải cải thiện, giải quyết các vấn đề xã hội.
Thuyết hiện sinh xuất phát từ quan điểm về tự do ý thức của mỗi con người và nhu cầu để mỗi người tự tạo dựng tương lai cho bản thân. Trong một nhà trường, các học sinh được khuyến khích hiểu và đề cao tính độc nhất vô nhị của bản thân và chịu trách nhiệm về các hành động của mình.
Thật khó hình dung một nền giáo dục mà thiếu triết lý giáo dục. Nếu nói là giáo dục Việt Nam chưa có triết lý giáo dục thì điều này thật khó chấp nhận. Nhưng nếu giáo dục Việt Nam đã có triết lý giáo dục, thì triết lý đó như thế nào, bao gồm những nội dung gì?
Nếu tập hợp đại diện cơ quan quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh, người dân vào cùng một phòng thi với yêu cầu trình bày về hệ triết lý giáo dục Việt Nam, tôi e rằng sẽ thu được những bài thi rất khác nhau. Một số người có thể viết ra được một số nội dung nào đó. Một số người có lẽ sẽ nộp lại tờ giấy trắng.
Vì cho đến gần đây, vẫn còn các bài nghiên cứu kiểu "Triết lý giáo dục Việt Nam là gì?", "Hành trình đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam hiện đại".
Nếu nó đã có và đủ rõ ràng, nhất quán, thuyết phục thì cần gì đi tìm nó nữa? Nó đã phải được in ấn ở trong cuốn sách, tài liệu nào đó rồi. Vậy chỉ có thể là nó chưa có, hoặc đã có nhưng chưa đủ rõ ràng, nhất quán, thuyết phục để trở thành một hệ thống mang tính nền tảng cho nền giáo dục.
Những người cho rằng Việt Nam đã có triết lý giáo dục thường minh họa bằng các ví dụ như sau: "Tiên học Lễ. Hậu học Văn", "Học đi đôi với Hành", "Không thày đố mày làm nên", "Muốn sang thời bắc cầu kiều. Muốn con hay chữ thì yêu lấy thày", "Vì lợi ích mười năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người", "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu".
Trong các câu trên, một số có thể được coi là triết lý giáo dục, ví dụ: "Tiên học Lễ. Hậu học Văn", "Học đi đôi với Hành". Một số câu khác thật ra không phải là triết lý giáo dục, mà là về thái độ đối với nghề giáo, thầy giáo, tầm quan trọng của giáo dục và người thầy.
Trong những câu có thể được coi là triết lý giáo dục, có những câu đã tồn tại hàng trăm năm nay và chưa được thẩm định, khẳng định liệu chúng có còn phù hợp với nền giáo dục thời đại mới nữa hay không?
"Tiên học Lễ. Hậu học Văn" là tư tưởng giáo dục Khổng giáo, đề cao tính ưu tiên và tầm quan trọng của việc dạy đạo đức so với việc dạy kiến thức, kỹ năng. Liệu tư tưởng này có còn phù hợp với nhu cầu học tập suốt đời? Liệu nó có phù hợp với các mục tiêu học tập "Học để Biết. Học để Làm. Học để Chung sống. Học để Tự lập" của UNESCO mà chúng ta cũng đã chọn theo?
Phải chăng, chuẩn bị bước vào một "trận đánh lớn" trên mặt trận giáo dục như Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo tuyên bố, cần nghiêm túc đặt ra câu hỏi về hệ triết lý giáo dục Việt Nam và tìm câu trả lời nhất quán, thuyết phục cho nó? Triết lý giáo dục với một nền giáo dục quan trọng y như hiến pháp đối với một quốc gia vậy.
Thật ra, một nền giáo dục chú trọng tính bản chất và tính trường tồn như giáo dục Mỹ được xây dựng trên nền tảng các quan điểm triết học lâu đời hơn rất nhiều so với các nền giáo dục có thiên hướng thay đổi theo tính chính trị của thời đại.
Tất cả những gì nước Mỹ coi là triết lý giáo dục đều có thể tìm được nguồn gốc ở triết học Hy Lạp cổ đại của các nhà triết học - nhà giáo Socrates, Plato, Aristotle... Điều ngạc nhiên là sự trung thành với các quan điểm triết học cổ đại, kể cả về triết lý giáo dục, lại mang lại cho nước Mỹ một khả năng thay đổi và phát triển mạnh mẽ trong mọi thời đại, không bao giờ là nạn nhân của chủ nghĩa giáo điều.
Lương Hoài Nam


Nỗi đau của 'kẻ trộm sách' - Theo Vnexpress

Tôi mới đây được xem bộ phim 'Kẻ trộm sách' của đạo diễn Brian Percival và trong đầu luôn ghi nhớ hình ảnh cô bé xinh xắn, đáng yêu Liesel Meminger nghiêng mình bên trang sách.
Em say mê học từng con chữ dưới gian hầm nhà ẩm thấp, lạnh lẽo. Em dũng cảm lẻn trèo qua cửa sổ nhà của vợ chồng một ông tướng dưới trướng Hitler để lấy những cuốn sách yêu thích về nhà đọc. Mỗi khi đọc xong cuốn nào, Liesel Meminger lại trèo vào nhà của ông tướng để trả lại cuốn đó. Dưới góc nhìn của một nhà đạo đức học, chắc chắn hành vi lẻn vào nhà người khác để lấy bất cứ một món đồ gì đều có thể bị gọi là hành vi trộm cắp. Nhưng cô bé khẳng định mình không "ăn cắp" mà chỉ là "mượn" những cuốn sách đó.
Các cuốn sách đã nâng đỡ, vực dậy tinh thần Liesel Meminger như thế nào trong Thế chiến đầy khốc liệt, nghiệt ngã thì các bạn có thể tìm hiểu khi xem bộ phim. Chỉ có điều sự việc vừa xảy ra với một cô bé học lớp 7 đang được cho là ăn trộm hai cuốn truyện Trạng Quỳnh trong siêu thị ở Gia Lai khiến tôi liên tưởng đến hình ảnh "Kẻ trộm sách".
Khi liên tưởng đến hình ảnh của kẻ trộm sách trong bộ phim, tôi không cố gắng thi vị hóa hay lãng mạn hóa hành động của em học sinh lớp 7 này. Nhưng trước hình ảnh cô học trò bị trói giang hai tay với tấm bảng gắn trước ngực: "Tôi là người ăn trộm", thì tôi ước, giá như lúc vội viết dòng chữ này, nhân viên cửa hàng ghi thêm chữ "sách" vào sau chữ "trộm", có lẽ, con đường để bé gái hồi phục tinh thần đỡ gian nan hơn so với thực tại. 
Ăn trộm, ăn cắp vĩnh viễn không bao giờ là một hành vi tốt của con người. Nhưng cá nhân tôi vẫn nghĩ, khi bị gán cho chữ "ăn trộm sách" nó vẫn khác hơn là bạn đi ăn trộm một thứ gì đó.
Người Việt Nam chúng ta luôn tự hào là một đất nước nhân văn, trọng đạo lý, có truyền thống hiếu học lâu đời. Chính vì lẽ đó, chúng ta thường nói chữ "sách", dù đôi khi chỉ là cuốn truyện tranh, với hàm ý trân trọng, tự hào. Chúng ta có những Hội sách, Đường Sách, và sắp tới là Ngày Sách Việt Nam - ngày mà cả nước được cổ động cùng nhau đọc sách, tôn vinh văn hóa đọc. Vậy thì việc một em bé đang bị nghi ngờ ăn trộm hai cuốn truyện có đáng để bị mang ra thị chúng theo kiểu rêu rao trên mạng xã hội.
Đám đông chứng kiến tại siêu thị đã là quá sức chịu đựng của em. Sự buộc tội của những người lớn vào khoảnh khắc em bị bắt quả tang đã là quá sức chịu đựng của em. Vậy thì làm sao em có thể chịu thêm được việc bị gắn cho mác "Tôi là người ăn trộm" như thế. Tôi hình dung, theo lẽ thường trong cuộc sống, em sẽ lớn lên, trưởng thành, có công ăn việc làm, có bạn trai, rồi sẽ làm vợ, làm mẹ, làm bà... Cuộc sống của em sẽ đi theo một lập trình như bao số phận khác trong xã hội này. Nhưng từ giờ cuộc sống ấy có lẽ sẽ khác đi bởi cái mác mà người lớn đóng dấu cho em.
Viết đến đây, tôi chợt thấy cô bé Liesel Meminger thật may mắn. Giả sử em bị bắt lúc đang trèo cửa sổ vào nhà người ta, thì dù có vì lý do nhân văn gì đi nữa em vẫn là một kẻ ăn trộm. Tôi lại thấy Jean Val Jean thật may mắn vì cuộc đời ông ta đã rơi vào bi kịch khi phải chịu khổ sai 19 năm chỉ vì ăn cắp mẩu bánh  nhỏ cho chị và đàn cháu thì cũng được thay đổi khi sau đó. Dù ông có ăn trộm bộ đồ bạc quý giá gấp bao nhiêu lần của giám mục Myriel nhưng vẫn có cơ hội làm lại cuộc đời nhờ lòng vị tha và bao dung của giám mục.
Bạn đừng cười và cho là tôi đang cố gắng tiểu thuyết hóa một vấn đề thời sự mà xã hội chúng ta đang bàn đến. Đừng bảo những chuyện đó chỉ có trong tiểu thuyết và phim ảnh. Nếu những câu chuyện trên trang sách ấy không có giá trị với cuộc đời thực thì vì sao từ lâu chúng ta tôn vinh những tiểu thuyết gia, những con người như Victor Hugo?
Tôi không chứng kiến toàn bộ sự việc, tôi không biết rõ người nhân viên ở siêu thị sách để có thể hiểu được hành động răn đe mà anh ta đã làm với một đứa học sinh lớp 7. Cũng như tôi không hiểu rõ hoàn cảnh gia đình, xuất thân, lối sống của anh nên tôi không thể nhân danh một lý luận đạo đức nào để chỉ trích anh ta. Tôi chỉ có thể đoán rằng, có lẽ anh là người không yêu sách, không thích đọc sách. Bởi nếu anh ta yêu đọc sách, anh ta khó lòng áp dụng hình thức xử phạt này với đứa bé.
Tôi tự vẽ một kịch bản trong đầu. Nếu đúng là em bé ăn trộm hai cuốn truyện Trạng Quỳnh, khi người nhân viên bắt gặp, người ta sẽ gọi em vào phòng riêng, nhỏ nhẹ hỏi vì sao em làm thế. Người ta sẽ liên lạc với gia đình, thầy cô em để nhắc nhở và khuyên nhủ em. Và sau cùng, người ta sẽ tặng luôn cho em hai cuốn truyện đó. Tôi cho rằng đó là một cách xử lý tốt trong trường hợp này.
Ngày còn là học sinh ở Long Xuyên, An Giang, tôi từng chứng kiến cảnh một chủ tiệm sách nhỏ dùng xích trói một em bé vào chõng đựng sách vì tội ăn cắp. Ánh mắt không còn một chút niềm tin của thằng bé khi phải ngồi lom khom vì bị cột chặt, cùng hình ảnh những người đứng chỉ trỏ xung quanh vẫn thỉnh thoảng quay về trong tôi.
Tôi không tin rằng một xã hội sẽ tốt đẹp nếu mỗi công dân sống trong xã hội đó xem thường pháp luật. Nhưng, đồng thời, cũng như Đức Pháp Vương Drukpa từng nói: 'Tình yêu thương bắt đầu bằng sự hiểu biết'. Tôi luôn tin rằng một xã hội tốt đẹp rất cần được xây dựng trên thấu hiểu về giá trị đạo đức, sự khoan dung, lòng nhân từ, đức tính vị tha, sự thấu cảm và tình yêu thương giữa con người với con người. Một xã hội như thế sẽ giúp mỗi con người giữ được lòng tự trọng, tự tin xây dựng cuộc sống của riêng mình tốt đẹp hơn.
Dương Vân


Cách dạy và học Sử tại Anh - Theo Vnexpress

Tôi là giáo viên Sử ở Anh khoảng 20 năm, dạy cho học sinh từ 11 đến 18 tuổi. Sáu năm gần đây, tôi chủ yếu dạy ở các trường cao đẳng.
Trước hết, tôi xin nói qua về hệ thống giáo dục tại Anh. Ở đây, trẻ bắt đầu vào tiểu học khoảng 5-7 tuổi (tuỳ từng bé), sau đó chuyển tiếp lên trung học ở tuổi 11-18. Từ 5 đến 14 tuổi, tất cả các em đều phải học môn lịch sử  2 giờ mỗi tuần.
Tuy nhiên, ở tuổi 14, khi bước vào chương trình GCSE (General Certificate of Secondary Education) - chương trình 2 năm cuối phổ thông thì các em sẽ học 8-9 môn học bao gồm cả bắt buộc lẫn tự chọn để dễ dàng tiếp tục ở các bậc học sau. Các môn bắt buộc gồm Toán, Tiếng Anh, Khoa học, Giáo dục tín ngưỡng (Religious Education) và Giáo dục thể chất. Như vậy, lịch sử là môn tự chọn.
Theo quan sát của tôi thì đa số học sinh phổ thông tại Anh chọn lịch sử và họ cần học 3 giờ mỗi tuần. Sau khi hoàn tất chương trình phổ thông, nếu em nào chọn học chương trình A-level (cho phép học sinh tích lũy kiến thức để vào các trường đại học) có môn lịch sử thì họ phải học môn này 5-6 giờ mỗi tuần.
Chương trình giảng dạy tại các trường học Anh rất linh hoạt. Việc học từ 14 đến 18 tuổi mới chú trọng đến các kỳ thi còn trước tuổi đó thì không. Mặc dù có chương trình khung quốc gia nhưng nó không chi tiết, cứng nhắc như nhiều nước khác.
Ví dụ, trong chương trình quốc gia nói rằng: "Trẻ nên được học về các sự kiện và con người nổi bật trong thế kỷ 20" thì cũng không quy định cụ thể là bao nhiêu người, bao nhiêu sự kiện cũng như tên người và tên sự kiện nào. Điều đó có nghĩa là nếu một giáo viên quan tâm đến nhân vật, sự kiện nào hoặc trường học đó ở địa phương có liên hệ gần gũi với nhân vật, sự kiện đó thì có thể đưa vào chương trình giảng dạy của mình. Chương trình quốc gia cũng không quy định về thời lượng, phương pháp cho từng chủ đề.
Chẳng hạn, khi tôi dạy cho học sinh 11, 12 tuổi, chúng tôi đã bỏ ra vài tuần chỉ để quan sát những người sống trong một lâu đài gần thị trấn của chúng tôi, phân tích và thấu hiểu cuộc sống của họ. Ở một lớp khác, các em được học về những người lính trong thế chiến thứ nhất. Có nhiều buổi học, chúng tôi dành thời gian để phân tích nhật ký, bài thơ, các bức thư tình của họ.
Điều đặc biệt là chương trình môn lịch sử không quá nhiều nội dung vì tôi muốn phát triển kỹ năng đa đạng cho các 'sử gia trẻ tuổi' của mình. Để phân tích một nguồn thông tin như một bức thư phải mất rất nhiều thời gian nếu muốn thảo luận về nó, hiểu và liên kết nó với hoàn cảnh lịch sử bức thư ra đời, vì thế có khi phải mất cả buổi học. Chúng tôi chú trọng việc khuyến khích thảo luận mang tính phân tích mức độ cao cho học sinh.
Làm việc nhóm là một cách tốt để kích thích tư duy cho các em. Tôi thường dùng phương pháp 'xếp kim cương' để xây dựng các cuộc tranh luận, phân tích các sự kiện lịch sử và cách thức này rất hữu dụng.
Ví dụ, khi thảo luận xem xét nguyên nhân nội chiến ở Anh hay Mỹ, các em có thể liệt kê 20 hay 30 ý, trong đó có thể là nguyên nhân dài hạn, hay ngắn hạn nhưng điển hình. Với những ý tưởng đơn giản ban đầu, sau khi thảo luận cùng bạn trong nhóm để tư duy, phân tích và sắp xếp các suy nghĩ của mình đã giúp các em tìm ra những lập luận phức tạp và đặc sắc hơn. Hoạt động này giống như hình ảnh hóa suy nghĩ cho học sinh bằng cách đặt suy nghĩ trừu tượng bên trong của các em vào một tiến trình phân tích để rồi từ đó từng bước trở nên rõ ràng, cụ thể hơn.
Một số hoạt động khác khi dạy tôi dựa vào mô hình tranh luận bài bản được sử dụng gần 200 năm nay ở 'Hội đồng sinh viên đại học Cambridge' để tạo điều kiện cho học sinh tự tin phát biểu. Tôi dùng mô hình này để chứng tỏ rằng những cách thức cũ vẫn có thể dùng trong dạy học hiện đại.
Để chuẩn bị cho tranh luận, chúng tôi trải qua nhiều hoạt động để tìm hiểu vấn đề, xây dựng các quan điểm, đưa ra các lập luận. Điều thú vị là trước khi bắt đầu 15 phút, học sinh mới được chỉ định ai sẽ thuộc về 'phe' nào. Một học sinh có thể phải biện luận cho một ý kiến trái với ý kiến thực sự của họ. Khi tranh luận với những người khác, các em vừa hiểu về quan điểm đó vừa khám phá nhiều hơn về chính bản thân họ. Cách thức này cũng bồi dưỡng các kỹ năng xã hội quan trọng để học sinh biết cách tranh luận quả quyết, có căn cứ nhưng sau đó vẫn là bạn bè thân thiện.
Mới đây, trên một tờ báo Anh đưa tin, hai chính trị gia người Anh Ed Ball và George từ hai Đảng đối lập là Lao động và Bảo thủ đã trông con cho nhau khi một trong hai bận phỏng vấn. Như vậy, dù quan điểm chính trị có khác nhau, trong các kỳ họp, bên ngoài họ vẫn có thể giúp đỡ, cư xử ôn hoà với nhau. Chúng tôi muốn rèn cho học sinh những kỹ năng và thái độ sống cho tương lai, trong đời sống thực như các vị chính trị gia mà không chỉ là trường học.
Một điều quan trọng khác khi dạy lịch sử là cho phép học sinh được suy nghĩ và thực hiện các nghiên cứu bài bản. Dù các kỳ thi bắt buộc ở tuổi 16 và 18 cho môn lịch sử thì mục tiêu nghiên cứu và sáng tạo vẫn được đề cao. Vì thế, giáo viên phải xem mình là người hỗ trợ học tập cho học sinh. Một số bài học nên để các em tự dùng máy tính, sách để tra cứu thông tin. Giáo viên vẫn có vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn cách tra cứu và hỗ trợ từng cá nhân nhưng không mất thời gian công sức để trình bày toàn bài học đó. Yêu cầu học sinh tự nghiên cứu đặc biệt hữu ích khi học về lịch sử địa phương.
Tôi thấy rằng sau các thảo luận, nghiên cứu, phân tích thì một bài luận là cần thiết. Tôi thường không yêu cầu viết nhiều, chỉ một bài dài khoảng 1.500 từ trong một tháng. Số lượng không quan trọng bằng chất lượng. Quá trình viết một bài luận sắc sảo, thông minh là một thử thách thú vị cho học sinh. Tôi cho rằng với sự hướng dẫn cẩn thận của giáo viên, hầu hết các em đều có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ này và đánh giá được các ý kiến, hiểu biết của họ.
Theo tôi, lịch sử là môn học quan trọng để dạy kỹ năng tư duy và viết lách cho học sinh.


12 việc làm lãng phí cuộc sống của bạn - Theo Vnexpress

Chơi video game, xem truyền hình thực tế, lướt web phàn nàn... là một vài việc làm lãng phí cuộc sống của bạn.
1. Dành quá nhiều thời gian làm những việc bạn không nên làm
Bạn đang dành nhiều thời gian cho trò chơi video, truyền hình thực tế, lướt web, ăn, uống quá nhiều, có cái nhìn tiêu cực về cuộc sống. Bạn dành phần lớn thời gian trong cuộc đời ở đâu? Nơi đó có đưa bạn đến một cuộc sống tốt hơn không? Nếu không, bạn cần đánh giá lại và thay đổi để có một tương lai tươi sáng hơn.
2. Bạn thấy mình phàn nàn rất nhiều
Nhiều người cảm thấy bất mãn với cuộc sống, và họ không ngừng than vãn. Bạn có phải là một trong số đó? Bạn phàn nàn về công việc, về sếp, mức lương, hàng xóm hoặc người bạn đời? Mọi thứ bạn nói đều toát lên thái độ tiêu cực. Tiêu cực không thể thay đổi mọi thứ. Nó chỉ khiến bạn bị mắc kẹt hơn thôi. Vì vậy, thay đổi suy nghĩ và nói về những gì bạn đánh giá cao về cuộc sống chứ không phải những gì bạn không thích.
3. Không nuôi dưỡng tâm trí của mình
Nếu bạn không tiếp tục phát triển và học tập thì sẽ mãi mãi chỉ đứng im. Vì vậy, bạn nên giữ tâm trí luôn hoạt động bằng cách học hỏi những điều mới. Những thử thách tích cực trong cuộc sống sẽ mở mang tâm trí của bạn.
4. Tự nhủ với bản thân những điều tiêu cực
Tự nhủ với bản thân có thể làm bạn tốt hơn hoặc tồi tệ hơn đi rất nhiều. Như Henry Ford nói: "Cho dù bạn tự nhủ mình có thể, hoặc nghĩ rằng mình không thể... một trong hai cách, bạn nói đúng". Nếu bạn nói với bản thân rằng bạn không đủ thông minh để có được xúc tiến đó hoặc bắt đầu sự nghiệp kinh doanh, thì sau đó bạn sẽ thấy mình nói đúng. Nếu bạn nói với bản thân rằng mình quá kiệt sức để nỗ lực thay đổi cuộc sống bản thân thì sau đó bạn thấy mình nói đúng. Nếu bất cứ điều gì bạn tự nhủ vởi bản thân đều thành sự thật, vì sao bạn không tự nhủ những điều tích cực về mình?
5. Bạn cảm thấy tẻ nhạt
Bạn có một niềm đam mê không? Nhiều người nghĩ rằng họ không có một niềm đam mê nào cả. Chắc chắn sẽ có một vài điều bạn cảm thấy yêu thích. Vì vậy, bạn cần tái khám phá những gì cảm thấy yêu thích và làm những điều đó nhiều hơn.
