Một gian nhà trống vắng, chỉ còn lại hai bóng người vào ra. Đàn con thơ ngày nào đã lớn, chúng đã cất cánh bay theo cuộc đời.Đợi chờ gì khi chúng là niềm hy vọng, niềm tự hào của cả một gian nhà. Ta sống là để đền đáp niềm tự hào ấy. Ta sống là để báo công sinh thành, dưỡng dục của mẹ cha. Để không còn nữa cảnh hai người đơn độc trong căn nhà nhỏ. Ta Sẽ Trở Về !
Điện Biên _ Niềm Kiêu Hãnh Thế Gian.

Thứ Hai, 12 tháng 5, 2014

Nỗi đau của 'kẻ trộm sách' - Theo Vnexpress

Tôi mới đây được xem bộ phim 'Kẻ trộm sách' của đạo diễn Brian Percival và trong đầu luôn ghi nhớ hình ảnh cô bé xinh xắn, đáng yêu Liesel Meminger nghiêng mình bên trang sách.
Em say mê học từng con chữ dưới gian hầm nhà ẩm thấp, lạnh lẽo. Em dũng cảm lẻn trèo qua cửa sổ nhà của vợ chồng một ông tướng dưới trướng Hitler để lấy những cuốn sách yêu thích về nhà đọc. Mỗi khi đọc xong cuốn nào, Liesel Meminger lại trèo vào nhà của ông tướng để trả lại cuốn đó. Dưới góc nhìn của một nhà đạo đức học, chắc chắn hành vi lẻn vào nhà người khác để lấy bất cứ một món đồ gì đều có thể bị gọi là hành vi trộm cắp. Nhưng cô bé khẳng định mình không "ăn cắp" mà chỉ là "mượn" những cuốn sách đó.
Các cuốn sách đã nâng đỡ, vực dậy tinh thần Liesel Meminger như thế nào trong Thế chiến đầy khốc liệt, nghiệt ngã thì các bạn có thể tìm hiểu khi xem bộ phim. Chỉ có điều sự việc vừa xảy ra với một cô bé học lớp 7 đang được cho là ăn trộm hai cuốn truyện Trạng Quỳnh trong siêu thị ở Gia Lai khiến tôi liên tưởng đến hình ảnh "Kẻ trộm sách".
Khi liên tưởng đến hình ảnh của kẻ trộm sách trong bộ phim, tôi không cố gắng thi vị hóa hay lãng mạn hóa hành động của em học sinh lớp 7 này. Nhưng trước hình ảnh cô học trò bị trói giang hai tay với tấm bảng gắn trước ngực: "Tôi là người ăn trộm", thì tôi ước, giá như lúc vội viết dòng chữ này, nhân viên cửa hàng ghi thêm chữ "sách" vào sau chữ "trộm", có lẽ, con đường để bé gái hồi phục tinh thần đỡ gian nan hơn so với thực tại. 
Ăn trộm, ăn cắp vĩnh viễn không bao giờ là một hành vi tốt của con người. Nhưng cá nhân tôi vẫn nghĩ, khi bị gán cho chữ "ăn trộm sách" nó vẫn khác hơn là bạn đi ăn trộm một thứ gì đó.
Người Việt Nam chúng ta luôn tự hào là một đất nước nhân văn, trọng đạo lý, có truyền thống hiếu học lâu đời. Chính vì lẽ đó, chúng ta thường nói chữ "sách", dù đôi khi chỉ là cuốn truyện tranh, với hàm ý trân trọng, tự hào. Chúng ta có những Hội sách, Đường Sách, và sắp tới là Ngày Sách Việt Nam - ngày mà cả nước được cổ động cùng nhau đọc sách, tôn vinh văn hóa đọc. Vậy thì việc một em bé đang bị nghi ngờ ăn trộm hai cuốn truyện có đáng để bị mang ra thị chúng theo kiểu rêu rao trên mạng xã hội.
Đám đông chứng kiến tại siêu thị đã là quá sức chịu đựng của em. Sự buộc tội của những người lớn vào khoảnh khắc em bị bắt quả tang đã là quá sức chịu đựng của em. Vậy thì làm sao em có thể chịu thêm được việc bị gắn cho mác "Tôi là người ăn trộm" như thế. Tôi hình dung, theo lẽ thường trong cuộc sống, em sẽ lớn lên, trưởng thành, có công ăn việc làm, có bạn trai, rồi sẽ làm vợ, làm mẹ, làm bà... Cuộc sống của em sẽ đi theo một lập trình như bao số phận khác trong xã hội này. Nhưng từ giờ cuộc sống ấy có lẽ sẽ khác đi bởi cái mác mà người lớn đóng dấu cho em.