6. Không có kế hoạch cho tương lai
Trong khi cuộc sống hiện tại luôn là tuyệt vời, đôi khi bạn cần phải nhìn về phía trước để xem những nơi bạn muốn đi. Nếu bạn không có một mục tiêu hay một kế hoạch, sau đó bạn có giống như một chiếc thuyền đang lang thang không mục đích trong đại dương. Nhưng bạn không thể để như vậy. Bạn phải cần hoạch định cho tương lai. Cũng giống như thiết bị GPS giúp bạn đến một địa điểm, bạn cần GPS bên trong hướng dẫn bạn.
7. Dành quá nhiều thời gian với những người không thể giúp bạn tiến bộ
Thật dễ dàng để bị mắc kẹt với những người không làm cho bạn trở thành một người tốt hơn. Nếu tiếp tục như vậy, bạn sẽ trở nên trì trệ và bị kéo tụt xuống cùng với họ. Thay vào đó, bạn hãy tìm những người có thể thúc đẩy bạn, giúp bạn tiến bộ.
8. Bạn đang nghiện điện thoại 
Điện thoại di động với nhiều tiện ích sẽ khiến chúng ta mê mẩn khi sử dụng. Trong khi nhiều người nghĩ điện thoại là niềm vui thì hãy suy nghĩ về những thời gian bạn đang lãng phí với chiếc dế yêu của mình. Thậm chí tệ hơn hãy suy nghĩ về tất cả mối quan hệ có thể bị ảnh hưởng. Có lẽ bạn đang nhắn tin hoặc tìm kiếm trên Internet trong khi bạn đang ăn tối với vợ, chồng hoặc con của bạn. Nếu đang như vậy, bạn đang bỏ lỡ thời gian có ý nghĩa mà đáng lẽ bạn nên dành cho người thân yêu, hoặc thời gian bạn có thể nỗ lực để thực hiện một kế hoạch cho tương lai.
9. Bạn tiêu tiền vào những thứ không quan trọng
Có sự khác biệt giữa một "nhu cầu" và "muốn”. Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay, ranh giới này ngày càng bị xóa nhòa. Nếu bạn dừng lại để suy nghĩ một chút, bạn sẽ thấy có rất ít thứ chúng ta thực sự cần. Thực phẩm, nước, nơi ở và tình yêu là một số trong những điều đó. Tất cả phần còn lại chỉ là những thứ để thêm vào thôi. Vì vậy, nhìn vào những gì bạn đang đổ tiền vào và xem bạn có thể điều chỉnh không. Có lẽ bạn sẽ có thể sử dụng số tiền tiết kiệm để đầu tư vào tương lai.
10. Bạn không ngủ đủ giấc
Giấc ngủ rất quan trọng cho sức khỏe. Nếu bạn quá bận rộn nên không thể ngủ đủ hoặc đó đơn giản chỉ là một thói quen xấu khi bạn thức cho đến nửa đêm hoặc rạng sáng, bạn nên đánh giá lại thói quen của mình.
11. Bạn không chăm sóc cơ thể
Không chỉ giấc ngủ cần thiết cho sức khỏe của bạn, thực phẩm và tập thể dục cũng là điều cần thiết để có được sức khỏe tốt. Một chế độ ăn uống khỏe mạnh cân bằng và năng vận động sẽ có kết quả tích cực hơn những liệu pháp giảm cân. Vì vậy, hãy nhìn vào chế độ ăn uống và mức độ hoạt động của bạn. Bạn có thể thấy rằng việc thực hiện một vài thay đổi nhỏ sẽ cải thiện cuộc sống của bạn.
12. Bạn đang sống một cuộc sống mà bạn không thích
Bạn có hạnh phúc không? Nếu không, sau đó bạn nên thay đổi một cái gì đó. Cuộc sống nên thú vị. Vì vậy, nếu bạn không tận hưởng cuộc sống hãy nhìn vào một số thay đổi bạn có thể làm để có được một cuộc sống tốt hơn.
Quỳnh Trang (Theo lifehack)