Viết đến đây, tôi chợt thấy cô bé Liesel Meminger thật may mắn. Giả sử em bị bắt lúc đang trèo cửa sổ vào nhà người ta, thì dù có vì lý do nhân văn gì đi nữa em vẫn là một kẻ ăn trộm. Tôi lại thấy Jean Val Jean thật may mắn vì cuộc đời ông ta đã rơi vào bi kịch khi phải chịu khổ sai 19 năm chỉ vì ăn cắp mẩu bánh  nhỏ cho chị và đàn cháu thì cũng được thay đổi khi sau đó. Dù ông có ăn trộm bộ đồ bạc quý giá gấp bao nhiêu lần của giám mục Myriel nhưng vẫn có cơ hội làm lại cuộc đời nhờ lòng vị tha và bao dung của giám mục.
Bạn đừng cười và cho là tôi đang cố gắng tiểu thuyết hóa một vấn đề thời sự mà xã hội chúng ta đang bàn đến. Đừng bảo những chuyện đó chỉ có trong tiểu thuyết và phim ảnh. Nếu những câu chuyện trên trang sách ấy không có giá trị với cuộc đời thực thì vì sao từ lâu chúng ta tôn vinh những tiểu thuyết gia, những con người như Victor Hugo?
Tôi không chứng kiến toàn bộ sự việc, tôi không biết rõ người nhân viên ở siêu thị sách để có thể hiểu được hành động răn đe mà anh ta đã làm với một đứa học sinh lớp 7. Cũng như tôi không hiểu rõ hoàn cảnh gia đình, xuất thân, lối sống của anh nên tôi không thể nhân danh một lý luận đạo đức nào để chỉ trích anh ta. Tôi chỉ có thể đoán rằng, có lẽ anh là người không yêu sách, không thích đọc sách. Bởi nếu anh ta yêu đọc sách, anh ta khó lòng áp dụng hình thức xử phạt này với đứa bé.
Tôi tự vẽ một kịch bản trong đầu. Nếu đúng là em bé ăn trộm hai cuốn truyện Trạng Quỳnh, khi người nhân viên bắt gặp, người ta sẽ gọi em vào phòng riêng, nhỏ nhẹ hỏi vì sao em làm thế. Người ta sẽ liên lạc với gia đình, thầy cô em để nhắc nhở và khuyên nhủ em. Và sau cùng, người ta sẽ tặng luôn cho em hai cuốn truyện đó. Tôi cho rằng đó là một cách xử lý tốt trong trường hợp này.
Ngày còn là học sinh ở Long Xuyên, An Giang, tôi từng chứng kiến cảnh một chủ tiệm sách nhỏ dùng xích trói một em bé vào chõng đựng sách vì tội ăn cắp. Ánh mắt không còn một chút niềm tin của thằng bé khi phải ngồi lom khom vì bị cột chặt, cùng hình ảnh những người đứng chỉ trỏ xung quanh vẫn thỉnh thoảng quay về trong tôi.
Tôi không tin rằng một xã hội sẽ tốt đẹp nếu mỗi công dân sống trong xã hội đó xem thường pháp luật. Nhưng, đồng thời, cũng như Đức Pháp Vương Drukpa từng nói: 'Tình yêu thương bắt đầu bằng sự hiểu biết'. Tôi luôn tin rằng một xã hội tốt đẹp rất cần được xây dựng trên thấu hiểu về giá trị đạo đức, sự khoan dung, lòng nhân từ, đức tính vị tha, sự thấu cảm và tình yêu thương giữa con người với con người. Một xã hội như thế sẽ giúp mỗi con người giữ được lòng tự trọng, tự tin xây dựng cuộc sống của riêng mình tốt đẹp hơn.
Dương Vân


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét