Một gian nhà trống vắng, chỉ còn lại hai bóng người vào ra. Đàn con thơ ngày nào đã lớn, chúng đã cất cánh bay theo cuộc đời.Đợi chờ gì khi chúng là niềm hy vọng, niềm tự hào của cả một gian nhà. Ta sống là để đền đáp niềm tự hào ấy. Ta sống là để báo công sinh thành, dưỡng dục của mẹ cha. Để không còn nữa cảnh hai người đơn độc trong căn nhà nhỏ. Ta Sẽ Trở Về !
Điện Biên _ Niềm Kiêu Hãnh Thế Gian.

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2011

Tiếng Mỹ và tiếng Việt


Vui cười:



Hiệu Minh

Tôi tình cờ quen một anh bạn Mỹ, người Mỹ chính cống, mắt xanh mũi lõ, tên Johnson William, quê ở bang Ohio của xứ Cờ Hoa nhưng Johnson đã hơn 16 năm sinh sống ở Việt Nam, nghiên cứu về dân tộc học Ðông Nam Á, nói tiếng Việt thông thạo, phát âm theo giọng Hà Nội khá rõ, hắn học tiếng ở Ðại học Ngoại ngữ Hà Nội rồi làm Master of Art về văn hóa xã hội Việt Nam ở học Khoa học Tự nhiên Sài gòn, rành lịch sử Việt Nam, thuộc nhiều câu thơ lục bát trong truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du, Lục Vân Tiên của cụ Ðồ Chiểu. Johnson ăn mặc xuyền xoàng, cái đầu rối bù, chân mang một đôi giày bata cũ mèm, lưng quảy một ba lô lếch thếch, sẵn sàng ăn uống nhồm nhoàng ngoài vỉa hè. Johnson có thể quanh năm suốt tháng ăn cơm với chuối thay cho bánh mì và phomát, xịt nước tương vào chén rồi cứ thế mà khua đũa lùa cơm vào miệng. Ðối với Johnson, thịt rùa, rắn, ếch, nhái, chuột đồng, … hắn xơi ngon lành. Bún riêu là món khoái khẩu của Johnson, hắn còn biết thèm hột vịt lộn ăn với rau răm chấm muối tiêu chanh. Ai có mời đi chén thịt cầy với mắm tôm, Johnson chẳng ngần ngại mà còn biết vỗ đùi đánh cái phét khen rượu đế mà nhắm với thịt chó ngon "thần sầu quỉ khốc" !!! Chẳng biết Johnson khéo tán tỉnh thế nào (hoặc bị tán) mà vớ được một cô bé Hà thành tóc "đờ-mi gác-xông", sinh viên ngành văn chương hẳn hoi. Ngày cưới, Johnson vận áo dài khăn đóng, dâng trầu cau và quì lạy bàn thờ tổ tiên nhà gái thành thạo làm đám thanh niên, thiếu nữ, cả lũ con nít và mấy ông cụ ông, cụ bà trong làng suýt xoa, kinh ngạc, xúm đen xúm đỏ coi muốn sập nhà.

Chúng tôi gặp nhau trên chuyến xe lửa từ Nha Trang ra Huế. Tôi về thăm quê, còn Johnson thì sau mấy tháng nghiên cứu phong tục Tây nguyên xuống Nha Trang rồi tiếp đi dự Festival Huế. Ðường dài, tàu chạy dằn xóc, chung quanh ồn ào, lao nhao chẳng ai ngủ được. Johnson rủ tôi xuống toa ăn uống, kêu mỗi người một ly cà phê đen, một bình trà nóng rồi trao đổi đủ thứ chuyện trên đời. Tôi cũng khá thán phục sự hiểu biết và thành thạo văn hóa Việt Nam của Johnson khi nghe hắn thỉnh thoảng chêm vô câu chuyện mấy câu ca dao, thành ngữ tiếng Việt. Thật thú vị khi nói chuyện với một người Mỹ bằng tiếng Việt về đề tài ngôn ngữ Việt Nam (dễ chịu hơn nhiều khi khi nó chuyện với một người Mỹ bằng… tiếng Anh). Vậy mà Johnson vẫn lắc đầu than:

- Tiếng Việt của mấy ông rắc rối quá! Tôi học đã lâu mà vẫn còn lúng túng, nhiều lúc viết sai, nói sai lung tung cả lên. Này nhé, từ xưng hô, ăn uống, giao tiếp… thật lắm từ khác nhau chẳng đơn giản như tiếng Mỹ của tớ, chỉ một từ you là để nói với tất cả người đối thoại, tiếng Việt thì phân biệt ông, bà, anh, chị, em, con, cháu, ngài, mày, thầy, thằng, … rành mạch. Tiếng Mỹ thì dùng một chữ black để chỉ tất cả những vật gì, con gì có màu đen trong khi đó tiếng Việt thì khác, ngựa đen thì gọi là ngựa ô, chó đen thì kêu là chó mực, mèo đen thì gọi là mèo mun, gà đen thì là gà quạ, bò đen là bò hóng, mực đen là mực tàu, tóc đen thì hóa thành tóc nhung hoặc tóc huyền. Ðã là màu đen rồi mà người Việt còn nhấn mạnh thêm mức độ đen như đen thủi, đen thui, rồi đen tuyền, đen thắm, tím đen, đen ngắt, đen bóng, đen sì, đen đủi, đen thẳm, đen óng, đen thùi lùi, đen kịt, đen dòn… Còn để chỉ màu ít đen hơn thì người Việt dung chữ đen hai lần: đen đen.

Tôi cười :

- Thì tiếng Mỹ của ông nhiều lúc cũng rắc rối kia mà. Này nhé, người Việt nói: "Hôm qua, tôi đi tiệm" thì người Mỹ lại nói "Yesterday, I went to the shop". Tiếng Anh, đi là go, nhưng đã đi (quá khứ) thì phải viết là went. Bản thân chữ hôm qua (yesterday) đã là quá khứ rồi thì ai cũng biết mà gì cần phải đổi go thành went chi cho rối mấy người học Anh văn? Nội chuyện học thuộc lòng 154 động từ bất qui tắt của mấy ông cũng đủ làm nhiều người trên thế giới phải thi rớt lên rớt xuống. Người Việt nói hai con chó mà chẳng cần thêm s hoặc es thành hai con chó "sờ" (two dogs) như tiếng Mỹ. Một đứa con nít thì nói là one child là được rồi, vậy mà thêm một đứa nữa thì bắt đầu rối, chẳng phải là two childs mà thành two children. Một con ngỗng là one goose, hai con ngỗng thì thành two geese. Vậy mà viết một con cừu là one sheep nhưng hai con cừu thì cũng là two sheep, chẳng chịu đổi gì cả ?!.

Johnson vẫn không chịu thua:

- Văn phạm của xứ ông cũng rắc rối bỏ xừ! Xem nè, thắng và thua là hai chữ phản nghĩa chứ gì? Thua và bại là hai chữ đồng nghĩa, đúng hông? Vậy mà, hai câu nói: "Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán" đồng nghĩa với câu "Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán"? Không thể viết là "Ngô Quyền đánh thua quân Nam Hán"!!! Phải không nào? Rồi còn, "áo ấm" tương đương với "áo lạnh", "nín thinh" giống như "làm thinh" trong khi ấm và lạnh phản nghĩa nhau, nín và làm cũng là những động từ đối nhau. Rồi ba hồi mấy ông dùng tiếng Hán như Quốc gia rồi đổi thành tiếng Nôm ra Nhà nước, Trực thăng (có thể không cần chữ máy bay phía trước) thành Máy bay Lên thẳng (phải có chữ máy bay phía trước), Thủy quân lục chiến thì đổi là Lính thủy đánh bộ, sao không gọi luôn là lính nước đánh đất??? Lễ động thổ thì không thể sửa lại là Lễ động đất mặc dầu là thổ là đất?

Tôi tiếp tục "ăn miếng trả miếng":

- Tiếng Mỹ cũng đâu có tránh khỏi. See và look cũng đều là động từ để cùng chỉ hành động xem, nhìn, ngắm, dòm nhưng oversee (quan sát, trông nom) lại ngược nghĩa overlook (bỏ sót, không nhìn thấy). Wise man là người thông thái, uyên bác, vậy mà thay chữ man (đàn ông) thành woman (đàn bà) thì chữ wise woman thành bà phù thủy, bà đỡ bà lang, bà thầy bói, bà đồng bóng!!! Rồi chữ man và guy (anh chàng, gã) gần gần như nhau thì chữ wise guy thành một kẻ hợm hĩnh, khoác lác. Sao lại "park on driveways" (đậu xe trên đường nội bộ) nhưng "drive on parkways" (lái xe trên xa lộ)?

Johnson ôm bụng cười:

- Tên món ăn Việt Nam cũng lạ, miền Nam có bánh da lợn, tưởng làm bằng thịt lợn nhưng thực chất là bằng bột, có lẽ giống như các lớp da lợn, nhưng sao không gọi là bánh da heo theo từ miền Nam mà gọi theo chữ lợn miền Bắc? Bánh bò cũng chắng có miếng thịt bò nào. Bánh tiêu thì không rắc tiêu mà lại rắc mè. Gọi rau má mà chẳng liên quan đến má hay mẹ gì cả. Bánh tét mà gói thật chặt, chẳng thể nào tét được. Bánh dày thì lại mỏng hơn bánh chưng. Bánh chưng thì phải nấu thật lâu mới chín chứ không phải dùng cách chưng hơi hay chưng hấp. Nước lèo trong nồi hủ tiếu thì chẳng phải theo kiểu nước Lào (hay Lèo). Trái sầu riêng thì ăn vô chẳng thấy sầu riêng hay sầu chung chi cả. Bưởi Năm roi rất tuyệt nhưng sao đúng là năm roi? Trái vú sữa, Cây dái ngựa thì thật là tượng hình. Hi hi… Ngôn từ bây giờ cũng thế, cò đất, cò nhà… thì chẳng dính dáng gì đến "con cò, cò bay lả, lả bay la…" cả.

Tôi cũng chẳng vừa:

- Thế cái món hot dog của mấy ông có liên quan gì đến con chó không? Món bánh mì kẹp thịt bò băm Hamburger của Mc Donald thì đâu có thịt heo (ham). Trái thơm, trái khóm "pineapple" thì chẳng có gì liên quan đến pine (cây thông) và apple (trái táo) cả? Vào phòng thí nghiệm sinh học, ông Giáo sư bảo bắt một con "Guinea pig", nghe qua tưởng đâu là con heo xứ Guinea (ở Tây Phi Châu, giáp với Senegal, Mali, Liberia, Sierra Leone và biển Bắc Ðại Tây dương) nhưng ngờ đâu là một giống chuột tên là Guinea (ở Guinea không có giống chuột này!). Ðáng lý chữ football (bóng đá) thì phải viết là legball chứ, bởi vì người ta đá banh bằng cả cái chân (leg) chứ đâu chỉ cái ống chân foot từ dưới đầu gối đến trên bàn chân? Mới đây, khi dân Pháp không chịu ủng hộ Mỹ trong vụ chiến tranh Iraq thế là mấy dân biểu Mỹ giận đòi đổi tên món khoai tây chiên French fries bằng chữ American fries thì mấy ông Tây lại ôm bụng cười chế riễu rằng món French fries không phải xuất xứ từ Pháp mà từ … Mỹ và là món ăn của dân Mỹ. Có lẽ mấy ông Mỹ tiền bối xưa, khi làm món này đặt tên là khoai tây Pháp cho nó có vẻ … ngoại cho sang, giống như bây giờ một số quán ăn Việt Nam có thực đơn Lẫu Thái, Bún Singapore, Bánh bao Mã lai, Cá chiên viên Singapore, Hủ tiếu Nam Vang, … mặc dầu nguyên liệu và cách nấu gần như 100% của Việt Nam???

Johnson gật gù:

- Ừ, cũng đúng. Nhưng lúc đầu học tiếng Việt, tôi thấy khó quá, đã lấy 24 chữ cái A, B, C của vần La tinh rồi mà bày ra thêm a, â, ă, u, ư, ơ, d, đ, … nữa. Lại thêm kèm 5 dấu sắc ('), huyền (`), hỏi (?), ngã (~), nặng (.) và không dấu ( ) nữa. Như le, lé, lè, lẹ, lẻ, lẽ, mỗi chữ mang một nghĩa khác nhau. Rồi phải học cách bỏ dấu ở đâu trong từ cho chính xác nữa chứ. Hòa hay là hoà. Li hay là ly? Có câu thơ về dấu này cũng hay:

Chị Huyền mang nặng ngã đau,

Sao không sắc thuốc, hỏi sao cho lành ?!

Trong ngôn ngữ Việt Nam, tôi thấy nhiều chữ ghép với chữ ăn mặc dầu nó chẳng ăn nhập đến chuyện bỏ thực phẩm vào miệng, nhai và nuốt xuống gì cả. Nói ăn nhậu, ăn tiệc, ăn mùng, ăn cưới, ăn giỗ, … thì có lý nhưng sao lại ăn nằm, ăn hút, ăn tiền, ăn lương, ăn cắp, ăn mày, ăn chặn, ăn quỵt, ăn diện, ăn đòn, ăn công, ăn năn, ăn hiếp, ăn khách, ăn ảnh, …

Tôi bật cười chận ngang khi Johnson tiếp tục ghép chữ với từ ăn:

- Thì như tiếng Mỹ của ông vậy thôi. Chữ to get khó dịch gì ra hồn cả. Tôi cũng có nghĩ là khi mình chưa tìm ra động từ nào thích hợp thì dùng tạm luôn chữ to get! Khi quân đội Mỹ bắt sống được Saddam Hussen ở Iraq thì tuyên bố "We got him!", sao không dùng động từ to catch, to caught, to force, to find, to capture, to pick up, …cho rõ nghĩa? Rồi động từ to get đi kèm các giới từ in, into, on, out, up, at-able… thành một loạt động từ mới. Các động từ to take, to put, to be… cũng vậy.

Johnson chuyển qua phần khác:

- Chuyện mạo từ tiếng Việt cũng làm rắc rối người nước ngoài. Người Việt nói cái bàn, cái nhà, cái gường, cái nón… nhưng không thể nói cái chó, cái mèo mà phải là con chó, con mèo, con người…. Ðồ vật là cái, động vật là con. Bây giờ nhiều cô cậu thanh niên Hà Nội thay vì nói cái xe Honda Dream thì lại dùng từ con Ðờ-rim, rồi tiếp là con Su (Suzuki), con a còng (@), con Tô (Toyota), con Mẹc (Mercedes)…

Vợ chồng tôi có chuyện vui thế này: Tôi quen vợ tôi, một phần vì yêu các cô gái Việt Nam, một phần cũng để trau dồi thêm tiếng Việt. Hôm hôm chúng tôi ra Hồ Gươm dạo chơi, tôi khen: "Con hồ này đẹp quá!". Vợ tôi "chỉnh" liền: "Không, anh phải nói là cái hồ này đẹp quá!". Vậy mà đi ngang sông Tô Lịch thấy nước đen ngòm, tôi nói: "Cái sông này bẩn quá!" thì vợ tôi "sửa" ngay: "Ậy, anh phải nói là con sông này bẩn quá chứ không nói là cái sông!". Tôi la lên: "Ồ, sao lại thế, khi là cái, khi là con, làm sao phân biệt?". Vợ tôi ôn tồn giải thích: "Cái gì động dậy, nhúc nhích thì gọi là con, như con sông có nước chảy, còn cái gì nằm im như cái hồ nuớc tĩnh mịch thì phải là cái hồ. Con chó, con mèo nó chạy được nên phải là con. Cái nhà, cái bàn, cái cột đèn đâu có di chuyển được nên phải là cái. Rõ chửa?". Lúc đó, tôi phá lên cười vì phát hiện một điều vô cùng thú vị: "À, anh hiểu rồi! Tiếng Việt thật hay. Hèn gì cái… cái của anh nó nhúc nhích lên xuống nên phải gọi là con …, còn của… em, nó nằm im một chỗ nên phải gọi là cái, cái… Ha ha…". Hôm ấy, tôi bị mấy cái nhéo đau điếng, nhưng bù lại, có được một đêm hạnh phúc.

Tôi thấy tức cười vô cùng với anh bạn Mỹ này:

- Tôi cũng có chuyện hiểu lầm trong phát âm tiếng Mỹ như thế này.

Trong một bữa tiệc với các sinh viên quốc tế, tôi nhận phần phục vụ nước uống. Gặp bà giáo người Mỹ đã đứng tuổi, tôi đến chào lịch sự và nói theo kiểu cách theo kiểu của người Việt: "Good evening, Madam. May I have a honour to serve you? Do you like my Coke?" (Chào bà, Tôi có thể hân hạnh phục vụ quí bà. Bà có muốn món Coke (Coca Cola)?). Bà này trợn mắt nhìn tôi, ra vẻ ngạc nhiên, rồi lắc đầu bỏ đi. Tôi băn khoăn chẳng hiểu chuyện gì? Hôm sau, tôi đánh bạo đến hỏi bà: "I am sorry, yesterday I have found your strange look when hearing my invitation. Was there a wrong?" (Xin lỗi, hôm qua tôi thấy bà nhìn tôi kỳ lạ khi nghe lời mời của tôi. Có điều gì không ổn vậy?). Bà giáo mỉm cười độ lượng: "Yes, I had misunderstood yours. Today, I just find out that your pronunciation is not correct. You said "Coke" not sound like "Coke" but "c@ck". c@ck is a male chicken but it also has a dirty meaning else. You should be careful when saying this word to a lady". (Vâng, tôi đã hiểu lầm anh. Hôm nay, tôi mới hiểu ra là anh phát âm không đúng. Anh nói chữ "Coke" mà không giống "Coke" mà thành "c@ck". c@ck là con gà trống nhưng nó cũng có một nghĩa khác xấu. Anh phải cẩn thận khi nói từ này với một phụ nữ).

Johnson "gỡ gạt":

- Hi hi… Anh bạn người Việt dẫn tôi đến thăm nhà, đến trước ngôi nhà của mình anh nói: "Ðây là nhà tôi, mời ông vào chơi", gặp vợ anh ta ra đón trước cửa, anh ta lại giới thiệu: "Ðây là nhà tôi, mời ông vào chơi". Tôi hơi ngạc nhiên nhưng cũng không hỏi và bước vào nhà, nhà anh ta thật đẹp (vợ anh ta cũng vậy!). Tôi ra lịch sự nên khen chủ nhà và nói: "Nhà anh và nhà anh thật đẹp". Hai vợ chồng nhìn nhau cười. Vì đi lâu ngoài đường, lại không có WC công cộng, nên tôi hỏi anh chủ nhà "Xin ông cho tôi vào cái chỗ đi toilet của nhà ông được không?" Hi hi… lúc đó tôi không nghĩ đến cái sự buồn cười của câu này, hôm sau nghĩ lại tôi mới thấy.

Tôi cười to kể tiếp:

- Lần đầu tiên sang Châu Âu cách đây 10 năm, tôi quen một cô sinh viên Hà Lan. Chúng tôi nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh. Cô rủ tôi ra bãi biển nằm phơi nắng và nói chuyện. Hôm đó, tôi chẳng đem theo cái gì để trải xuống bãi cát để nằm cả. Nói với cô này, thì cô mỉm cười: "Oh, never mind. You can lie down at my top" (Ồ, không sao. Anh có thể nằm trên cái top của tôi). Tiếng Anh của tôi cũng chẳng giỏi gì nên chẳng hiểu là nằm trên top là nằm ở đâu? Tôi chỉ biết top có nghĩa là đỉnh, là ở trên. Vậy nằm ở trên là nằm đâu? Nằm trên đầu thì chắc là không đúng rồi, ai lại nằm trên đầu mà nói chuyện với phụ nữ. Chẳng lẽ nằm trên… mình cô này? Hồi lúc trước đi Tây, tôi nghe nhiều thằng bạn kháo nhau rằng, phụ nữ Tây nó… Tây lắm, thích thì sẵn sàng… chiều! "Tình cho không biếu không" mà. Vậy là… lẽ nào ??? Tới nơi, tôi mới bật cười và thấy mắc cỡ trong lòng khi thấy cô này cởi áo khoác ra, trải dưới bãi cát và chỉ tôi nằm trên đó. Tối đó, về đến nhà, tôi lặng lẽ lật từ điển Anh – Việt ra xem, mới biết thêm là top còn có nghĩa là cái áo khoác ngoài của phụ nữ. Trời ơi!

Johnson vỗ vai tôi:

- Chút xíu nữa bạn là… hố to rồi. Ha ha… Năm ngoái, tôi có đến thăm miệt vườn Nam bộ, tôi có nghe một câu thế này mà lúc đó chẳng thế nào hiểu được: "Hôm qua, qua nói qua qua mà qua hổng qua.
Hôm nay, qua hổng nói qua mà qua lại qua"……………..

Câu chuyện của chúng tôi còn dài. Chia tay với Johnson ở ga Huế. Lững thửng dọc theo con đường về chợ Ðông Ba, trong đầu còn vương vấn câu chuyện rắc rối tiếng Việt với Johnson, ông già chạy xích lô lẽo đẽo theo sau:

- "Ôn đi về mô khôn hè?"

Tôi gật đầu, bước lên chiếc xe cũ rích, buộc miệng:

- Có tiệm sách nào gần đây nhất, Bác? Tôi muốn mua một quyển Tự điển Tiếng Việt.

Tôi bất chợt nhớ ra rằng, trong tủ sách gia đình của tôi, có đủ loại tự điển các nước, nhưng chưa hề có một quyển Tự điển Tiếng Việt nào.

Hiệu Minh

--
http://kienhoxuan.blogspot.com/

Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2011

Thú vui đọc sách*



Italo Calvino 

Bạn là loại người về nguyên tắc vốn không còn chờ đợi bất cứ điều gì từ bất cứ cái gì... Bạn biết rằng điều tốt nhất bạn có thể mong đợi là tránh được điều xấu nhất...
Bạn sắp bắt đầu đọc cuốn tiểu thuyết mới Nếu một đêm đông có người lữ khách của Italo Calvino. Hãy thư giãn. Tập trung. Xua mọi ý nghĩ khác đi. Hãy để thế giới quanh bạn nhạt nhòa đi. Tốt nhất là đóng cửa lại, ở phòng bên ti vi bao giờ mà chẳng bật. Nói thẳng với những người khác, “Không, tôi không muốn xem ti vi!” Cao giọng lên, không thì họ chả nghe tiếng bạn đâu - “Tôi đang đọc sách! Tôi không muốn bị quấy rầy!” Có lẽ họ chưa nghe thấy bạn, là vì tiếng léo nhéo kia; nói to hơn đi, hét lên, “Tôi đang bắt đầu đọc tiểu thuyết mới nhất của Italo Calvino!” Hoặc, nếu bạn muốn, đừng nói gì cả; chỉ mong sao họ để bạn yên.

Hãy tìm tư thế thoải mái nhất: ngồi, duỗi người ra, cuộn tròn lại, hay nằm thẳng. Nằm ngửa, nằm nghiêng, nằm sấp. Trên ghế bành, trên đi văng, trên ghế bập bênh, trên ghế xếp, trên đệm. Trên võng, nếu bạn có võng. Trên giường, dĩ nhiên, hoặc trong chăn. Thậm chí bạn có thể trồng cây chuối, đầu lộn ngược, tư thế yoga. Sách thì phải để ngược, cố nhiên rồi.

Dĩ nhiên, tư thế lý tưởng để đọc sách là thứ bạn không bao giờ tìm được. Ngày xưa người ta thường đứng mà đọc, nơi giá đọc. Họ quen đứng một chỗ, không nhúc nhích. Họ nghỉ ngơi như thế những khi mệt vì cưỡi ngựa lâu. Chẳng ai từng nghĩ tới chuyện đọc trong khi cưỡi ngựa; thế nhưng bây giờ bạn lại thấy cái ý tưởng ngồi đọc trên yên ngựa, sách tựa vào bờm ngựa, hoặc có thể chằng vào tai ngựa bằng một lối đặc biệt, ý tưởng đó có mòi hấp dẫn. Hai chân xỏ vào bàn đạp, hẳn bạn sẽ thấy đọc sách thật thoải mái; để chân cao lên là điều kiện đầu tiên để thưởng thức việc đọc.

Nào, bạn chờ gì nữa? Duỗi hai chân ra, cứ thế kê chân lên một cái gối, lên hai cái gối, lên chỗ tựa tay của đi văng, lên hai tay ghế bành, lên bàn cà phê, lên bàn làm việc, lên đàn piano, lên bản đồ trái đất. Trước hết là tháo giày ra. Nếu muốn, giơ hai chân lên; nếu không, kéo hai chân về. Miễn là không đứng đó một tay cầm đôi giày một tay cầm sách.

Điều chỉnh ánh sáng sao cho không phải căng mắt ra. Làm ngay đi, bởi một khi bạn đã đắm mình đọc say sưa thì sẽ chẳng có gì bắt bạn nhúc nhích được nữa. Hãy sắp xếp sao cho trang giấy không nằm trong bóng tối, một nùi con chữ màu đen trên một cái nền màu xám, chữ nào cũng hệt chữ nào như một đội quân chuột: nhưng phải cẩn thận đừng để ánh sáng hắt lên trang sách quá mạnh, sáng lóa lên trên màu trắng tàn nhẫn của trang giấy, ngấu nghiến gặm vào bóng các con chữ như vào lúc giữa trưa ở phương Nam. Cố mà tiên liệu ngay từ bây giờ tất cả những gì có thể khiến bạn phải dừng ngang việc đọc. Thuốc hút trong tầm tay, nếu bạn có hút thuốc, cả gạt tàn nữa. Còn gì không? Bạn có phải đi đái không? Thôi được, bạn biết rồi đấy.

Chẳng phải là bạn mong chờ một cái gì cụ thể từ cuốn sách cụ thể này. Bạn là loại người về nguyên tắc vốn không còn chờ đợi bất cứ điều gì từ bất cứ cái gì. Có lắm người, trẻ hơn bạn hoặc không trẻ bằng, sống trong niềm mong đợi những trải nghiệm khác thường: từ những cuốn sách, từ người khác, từ những chuyến đi, từ những sự kiện, từ những gì ngày mai dành sẵn cho họ. Nhưng bạn thì không. Bạn biết rằng điều tốt nhất bạn có thể mong đợi là tránh được điều xấu nhất. Đây là kết luận bạn đã rút ra được trong đời tư và cả trong những vấn đề chung, kể cả trong những vụ việc trên trường quốc tế. Còn sách thì sao? À, thì chính bởi đã phủ nhận điều đó trong mọi lĩnh vực khác, nên bạn tin mình vẫn còn có thể ban cho chính mình một cách hợp lệ cái niềm vui thú của tuổi trẻ là mong đợi từ một khu vực được cẩn thận khoanh vùng như là lĩnh vực sách, nơi bạn có thể may mắn hoặc không may mắn, nhưng khả năng phải thất vọng là không quá lớn.

Vậy nên, bạn lưu ý thấy trong một tờ báo rằng Nếu một đêm đông có người lữ khách vừa xuất hiện, cuốn sách mới của Italo Calvino, ông ấy không in cuốn nào đã mấy năm nay. Bạn đến hiệu sách mua cuốn ấy. Tốt cho bạn thôi.
Italo Calvino (1923-1985) là một trong những nhà văn lớn nhất thế kỷ XX của Ý. Phần lớn tác phẩm của ông là kiệt tác: nhóm tiểu thuyết Tổ tiên của chúng ta với Tử tước bị chẻ đôi người (1952), Nam tước trên cây (1957), và Hiệp sĩ không hiện hữu (1959); Cosmicomics (1965); Những thành phố vô hình (1972), và đặc biệt là Nếu một đêm đông có người lữ khách (1979). Ông cũng là tác giả Ý được dịch nhiều nhất ở Anh và Mỹ.
Nơi cửa kính hiệu sách, bạn nhận ra ngay lập tức cái bìa sách với nhan đề mà bạn đang tìm. Lần theo dấu vết thị giác này, bạn len mình vào trong cửa hiệu, ngang qua cái rào chắn dày đặc gồm những cuốn Sách Bạn Chưa Bao Giờ Đọc, chúng đang cau mày nhìn bạn từ trên những bàn những kệ, cố hù dọa bạn. Nhưng bạn biết mình không được cho phép mình kinh hoảng, rằng giữa đám sách đó, kéo dài từ héc ta này đến héc ta khác là những Sách Bạn Không Cần Đọc, những Sách Làm Ra Cho Những Mục Đích Khác Ngoài Đọc, những Sách Bạn Chưa Mở Ra Thì Cũng Đã Đọc Rồi Bởi Vì Chúng Thuộc Loại Sách Chưa Viết Ra Thì Người Ta Đã Đọc Rồi. Thế là bạn vượt qua được vành đai thành lũy phía ngoài, nhưng rồi bạn bị tấn công bởi lực lượng bộ binh gồm những Sách Mà Nếu Bạn Có Nhiều Hơn Một Cuộc Đời Thì Nhất Định Bạn Cũng Sẽ Đọc Nhưng Chẳng May Đời Bạn Chả Được Bao Nhiêu Cả. Bằng một chiêu nhanh thoắt bạn đánh vòng qua chúng và dấn vào giữa đội hình theo kiểu phalanx Hy Lạp gồm những Sách Bạn Cũng Có Ý Đọc Nhưng Có Những Sách Khác Bạn Phải Đọc Trước Đã, những Sách Hiện Giờ Quá Đắt Nên Bạn Sẽ Chờ Đến Khi Nào Chúng Được Bán Hạ Giá, những Sách giống như trên Chừng Nào Chúng Được In Dưới Dạng Bìa Mềm, những Sách Bạn Có Thể Mượn Của Ai Đó, Sách Mà Ai Cũng Đọc Nên Cứ Như Là Bạn Cũng Đọc Rồi Vậy. Thoát được những cuộc đánh xáp lá cà đó, bạn tiến đến dưới những ngọn tháp của pháo đài, nơi các đội quân khác đang dàn trận:

những Sách Bạn Lên Kế Hoạch Đọc Đã Nhiều Năm Nay,

những Sách Bạn Đã Săn Lùng Suốt Bao Năm Mà Không Thấy,

những Sách Đề Cập Đến Điều Gì Đó Mà Bạn Hiện Đang Suy Nghĩ,

những Sách Bạn Muốn Là Của Mình Để Nếu Cần Là Có Trong Tay,

những Sách Bạn Có Thể Để Riêng Ra Hè Này Có Khi Sẽ Đọc,

những Sách Bạn Cần Xếp Cạnh Những Sách Khác Trên Giá Sách Của Mình,

những Sách Khiến Lòng Bạn Đột Ngột Tràn Đầy Nỗi Tò Mò Không Thể Lý Giải, Không Dễ Biện Minh.

Giờ bạn đã có thể giảm bớt số quân vô tận của các lực lượng đối phương xuống còn một đội hình lớn thì lớn thật nhưng vẫn còn có thể tính đếm thành một số hữu hạn; nhưng rồi niềm nhẹ nhõm tương đối này lại bị phá hỏng vì cuộc tập kích của những Sách Bạn Đã Đọc Từ Lâu Mà Nay Đã Đến Lúc Đọc Lại và những Sách Bạn Luôn Vờ Là Đã Đọc Và Nay Đã Đến Lúc Ngồi Xuống Thực Sự Đọc.

Bằng một cú lao mình lắt léo bạn rũ bỏ chúng đi đặng nhảy thẳng vào trong pháo đài những Sách Mới Mà Tác Giả Hay Chủ Đề Là Hấp Dẫn Với Bạn. Ngay cả trong thành trì này bạn vẫn có thể gây ra tan vỡ trong hàng ngũ những kẻ cố thủ, chia cắt chúng thành những Sách Mới Của Những Tác Giả Hay Về Những Chủ Đề Không Mới (với bạn hoặc nói chung) và những Sách Mới Của Những Tác Giả Hay Về Những Chủ Đề Hoàn Toàn Chưa Biết Tới (ít nhất là với bạn), và xác định sức hấp dẫn của chúng đối với bạn trên cơ sở khát vọng và nhu cầu của bạn về cái mới hay cái không mới (về cái mới mà bạn tìm trong cái không mới và cái không mới mà bạn tìm trong cái mới).

Toàn bộ chuyện này chẳng qua chỉ có nghĩa là, sau khi đã liếc nhanh qua tên những cuốn được bày trong hiệu sách, bạn xoay về phía một chồng Nếu một đêm đông có người lữ khách mới in xong, bạn liền chộp một bản, và bạn mang nó đến quầy thu ngân đặng người ta xác lập quyền sở hữu của bạn đối với nó.

Bạn ném thêm một cái nhìn ngẩn ngơ vào những cuốn sách xung quanh bạn (hay đúng hơn, chính những cuốn sách kia đang nhìn bạn, với cái nhìn ngẩn ngơ của những con chó trong mấy cái chuồng ở trại nhốt chó của thành phố, khi thấy một con vốn là bạn cùng cảnh ngộ nay được chủ đến tháo cũi sổ lồng, cầm dây dắt ra khỏi đó), thế rồi bạn đi ra.

Bạn thấy mình có một niềm vui thú đặc biệt từ cuốn sách vừa xuất bản này, và bạn đang mang đi không chỉ một quyển sách mà còn cả sự mới nguyên của nó, sự mới nguyên mà cũng có thể chẳng qua chỉ là sự mới nguyên của một món đồ vừa xuất xưởng, sự tươi tắn thanh tân của những cuốn sách mới, vốn kéo dài cho đến khi cái bìa ngoài bắt đầu ngả vàng, đến khi một lớp màng mờ bám lấy mép trên, đến khi góc bìa quăn hết cả, trong mùa thu nôn nả của các thư viện. Không, bạn những mong luôn luôn gặp sự tươi mới đích thực, sự tươi mới hễ đã mới một lần rồi là sẽ tiếp tục mới mãi. Sau khi đọc cuốn sách vừa xuất bản, bạn sẽ nắm quyền sở hữu sự tươi mới này ngay khoảnh khắc đầu tiên, mà không phải theo đuổi nó, săn lùng nó. Điều đó có xảy ra lần này không? Bạn chả bao giờ biết được. Ta hãy xem nó mở đầu ra sao nhé.

Có thể là ngay lúc còn trong hiệu sách bạn đã bắt đầu lật lật quyển sách từ đầu tới cuối rồi. Hay bạn không làm thế được, bởi nó được gói kín mít bằng giấy bóng? Giờ bạn ở trên xe buýt, đứng giữa đám đông, một tay níu quai giữ thăng bằng, tay kia bạn bắt đầu mở gói, làm những động tác hao hao như khỉ, một con khỉ muốn bóc quả chuối trong khi vẫn bám cành cây. Cẩn thận, bạn đang thúc cùi chỏ vào mấy người bên cạnh đấy; ít nhất cũng xin lỗi người ta đi.

Hoặc có thể người bán sách không gói sách lại; anh ta đưa cuốn sách cho bạn đựng trong một cái túi nhỏ. Thế thì đơn giản hơn. Bạn đang ngồi sau vô lăng ô tô, chờ đèn hiệu giao thông, bạn rút cuốn sách ra khỏi túi, xé rách lớp giấy bóng kính, bắt đầu đọc mấy dòng đầu. Một trận còi dữ dội trút xuống bạn; đèn xanh rồi, bạn đang làm tắc nghẽn giao thông.

Bạn ngồi nơi bàn làm việc, bạn đặt quyển sách giữa đống giấy tờ công việc như thể chỉ là tình cờ; đến một lúc bạn dẹp tập hồ sơ sang bên và thấy cuốn sách nằm ngay trước mắt, bạn lơ đãng mở nó ra, bạn chống hai cùi chỏ lên bàn, bạn tì hai bàn tay nắm chặt lên hai thái dương, nom bạn như đang tập trung xem xét giấy tờ nhưng kỳ thực bạn đang khám phá những trang đầu của cuốn tiểu thuyết. Dần dần bạn ngả người vào ghế, bạn nâng cuốn sách lên ngang tầm mũi, bạn ngả ghế ra, cho nó dồn trụ lên hai chân sau, bạn kéo một ngăn kéo bên của bàn làm việc ra để kê chân lên đó; vị trí hai bàn chân trong quá trình đọc có tầm quan trọng rất lớn, bạn duỗi dài hai chân lên mặt bàn, lên mớ hồ sơ cần xử lý.

Nhưng chẳng phải làm thế xem ra có phần thiếu trọng thị sao? Không phải trọng thị với công việc của bạn (chẳng ai đòi quyền phê phán năng lực chuyên môn của bạn: chúng ta giả định rằng bổn phận của bạn là một nhân tố bình thường trong cái hệ thống những hoạt động phi sản xuất vốn chiếm một phần không nhỏ nền kinh tế quốc gia và quốc tế), mà với cuốn sách. Còn tệ hại hơn nếu như bạn - sẵn lòng hoặc miễn cưỡng - thuộc về số người xem làm việc có nghĩa là thực sự làm, là thực hiện, một cách hữu ý hoặc không suy ngẫm trước, một cái gì đó cần thiết hoặc ít nhất là không vô dụng với người khác cũng như với bản thân mình; thì cuốn sách bạn đã mang theo đến nơi làm việc như một thứ bùa hộ mệnh khiến bạn chốc chốc lại bị cám dỗ; cứ mỗi lần lại có vài giây bị trừ ra khỏi đối tượng chú ý chính của bạn, dù đó là việc đột lỗ lên những cái phiếu, hay mấy cái đầu đun của một bếp lò, bảng điều khiển một chiếc xe ủi, một bệnh nhân nằm dài trên giường mổ, ruột phơi ra.

Nói tóm lại, tốt hơn bạn hãy kìm nén cơn nôn nóng, ráng đợi về đến nhà hẵng mở sách ra. Là khi này đây. Phải, bạn đang ngồi trong phòng mình, bình tâm; bạn mở sách ra ở trang đầu, không, trang cuối, trước hết bạn muốn biết nó dài đến đâu. Không dài lắm, cũng may. Ngày nay viết tiểu thuyết dài thực là một chuyện trái khoáy: chiều thời gian bị đập vỡ tan, chúng ta chỉ có thể sống hay nghĩ trong những mẩu thời gian vụn mà mỗi mẩu tách ra xa theo quỹ đạo riêng của mình và lập tức biến mất. Chúng ta chỉ có thể phát hiện lại sự liên tục của thời gian trong những cuốn tiểu thuyết của cái thời kỳ khi thời gian chưa có vẻ đã dừng lại và chưa có vẻ đã nổ tung, một thời kỳ kéo dài không quá một trăm năm.

Bạn xoay xoay cuốn sách trên tay; bạn nhìn lướt mấy câu nơi bìa sau, những lời chung chung chả nói được gì nhiều. Thế càng hay, không có một thông điệp nào tuy úp mở nhưng lại nói hay hơn cái thông điệp mà bản thân cuốn sách phải truyền đạt trực tiếp, mà bạn phải rút ra được từ cuốn sách, dù nó nhiều hay ít thế nào đi nữa. Dĩ nhiên, việc xoay tới xoay lui cuốn sách như thế này, cả nó nữa, việc đọc trước đọc sau nó trước khi đọc vào bên trong nó, là một phần của niềm vui thú nơi một cuốn sách mới, song cũng như mọi niềm vui thú mào đầu, nó có độ dài tối ưu của nó nếu bạn muốn nó đóng vai trò như cú hích về phía niềm vui thú mang thực chất hơn, đấy là thực hiện chính hành vi đó, cụ thể là hành vi đọc sách.

Thế là bây giờ bạn đã sẵn sàng tấn công những dòng đầu của trang đầu. Bạn sẵn sàng nhận ra cái giọng không thể lẫn vào đâu được của tác giả. Không. Bạn hoàn toàn không nhận ra nó. Nhưng giờ đây nghĩ lại, đã có ai bảo tác giả này có một giọng không lẫn vào đâu được nào? Ngược lại, ông ta có tiếng là một tác giả mà cuốn sau khác cuốn trước một trời một vực. Và trong chính những thay đổi đó bạn nhận ra ông ta là chính ông ta. Tuy nhiên ở đây ông ta dường như tuyệt chẳng có liên hệ gì với tất cả những thứ khác ông ta từng viết, ít nhất là theo chỗ bạn nhớ. Bạn có thất vọng không? Xem nhé. Có lẽ ban đầu bạn hơi bối rối, như khi có một người xuất hiện, nghe cái tên thì bạn cho rằng người này với một khuôn mặt nào đó hẳn chỉ là một, và bạn cố làm cho những nét mặt mình đang thấy kia tương hợp với những nét mặt bạn nhớ trong tâm trí, nhưng không được. Song bạn cứ đọc tiếp và nhận ra rằng cuốn sách dẫu sao vẫn đọc được, không phụ thuộc vào những gì bạn từng mong đợi từ tác giả này, chính bản thân cuốn sách khơi gợi lòng hiếu kỳ của bạn; trên thực tế, khi tỉnh táo hồi tưởng lại bạn thấy thế là hay hơn, khi ta đối mặt với một cái gì đó hãy còn chưa rõ lắm là điều gì.

Trần Tiễn Cao Đăng dịch

* Phần mở đầu – Trích tiểu thuyết Nếu một đêm đông có người lữ khách của Italo Calvino (Trần Tiễn Cao Đăng dịch, NXB Văn học ấn hành tháng 5/2011) - tiêu đề do Tia Sáng đặt.


Nguồn: Tạp chí Tia sáng điện tử
Trích dẫn từ:
http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=115&News=4156&CategoryID=41

Thứ Năm, 23 tháng 6, 2011

Nỗi buồn

Ảnh: Internet

Những nỗi buồn buốt lạnh
Gặm thấu tâm can
Kéo dài thêm nỗi nhớ
Day dứt những đêm trường.

Đường về phố vắng lặng
Liễu lạnh lùng buông tơ
Gió vô tình gợi mở
Một chiều nắng đầy vơi.

Ta đi trên con phố
Ngày xưa rực sắc xanh
Của cỏ cây hoa lá
Diệu vợi một tình yêu.

Ta đi trên con phố
Hôm nay là màu đỏ
Của mùa hè phượng nở
Hay của những lá cờ.

Những nỗi buồn buốt lạnh
Chạy thấu vào vào tim gan. 

23-6-2011

KHX.

Thứ Tư, 22 tháng 6, 2011

Tại sao chúng ta hôn nhau?



Hầu hết mọi người từng ít nhất một lần hôn để thể hiện tình cảm. Và cử chỉ này đặc biệt phổ biến ở các cặp tình nhân. Tuy nhiên, có nhiều điều thú vị mà không phải ai cũng biết về thói quen được cho là lãng mạn này.

Đôi môi của con người khác với đôi môi của tất cả các loài động vật khác vì chúng lộn từ trong ra ngoài. Tuy nhiên, con người không phải là loài duy nhất có những cử chỉ giống như hôn. Các loài khỉ lớn thường ấn môi chúng lại với nhau để thể hiện sự phấn khích, tình cảm hoặc sự hoà giải.

Các nhà khoa học không biết chắc chắn lý do tại sao con người lại hôn nhau, nhưng một số cho rằng câu trả lời nằm ở kinh nghiệm cho ăn giai đoạn đầu. Thông qua việc bú sữa mẹ và tiếp nhận thức ăn được bố mẹ nhai trước ở một số nền văn hóa, trẻ sơ sinh có thể học cách liên hệ việc va chạm đôi môi với một hành động yêu thương.

Một cách giải thích khác cũng được đưa ra là: Ngửi má của một người thân yêu từ lâu đã trở thành một phương tiện giao tiếp xã hội trong các nền văn hóa trên thế giới, từ New Zealand tới Alaska. Theo thời gian, việc chạm nhẹ môi có thể đã trở thành một thông lệ bổ sung cho truyền thống này.

Thực tế cho thấy việc hôn không phải là phổ quát. Sự thực này khiến một số chuyên gia như nhà nhân chủng học Vaughn Bryant thuộc Đại học Texas A&M (Mỹ) coi đây thực sự có thể là một hành vi học hỏi.

Bằng chứng được ghi chép sớm nhất cho việc hôn xuất phát từ các cuốn kinh Vệ Đà bằng tiếng Phạn ở miền bắc Ấn Độ, vốn được viết cách đây khoảng từ 1.000 đến 2.000 năm. Một phần của cuốn kinh Satapatha Brahmana đã đề cập đến việc các cặp tình nhân môi kề môi.

Theo các sử gia cho thấy, quân đội La Mã đã đưa việc hôn tới nhiều nền văn hóa không có thông lệ này (có lẽ sau khi các cuộc chính phục của họ kết thúc). Sau đó, chính các nhà thám hiểm châu Âu đảm nhiệm sự mệnh truyền bá đặc biệt ấy.

Để thực hiện một nụ hôn, bạn phải huy động tới 29 cơ mặt. Nói cách khác, nụ hôn có thể được sử dụng như một bài tập hiệu quả để ngăn chặn sự phát triển của các nếp nhăn.

Khi hôn nhau, các cặp tình nhân trao đổi nước bọt có chứa nhiều chất khác nhau ví dụ như chất béo, muối khoáng và các protein. Theo những nghiên cứu mới nhất, việc trao đổi các chất trên có thể thúc đẩy quá trình sản xuất các kháng thể chống lại những bệnh tật khác nhau.

Thống kê cho thấy, 66% người nhắm mắt khi hôn. Số còn lại thích thú với việc quan sát cảm xúc thể hiện trên khuôn mặt đối tác của họ.

Theo thống kê của Mỹ, một người phụ nữ nước này hôn trung bình 80 người đàn ông trước khi cô ấy kết hôn.

Một nụ hôn lãng mạn nhưng diễn ra nhanh chóng sẽ đốt cháy khoảng 2-3 calo. Trong khi đó, một nụ hôn kiểu Pháp (nụ hôn với miệng mở rộng và có sự tiếp xúc về lưỡi) sẽ khiến những người thực hiện mất hơn 5 calo.

Một nụ hôn kéo dài 1 phút có thể giúp cơ thể bạn giải phóng 26 calo.
Độ nhạy cảm của đôi môi cao hơn gấp 200 lần cao hơn so với ngón tay.

Có ý kiến cho rằng, những người đàn ông hôn tạm biệt vợ trước khi đi làm sẽ sống thị hơn 5 năm so với những người bỏ qua cử chỉ này và vội vã đóng sập cửa sau lưng. Những người đàn ông không có thói quen hôn tạm biệt vợ cũng được cho là dễ bị tai nạn giao thông hơn.

Ôm hôn nhau đắm đuối trong 90 giây sẽ làm tăng huyết áp và khiến nhịp tim nhanh hơn. Hành động này cũng sẽ làm tăng lượng hoóc môn trong máu, do đó làm giảm tuổi thọ của chúng ta mất 1 phút.

Khi hôn, cơ thể của các đối tác sẽ sản sinh ra một chất có tác dụng gây đê mê như ma túy cao gấp 200 lần morphin. Đó là lý do tại sao những người hôn nhau có thể trải nghiệm các cảm giác hưng phấn và hạnh phúc dâng trào trong lúc thân mật.

Hôn có thể giúp phụ nữ thư giãn và giảm bớt tác động của căng thẳng. Trong khi đó, ở đàn ông, một nụ hôn say đắm cũng có thể tăng hoóc môn oxytocin, có tác dụng thúc đẩy sự liên kết và gắn bó, theo nghiên cứu của chuyên gia thần kinh học hành vi Wendy Hill thuộc Đại học Lafayette ở Pennsylhovania, Mỹ.

Và một nụ hôn say đắm cũng có tác dụng tương tự như cây cà dược (belladonna) trong việc khiến các con ngươi của chúng ta giãn nở.

Tính trung bình, một người dành 20.160 phút (tương đương 2 tuần) trong cuộc đời mình cho những nụ hôn. Và khoảng 50% mọi người có nụ hôn đầu tiên của họ trước khi đến tuổi 14.

Ở khoảng cách đủ gần để hôn giúp mũi của chúng ta đánh giá được khả năng tương thích. Trong một nghiên cứu mang tính bước ngoặt, nhà sinh vật học tiến hóa Claus Wedekind thuộc Đại học Lausanne, Thụy Sĩ cho biết, phụ nữ thích mùi hương của những người đàn ông có gen mã hóa miễn dịch khác với họ. Trộn lẫn các gen theo cách như vậy có thể tạo ra thế hệ con cái với một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh hơn.

Nghiên cứu của nhà tâm lý học Onur Gntrkn thuộc Đại học Ruhr-Bochum ở Đức phát hiện, hai phần ba trong chúng ta nghiêng đầu sang bên phải khi hôn nhau. Hành vi này có thể phản ánh xu hướng nghiêng đầu quan sát thấy ở trẻ sơ sinh và thậm chí cả trong bào thai.

Việc trao đổi nước bọt có thể mang tới một lợi thế sinh sản cho nam giới. Trong một nụ hôn mở miệng, người đàn ông đã chuyển một chút testosterone cho đối tác của mình. Qua nhiều tuần và nhiều tháng, các nụ hôn lặp đi lặp lại nhiều lần có thể tăng cường ham muốn tình dục của nữ giới, khiến các quý cô ham muốn quan hệ tình dục hơn. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là trong một ml nước bọt chứa khoảng 100 triệu vi khuẩn.

Nguồn: Báo điện tử Dân trí
Trích dẫn từ : http://dantri.com.vn/c130/s130-491779/tai-sao-chung-ta-hon-nhau.htm

Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2011

CƠN MƯA MÙA HẠ



Ngọc Bích
Vậy là nó đã thi tốt nghiệp đại học xong, nó không làm luận văn vì luận văn tốn kém lắm, kinh tế nhà nó không đủ. Cái cảm giác thi xong không giống với hồi cấp 3 cái cảm giác trong nó là sự trống rỗng, đầy tiếc nuối.
Thi xong, nó chưa về luôn, nó ngồi lại nơi ghế đá trong trường, nó nhớ về 4 năm trước khi mà nó mới bước vào trường để thi đại học, giờ đã xa rồi. Nó là đứa ít nói, và cũng rất ít bạn bè. Cuộc sống của nó theo như mọi người đánh giá là sự vô vị tẻ nhạt. Không đi chơi, không tụ tập và chỉ suốt ngày biết học thôi. Nó học giỏi, điểm cao nhất trường, nhưng nó không nổi bởi nó trầm tính quá. Thế nên dù kết thúc đại học nó cũng chỉ có mấy đứa bạn và chúng chơi với nó cũng chỉ vì nó là đứa quá lành tính, không ganh đua và hay bảo bài cho bạn nếu bạn hỏi.
Lên đại học, con gái tầm tuổi nó ai cũng yêu hoặc không phải ai cũng yêu thì ai cũng có người để ý, thích, và tán tỉnh. Nhưng nó thì không, không phải nó xấu mà vì nó không bao giờ chăm chút ăn mặc, đi ra đường mọi người đều bảo nó quê và là sinh viên năm đầu, lại thêm tính ít nói nữa, cho nên nó không quen được ai khác giới cả. Chính vì vậy nó chưa có người yêu. Thật ra không phải nó không muốn chăm chút bản thân mà vì nó ở một vùng quê nghèo và bố mẹ nó làm nông dân, để nuôi nó đi học rất khổ cực, nên nó rất tiết kiệm và chăm chỉ học tập. Giờ ngồi ở ghế đá sân trường nó cũng cảm thấy nhiều hối tiếc và cảm thấy cô đơn, mong muốn có một người con trai như bao nhiêu người!
Nói thật không phải là nó không thích ai, không để ý đến ai. Nó có để ý đến một người bạn cùng lớp mà không ai biết. Nó hay trông ngóng người đó đến lớp mỗi buổi và cũng thường trộm nhìn ngắm họ những lúc chơi đùa và nói chuyện với nhiều người. Nhưng cậu ấy là người nổi tiếng, cậu ấy không học giỏi, nhưng đẹp trai, và năng động hay tham gia các hoạt động ngoại khóa của trường, cậu ấy hát rất hay, cậu ấy lại là con trai Thủ đô chính gốc, hơn nó mọi mặt, một con bé tỉnh lẻ ở vùng quê nghèo. Nó thường nhìn cậu ấy mà cậu ấy không hay biết, mà cũng đúng, cậu ấy có người yêu rồi, là cô bạn cùng khóa, xinh gái và cũng năng động không kém. Có mơ cậu ấy cũng không biết nó thích cậu ấy.
Nó nhớ lại. Hôm ấy là buổi cắm trại 26 – 3, tối đó nó về muộn, đang đứng đợi xe buýt thì có 2 thằng du côn ra bắt nạt. Cậu ấy đã giúp đỡ nó và nó đã thích cậu ấy từ khi đó.
-                     Sao các anh lại cầm tay tôi?
-                     Nhà em ở đâu để anh đưa về?
-                     Tôi không cần các anh đưa về, bỏ tay tôi ra!
-                     Người đẹp, sợ gì anh đưa về.
Mỗi thằng cầm một tay, rồi chúng cười ha hả. Hắn từ đâu chạy đến giúp nó:
-                     Em đợi anh lâu rồi phải không, xin lỗi anh đến trễ!
Rồi hắn chỉ vào 2 thằng đang cầm tay nó
-                     Bạn em à, sao anh chưa gặp?
 Nó lắc lắc đầu. Bọn kia thả tay nó ra rồi nói những câu vô lễ.
-                     Không ngờ xấu thế cũng có người yêu….
-                     Thằng kia nhìn đến nỗi nào mà yêu con bé ấy nhỉ….
Và mọi người xung quanh quay lại nhìn nó và cậu ấy. Nó thấy vui và ngượng. Nó chắc cậu ấy cũng ngượng, vì sau đó nó cảm ơn cậu ấy, cậu ấy chỉ bảo: “Con gái lần sau phải cẩn thận”, rồi đứng xa nó lắm. Nó ngượng vì cậu ấy giúp nó, nó không ngượng vì mọi người nhìn, vì những người đó không xứng để nó ngượng, đó là những người đứng trơ nhìn nó bị bắt nạt. Tối đó cậu ấy đưa nó về tận xóm trọ. Và đấy cũng là lần đầu tiên và duy nhất hai người nói chuyện với nhau. Hơn 3 năm qua rồi, nó và cậu ấy đã không nói chuyện với nhau lần nào nữa.
Giờ nghĩ lại tự nhiên nước mắt nó rơi. Giờ thì trong nó hụt hẫng và dường như nó thấy nó đã để mất cái gì đó quý giá lắm mà không thể lấy lại được. Sân trường giờ vắng lặng, ánh nắng đã nhạt màu, và những cánh bằng lăng lặng lẽ rơi. Cũng đã muộn rồi, đã hơn 6 giờ tối rồi, nó phải về phòng, từ trường về phòng cũng phải mất cả tiếng đồng hồ, mai còn phải đi phỏng vấn. Vì nó có kết quả học tập cao nhất trường nên đã được 1 công ty liên doanh nước ngoài cũng có tiếng tới nhận vào làm. Vậy là nó không phải đi tìm việc  như bao đứa khác. Nhưng nó vẫn thấy buồn, trái tim nuối tiếc, không phải nuối tiếc vì nó không cố gắng mà nuối tiếc vì nó đã để vuột mất một tâm hồn!
Về tới phòng, nó vô cùng ngạc nhiên, cậu ấy đang ở trong phòng đợi nó, một chiếc bánh ga tô to, và một bông hoa hồng đỏ thắt nơ tím thật đẹp. Nó còn đang ngạc nhiên thì con bạn cùng phòng nó đã nhanh nhảu:
- Sinh nhật mày đó, mày không nhớ sao? Bạn đó đợi mày lâu lắm rồi, mày đi đâu tao đợi mãi!
Cậu ấy cầm bông hoa hồng lại gần nó và nói:
- Chúc mừng sinh nhật cậu! Chúc cậu mãi hạnh phúc!
Nó cảm động quá. Ừ hôm nay là sinh nhật nó mà nó quên mất, vì đã bao giờ nó nhớ ngày sinh của nó đâu, bởi nó cảm thấy ngày sinh của nó không quan trọng. Nhưng bây giờ thì nó thấy ngày sinh của nó quan trọng rồi, thật sự rất quan trọng.
Tối hôm ấy sau khi đã ăn bánh kem, nó và cậu ấy đã đi chơi. Đây là lần đầu tiên nó đi chơi với một người con trai vào buổi tối. Cậu ấy đã ngỏ lời, và nó rất hạnh phúc khi đồng ý. Thì ra cậu ấy cũng thích nó từ năm đầu, còn tin đồn rằng cậu ấy đã có người yêu là cô bạn cùng khóa, đó chỉ là một người bạn thân mà thôi.
-                     Anh yêu em từ khi nào?
-                     Từ năm đầu
-                     Sao lại thế
-                     Từ cái hôm mà em bỏ thi học kì dẫn một đứa trẻ bị lạc về nhà. Hôm ấy em phải thi lại đấy, em nhớ không.
-                     À, đúng là em từng bỏ thi vì phải dẫn một đứa trẻ bị lạc về nhà. Nhưng sao anh biết, mà hình như hôm ấy anh cũng phải thi lại?
-                     Tất nhiên là anh biết vì đứa bé ấy là em gái anh mà. Ha ha
-                     Cái gì, em gái anh à?
-                     Ừ hôm ấy anh cho nó đi chơi, anh mải nhìn gái quá nên để lạc mất em. Ha ha
-                     Trởi anh nhóm máu G hả? Nhưng sao anh biết em dẫn nó về?
-                     Không anh nhóm máu G + D. Ha ha. Vì anh lúc ấy anh đi tìm em gái cũng vừa về đến cổng thấy em đi cùng em gái anh.
-                     Vậy à! Yêu từ đó hả?
-                     Không, để ý, rùi yêu lúc nào không biết.
-                     Trởi, sao để ý chứ việc bình thường mà. Sao đợi đến ngày cuối cùng mới ngỏ lời?
-                     Không, ở Hà Nội này anh không thấy ai có thể hy sinh vì người khác. Anh thấy em người đầu tiên. Anh sợ em không yêu anh, nên anh không dám ngỏ lời. Đến ngày cuối cùng, sợ mất nên đánh liều ngỏ lời. Mẹ anh tư vấn đấy. Ha ha.
-                     Vậy sao! Có sợ em từ chối không?
-                     Có chứ. Em giỏi hơn anh mà, thông minh hơn anh nữa. Mà ngỏ lời em đồng ý luôn, thầm yêu anh từ khi nào vậy, khai mau!
-                     Thương thì đồng ý thôi, chứ có yêu gì đâu.
-                     Hả, cái gì? Sao em đểu thế!
-                     Ừ em đểu thế đấy, không yêu thì thôi!
-                     Ha ha, dại gì , may em đểu…ha ha
-                     Ha ha….
Hết


Ngẫu hứng

Ta đếm lá vàng ngoài khung cửa
Khi gió vô tình bước ngang qua
Mưa không ngừng rơi
Gió vẫn thổi
Giật tơi bời …
Những đêm rơi.

Ta bước trên dải lá vàng
Thấy những bất công
Trải đầy dọc con đường đi
Như những chiếc lá vàng
Mà vẫn dằn lòng bước qua. 

7-6-2011
KHX

Mùa hạ


I.
Xuân chia tay trong màu phượng đỏ
Người ví rằng là máu con tim
Xuân chia tay khi bằng lăng tím
Người ví rằng màu tím chia ly.

Buổi chiều hè cùng ai dạo bước,
Trời đang nắng bỗng đổi mưa dông
Đi bên em sao nghe gió lạnh lùng,
Có phải là con tim không rung động.
Nên ân tình không đến với mưa dông,
Ai cũng biết yêu không là khiên cưỡng
Chẳng vô tình lá liễu đứng song song. 

II. 

Gió đi về dọc đường thương nhớ
Mưa vô tình vương ướt áo em.
Khẽ run lạnh lẫn với lời thơ,
Cánh phượng Hồng rung rinh một thủa.

Em bảo rằng phượng là màu máu
Của yêu thương quặn ở trong tim,
Khi mai này nếu đường về riêng bước.
Em bảo rằng bằng lăng màu tím biếc,
Là màu của những nẻo chia ly,
Như mưa dông đến lúc bốn bề yên. 

KHX 
7-6-2011

Thứ Năm, 16 tháng 6, 2011

Đánh Đu


Hồ Xuân Hương


Tám cột khen ai khéo khéo trồng,
Người thì lên đánh, kẻ ngồi trông.
Trai đu gối hạc khom khom cật,
Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng.
Bốn mảnh quần hồng bay phất phới.
Hai hàng chân ngọc duỗi song song.
Chơi xuân ai biết xuân chăng tái!
Cột nhổ đi rồi, lõ bỏ không.

Chợ Trời

Hồ Xuân Hương

Khen thay con Tạo khéo trêu ngươi.
Bày đặt ra nên cảnh chợ Trời!
Buổi sớm gió đưa, trưa nắng đứng,
Ban chiều mây họp, tối trăng chơi.
Bầy hàng hoa quả tư mùa sẵn,
Mở phố giang sơn bốn mặt ngồi.
Bán lợi, buôn danh nào nhương kẻ,
Chẳng nên mặc cả một đôi lời.

Thứ Tư, 15 tháng 6, 2011

Tiếng gọi nơi hoang dã - chương cuối


Chương 7: Tiếng gọi


Với 1600 đôla mà Bấc kiếm được cho Giôn Thoóctơn chỉ trong vòng 5', Bấc đã giúp cho chủ mình trang trải xong 1 số nợ nần và mở được cuộc hành trình cùng với các bạn phường đi về phía Đông để tìm 1 cái mỏ vàng mất tăm tích chỉ còn lại trong truyền thuyết, mà sự tích cũng xa xăm như chính sự tích cái xứ sở này vậy. Trước kia, đã có nhiều người săn tìm cái mỏ vàng ấy; ít người tìm ra được nó; mà số người đi tìm rồi chả bao giờ trở về nữa cũng không phải là ít. Tình tiết về cái mỏ vàng mất tăm tích ấy đầy rẫy chuyện đau thưong và ẩn kín sau 1 bức màn thần bí. Không kẻ nào biết được người đầu tiên phát hiện ra nó là ai. Những lời truyền miệng từ xa xưa nhất cũng đã dừng lại trước khi phanh ra mối, lần ngược đến tung tích người đó. Mở đầu câu chuyện truyền thuyết, người ta kể lại về 1 túp lều cổ đổ nát, nó là vật đánh dấu nơi có cái mỏ vàng bí ẩn. Những kẻ thiệt mạng vì cuộc săn tìm này trong giờ phút hấp hối đã thề thốt là túp lều ấy có thực, là cái mỏ vàng ấy có thực và để làm bằng cho lời nói của họ, họ đã đưa ra cho xem những thỏi vàng thật là tuyệt vời, không có bất kỳ loại vàng nào ở các độ tuổi mà người ta đã thấy tại vùng đất phương Bắc này có thể sánh kịp.

Nhưng trong những người đang sống, chẳng có ai mang được thứ của quý ấy về nhà, mà người chết thì đã chết mất xác rồi. Do đó, Giôn Thoóctơn, Piti và Hendơ, cùng với Bấc và nửa tá chó khác nữa, đã xông pha vào vùng phía Đông theo 1 con đường mòn họ chưa từng biết đến, để hòng thực hiện cái điều mà những đoàn người và chó khác trước họ, cũng giỏi giang như họ, đã thất bại không làm nổi. Họ đi xe trượt tuyết băng qua 70 dặm đường ngược dòng I-u-con, rồi ngoặt sang trái đi vào sông Xtiu-át, vượt qua Mayê và Mắcquêxơn, và cứ tiếp tục ngược dòng cho đến khi bản thân con sông Xtiu-át chỉ còn là 1 dòng suốit nhỏ xíu, len lỏi qua sườn những ngọn núi dựng dứng đánh dấu cột xương sống của lục địa Bắc Mỹ.

Giôn Thoóctơn không yêu cầu gì mấy ở con người hoặc ở thiên nhiên. Anh không sợ hoang dã. Với 1 vốc muối và 1 cây súng, anh có thể lao vào cõi hoang vu và có thể làm ăn được ở bất cứ nơi nào và lâu đến bao nhiêu cũng được, tuỳ theo sở thích. Không có gì phải vội, anh cứ theo phong cách của người thổ dân da đỏ, hàng ngày vừa đi đường vừa săn bắn để kiếm cái ăn; và nếu không tìm ra cái ăn, thì cũng giống như người da đỏ, anh cứ tiếp tục đi tới, biết chắc chắn rằng chẳng chóng thì chầy thế nào anh cũng tìm ra. Vậy là trong cuộc hành trình lớn lao này vào vùng phía Đông, thực đơn là thịt cá chén ngay tại trận khi vừa săn bắn được, vật chở trên xe chủ yếu là đạn và dụng cụ, còn chương trình kế hoạch thì vạch ra thực hiện trong tương lai không hạn định.

Đối với Bấc cuộc sống như thế này thật là khoái vô cùng tận, được săn thú nhé, được bắt cá nhé, rồi lại còn được ngao du vô định qua bao miền đất lạ. Có những thời gian hằng mấy tuần liền đoàn ngươi và chó cứ đi miết, ngày này qua ngày khác. Lại có lúc hàng mấy tuần liền họ cắm trại tại chỗ ở 1 nơi nào đó, đàn chó xả hơi đi chơi rong, còn người thì đốt lửa cho bùn và sỏi tan băng ra rồi moi thành lỗ, và cạnh hơi nóng của ngọn lửa, họ cặm cụi đãi không biết cơ man nào đất cát để tìm vàng. Có những lúc họ bị đói, nhưng có những lúc họ lại ăn uống thịnh soạn bừa mứa, mọi sự tuỳ thuộc vào số lượng thú săn nhiều hay ít và công việc săn bắt gặp may hay không. Mùa hè tới, người và chó đeo đồ lề lên lưng, dùng bè vượt qua những hồ nước xanh biếc giữa đồi núi, và khi xuôi khi ngược dọc các dòng sông chưa hề quen biết, trên những chiếc thuyền thoi do họ đốn gỗ trong rừng tự đẽo khoét lấy.

Ngày tháng trôi qua, đoàn người và chó cứ miệt mài dấn bước, vòng vèo khi tới khi lui xuyên qua cõi đất mênh mông chưa hề được đồ hoạ, chưa ai từng đặt chân tới hay biết đâu đã có người đến, nếu như câu chuyện về Túp Lều Mất Tích là có thực. Họ đi qua những đường phân thuỷ, giữa những trận bão tuyết mùa hè dữ dội, họ run cầm cập dưới ánh mặt trời nửa đêm trên những ngọn núi trọc nằm xen giữa bìa rừng và vùng tuyết vĩnh cửu, họ tụt xuống những thung lũng giữa tiết hè tràn ngập ruồi muỗi, và dưới bóng những núi băng, họ dừng lại hái những quả dâu chín mọng và những bông hoa tươi đẹp chẳng thua kém bất kỳ loại hoa quả nào mà miền đất phương Nam có thể tự hào. Mùa thu năm ấy họ lọt vào 1 vùng hồ kỳ ảo, buồn tẻ và tĩnh mịch, nơi đây xưa kia đã từng có chim trời trú ngụ, nhưng nay thì không còn sự sống, đến cả dấu vết của sự sống cũng không còn - chỉ có luồng gió ớn lạnh thổi qua, băng đang dần đóng lại ở những nơi bị che khuất, và tiếng sóng rì rào buồn man mát vỗ nhẹ vào những bãi bờ hiu quạnh.

Rồi họ lang thang suốt 1 mùa đông nữa, mò theo hướng những người đã đi qua trước đây mà dấu vết đã bị xoá sạch. 1 lần họ chợt bắt gặp 1 lô đi mở xuyên qua rừng, 1 lối mòn rất cũ, và tưởng chừng như Túp Lều Mất Tích đã ở đâu đây rất gần. Nhưng lối mòn ấy bắt đầu từ chỗ không đâu ra đâu và tận cùng ở 1 chỗ cũng không đâu ra đâu cả. Kết cục, nó vẫn là 1 điều bí ẩn, cũng như ai đã mở ra lối đi ấy và mở ra để làm gì, đều vẫn là điều bí ẩn. 1 lần khác, họ lại tình cờ phát hiện thấy 1 chiếc lán của người đi săn, từ 1 thời xa xưa, nay đã đổ nát, và giữa những mảnh chăn đã mục, Giôn Thoóctơn tìm thấy 1 khẩu súng kíp nòng dài. Anh nhận ra đó là 1 thứ súng của Công ty Vịnh Hâtxơn trong thời kỳ han sơ ở Vùng Tây Bắc, vào cái thời mà 1 cây súng như thế này xứng đáng với vị trí cao quý được đóng hộp bọc da hải ly đàng hoàng. Nhưng tất cả chỉ có thế - không có 1 dấu vết nào mách bảo về con người trong 1 ngày xa xưa nào đó đã đựng lên chiếc lán này và còn để lại khẩu súng trong đống chăn.

1 mùa xuân nữa lại đến, và sau khi đã lang thang mãi hết nơi này đến nơi nọ, cuối cùng họ đã tìm thấy, không phải là Túp Lều Mất Tích, mà là 1 bãi sỏi cát nông có vàng giữa 1 thung lũng rộng, trên bãi này vàng hiện ra như 1 lớp bơ nằm dưới đáy của chiếc giần đãi. Họ không đi tìm đâu xa nữa. Mỗi ngày làm việc đem lại cho họ hàng ngàn đôla vàng cốm và vàng cục đã đãi sạch, và ngày nào họ cũng làm. Vàng được đóng gói vào những chiếc túi bằng da nai, mỗi túi chứa 50 pao. Họ xếp những túi ấy thành chồng như xếp củi bên ngoài chiếc lán làm bằng cành cây bách. Nhưn những người khoẻ phi thường, họ làm việc quần quật không mệt mỏi, ngày nối ngày vùn vụt trôi qua như những giấc mơ trong khi đống vàng của họ cứ chất cao thêm mãi.

Lũ chó chả có gì để làm ngoài việc thỉnh thoảng kéo về lán những con thú do Thoóctơn săn được, và Bấc có những buổi nằm dài trầm ngâm hàng giờ bên đống lửa. Bây giờ đây, khi công việc chả có bao nhiêu, thì cảnh mộng về con người lông lá chân ngắn lại hiện về với Bấc thường xuyên hơn; và thường thường, giữa lúc nằm yên chớp mắt nhìn ánh lửa, Bấc lại mơ thấy mình lang thang cùng con người ấy trong cái thế giới bên kia mà Bấc hồi tưởng lại.

Đặc điểm nổi bật của cái thế giới kia hình như là nỗi sợ hãi. Khi Bấc để ý nhìn con người lông lá ấy ngủ bên đống lửa, đầu đặt giữa 2 gối và cái bàn tay đan lại trên đầu Bấc thấy gã ngủ không yên, nhiều lần giật mình tỉnh dậy, và những lúc ấy gã thường sợ hãi nhìn chằm chằm vào bóng tối và ném thêm củi vào ngọn lửa. Nếu gã cùng Bấc đi dọc bờ biển nơi gã thường nhặt sỏi hến, nhặt đâu ăn đấy, thì gã vừa đi vừa đảo mắt nhìn khắp mọi chốn dè chừng những mối đe doạ ẩn nấp đâu đó, và đôi chân sẵn sàng vắt lên cổ chạy tháo thân ngay kh ivừa thấy mối đe doạ ấy ló ra. Những khi xuyên qua rừng rậm, gã cùng Bấc bước rón rén không 1 tiếng động, Bấc bám gót gã: cả 2 đều cảnh giá, tỉnh táo, đề phòng, đôi tai vểnh lên, giần giật, lỗ mũi phập phồng, bởi con người này nghe và đánh hơi cũng thính chả kém gì Bấc, Con người lông lá này có thể nhún mình nhảy tót lên cây, và chuyền cành đi tới phía trước cũng nhanh như đi trên mặt đất, 2 cánh tay đánh đu tung người từ cành này sang cành khác có khi cách nhau đến mươi bộ, thoăn thoắt buông chỗ này bắt chỗ nọ, không bao giờ rơi ngã, không bao giờ bắt hụt. Trên thực tế, hình như gã ở trên cây cũng thoải mái chả kém gì ở trên mặt đất; và Bấc mường tượng ra trong ký ức những đêm Bấc thức trắng nằm chờ dưới gốc cây, bên trên là con người lông lá đang bám chặt vào cành cây nằm ngủ.

Và có 1 thứ luôn gắn chặt với cảnh mộng về con người lông lá ấy là tiếng gọi, cái tiếng gọi cứ vang lên trong rừng thẳm. Mỗi lần nghe tiếng gọi ấy là lòng Bấc tràn ngập 1 nỗi xao xuyến bồi hồi và những ham muốn kỳ lạ. Nó mang đến cho Bấc 1 niềm vui mơ hồ mà thú vị, và Bấc nhận thấy trong lòng mình sôi lên cuồng nhiệt bao nỗi khát khao mong muốn những điều mà Báac không rõ là điều gì. Thỉnh thoảng Bấc vùng dậy chạy vào rừng đuổi theo tiếng gọi, sục tìm nó như thể nó là 1 vật có thể sờ mó được, vừa chạy vừa sủa nhẹ từng tiếng nhỏ hoặc sủa với vẻ thách thức, tuỳ theo tâm trạng thay đổi từng lúc. Có lúc Bấc thọc mũi vào các tảng rêu mát lạnh bám trên thân cây hay vào lớp đất đen dưới bãi cỏ ống, và khịt khịt với vẻ vui sướng khi ngửi thấy mùi đất mỡ màng; hoặc có lúc nó nằm thu mình hàng giờ sau những thân cây đổ đầy nấm mọc, như để ẩn nấp, rình mồi, giương mắt giỏng tai theo dõi mọi sự chuyển động và mọi tiếng thóc thách xung quanh nó. Có thể bằng cách nằm rình như vậy, nó hy vọng sẽ bất chợt bắt gặp được cái tiếng gọi mà nó không hiểu nổi đó. Nhưng không, nó không biết tại sao nó lại làm mọi điều như vậy. Có 1 cái gì đó buộc nó phải làm thế, và nó tuyệt nhiên không lý giải được.

Nó chịu tác động của những lực thôi thúc không thể cưỡng lại nổi. Có những khi đang nằm dài vô tích sự trong khu đóng trại ngủ gà ngủ gật dưới ánh nắng ấm áp ban ngày, nó đột nhiên cất đầu, vểnh tai chăm chú lắng nghe, rồi bật dậy và lao đi, và cứ thế lao tới, lao tới mãi, hàng mấy tiếng liền, theo những lối hở giữa cây rừng và qua những bãi trống đầy những cụm cỏ lác. Nó thích chạy xuôi những dòng suối khô cạn, và thích rón rén theo dõi cuộc sống của chim chóc trong rừng. Có khi cả ngày liền nó nằm trong bụi rậm, từ nơi ẩn nấp này nó có thể quan sát những chú gà gô gõ nhịp liên hồi và khệnh khạng đi đi lại lại. Nhưng nó đặc biệt thích chạy trong bóng tối lờ mờ vào lúc nửa đêm mùa hạ, giỏng tai nghe tiếng rì rầm lắng dịu và buồn ngủ của núi rừng, dọc những tín hiệu và những âm thanh như con người đọc cuốn sách, và sục tìm cái vật huyền bí nào đó đã cất lên tiếng gọi - gọi nó đến, gọi vào mọi lúc, cả lúc đang thức, cả lúc đang ngủ.

Rồi 1 đêm nọ, nó đang ngủ bỗng giật nảy mình bật dậy, đôi mắt rực lên háo hức, cánh mũi rung động phập phồng đánh hơi, bờm lông dựng lên từng hồi như sóng cuộn. Từ trong rừng sâu vẳng tới tiếng gọi (hay có thể nói là 1 âm tiết của nó, bởi tiếng gọi có nhiều âm tiết khác nhau), minh bạch và rõ ràng hơn bao giờ hết - 1 tiếng hú kéo dài, nghe giống nưhng lại cũng không giống bất kỳ tiếng kêu nào của loài chó mà nó đã từng nghe thấy thuở trước. Bấc vọt ra khỏi khu trại đang yên giấc lặng lẽ lao vun vút đi qua các khu rừng. Tiếng hú càng gần lại, Bấc giảm dần tốc độ, thận trọng trong từng cử động, nó nhìn ra, thì kìa, trước mắt nó 1 vật ngồi chồm hổm, 1 con sói xám thân dài, gầy guộc, đang rướm thẳng mình, ghếch mõm lên trời.

Bấc tới đây không hề gây ra 1 tiếng động, ấy thế mà con vật kia ngừng bặt tiếng hú và đánh hơi cố tìm cách phát hiện ra nó. Bấc rón rén bước ra bãi trống, hơi rún mình xuống, toàn thân thu hết lại thành 1 khối chắc nịch, đuôi duỗi thẳng cứng đờ, chân khuỵu xuống trong tư thế thận trọng khác thường. Mọi cử động của Bấc biểu hiện 1 thái độ vừa đe doạ, vừa tỏ ý muốn làm thân. Chính đó là cái kiểu hoà hoãn tạm thời nhưng chứa đựng sự đe doạ, nó là dấu hiệu đặc trưng của những cuộc chạm trán giữa những con dã thú trên đường đi săn mồi. Nhưng con chó sói vội vàng bỏ chạy khi vừa trông thấy Bấc, Bấc phóng theo, nhảy những bước dài điên cuồng quyết ra sức đuổi kịp hắn. Bấc dồn hắn vào 1 cái lối cụt, giữa lòng 1 nhánh suối con, nơi có những gốc cây ken nhau dày chi chít chặn nghẽn đường. Con sói quay ngoắt lại, trụ trên 2 chân sau để xoay mình theo kiểu của Jô và mọi con chó étkimô khác khi bị cùng đường, gầm thét và lông dựng đứng, 2 hàm răng vập nhanh vào nhau liên tiếp.

Bấc không tiến công, chỉ lượn vòng bao quanh hắn đón chặn hắn lại với thái độ tỏ ý muốn làm thân. Con sói nghi hoặc và sợ hãi: bởi Bấc to gấp 3 hắn, đầu hắn chỉ vừa chấm vai Bấc. Nhè lúc Bấc sơ hở, hắn vọt ra ngoài phóng đi. Thế là cuộc săn đuổi lại tiếp tục. Hết lần này đến lần khác, hắn lại bị Bấc đuổi dồn vào nơi cùng đường, rồi sự việc lại cứ diễn đi diễn lại như cũ, mặc dù hắn ở trong tình trạng yếu thế, mà nếu hắn không yếu thế thì Bấc cũng không dễ gì đuổi kịp hắn. Hắn cứ chạy cho đến khi thấy đầu của Bấc nhô lên đến ngang sườn hắn là hắn quay ngoắt lại giữ không cho Bấc chạm vào hắn, để rồi lại vọt ra bỏ chạy ngay khi chớp được cơ hội đầu tiên.

Nhưng cuối cùng, cuộc đuổi bám dai dẳng của Bấc đã được đền đáp. Con chó sói thấy dối phương không có ý gì muốn hại hắn, rốt cuộc đã hít mũi với Bấc. Thế là chúng đánh bạn với nhau, và đùa giỡn bên nhau với cái vẻ hay hốt hoảng và có phần rụt rè mà thú dữ thường biểu hiện ra bên ngoài, làm người ta có thể nhầm không rõ bản chất hung dữ của chúng. Sau khi nó đùa với nhau 1 lát, con chó sói bỏ đi, ung dung chạy những bước dài nhún nhẩy nhịp nhàng với 1 cung cách tỏ ra hắn đang nhằm đi tới 1 nơi nào đó. Hắn lại tỏ ý với Bấc là hắn muốn Bấc cùng đến nơi đó với hắn, và chúng chạy bên nhau trong bóng tối mờ mờ, ngược suốt theo lòng suối, đi vào hẻm núi nơi con suối chảy ra, và vượt qua đường phân thuỷ hoang vắng nơi con suối bắt nguồn.

Qua sườn dốc bên kia đường phân thuỷ, chúng ta xuống 1 vùng bằng phẳng, có những dải rừng lớn và nhiều khe suối, và cứ thế mải miết chạy qua các dải rừng ấy hết giờ này sang giờ khác. Mặt trời lên cao và khí trời ấm dần. Bấc vui sướng như ngây như dại. Nó biết thế là cuối cùng nó đã đáp lại tiếng gọi, nó đang chạy bên cạnh kẻ anh em ruột thịt chốn núi rừng, và phía chắc chắn là nơi xuất xứ của tiếng gọi. Nhưng ký ức tự thuở cổ xưa đang kéo về với nó nhanh chóng và lòng nó đang náo nức với những ký ức ấy, cũng giống những điều thực tại mà chính các ký ức xa xưa ấy là cái bóng lồng theo. Nó đã sống những giây phút như thế này thuở trước, đâu đó trong cái thế giới kia mà nó đang lờ mờ hồi tưởng lại, và giờ đây nó lại được sống những giây phút như vậy, tự do chạy thênh thênh giữa cõi thiên nhiên khoáng đãng, dưới chân là mặt đất còn tinh khôi nguyên vẹn, và trên đầu là bầu trời mở rộng bao la.

Chúng dừng lại bên 1 dòng suối róc rách chảy để uống nước. Và khi dừng lại, Bấc sực nhớ tới Giôn Thoóctơn. Nó ngồi xuống tại chỗ, con sói tiếp tục đi tới trước, lại quay lại với Bấc, hít mũi với Bấc và làm những động tác như để khuyến khích Bấc. Nhưng Bấc quay đằng sau và từ từ lui trở về theo lối cũ. Trong gần 1 tiếng đồng hồ, con chó hoang anh em chạy lui theo bên cạnh Bấc, vừa chạy vừa khe khẽ kêu ư ử, rồi hắn ngồi xuống hếch mõm lên trời, tru lên 1 tiếng dài. Tiếng tru sao mà thê thảm, Bấc cứ tiếp tục mải miết chạy trở về không quay lại, nó nghe tiếng hú kia mỗi lúc 1 nhỏ dần, nhỏ dần rồi mất hút ở phía sau xa.

Giôn Thoóctơn đang ăn bữa tối thì Bấc lao vào khu trại và nhảy bổ vào anh trong 1 cơn lốc thương yêu như điên như dại, đẩy anh lật nhào, trèo lên người anh liếm mặt anh, ngoạm lấy bàn tay anh - chơi cái trò ông tướng ngốc, như Giôn Thoóctơn thường mệnh danh cho lối biểu thị ấy - còn Thoóctơn thì ôm lấy nó lắc, đảo tới đảo lui và rủa yêu nó.

Trong suốt 2 ngày đêm, Bấc không rời khu trại đến nửa bước, không hề để Giôn Thoóctơn rời khỏi tầm mắt của nó. Nó quấn quít quanh anh trong khi anh làm việc, chăm chú quan sát anh khi anh ăn, đưa mắt trông theo anh chui vào chăn đi ngủ, và chờ đón nhìn anh buổi sáng thức dậy từ trong chăn chui ra.

Nhưng sau 2 ngày ấy, tiếng gọi trong rừng sâu lại bắt đầu vang lên thúc giục khẩn thiết hơn bao giờ hết, Bấc lại bồn chồn trở lại, đầu óc lại tơ tưởng đến hình ảnh con chó hoang anh em, đến vùng đất tươi đẹp đầy sức quyến rũ bên kia đường phân thuỷ, và đến cái buổi chạy sóng đôi bên nhau qua những dải rừng rộng lớn. Thế là lần nữa, nó lại lao vào rừng lang thang hết nơi này đến nơi khác, nhưng kẻ anh em chốn hoang dã không trở lại với nó nữa, và mặc dù có chú ý lắng tai nghe suốt nhiều đêm dài thao thức, tiếng hú não nùng kia không còn bao giờ cất lên trở lại.

Nó bắt đầu ngủ đêm ngoài rừng và có khi đến mấy ngày liền nó bỏ đi khỏi khu trại. 1 lần nó vượt qua đường phân thuỷ ở đầu nguồn nước và chạy xuống vùng đất có nhiều cây to, và nhiều khe suối, tại đó nó lang thang trong suốt 1 tuần để tìm kiếm dấu vết của kẻ anh em nơi hoang dã, nhưng vô vọng. Nó vừa đi vừa săn mồi để ăn, và trên đường nay đây mai đó nó khoan thai chạy những bước dài nhún nhẩy nhịp nhàng hình như không bao giờ biết mệt. Nó săn bắt cá hồi trong 1 dòng suối rộng đang trút ra đâu đây nơi biển cả, và cạnh dòng suối này nó giết chết 1 con gấu đen to lớn. Con gấu này cũng đang bắt cá như nó thì bị muỗi xúm lại đốt mù cả mắt, và giữa lúc này thì Bấc bị tấn công. Gấu ta đã gầm thét dữ dội phóng qua rừng rậm bỏ chạy, nom thật khủng khiếp nhưng hoàn toàn bất lực. Mặc dù vậy, cuộc chiến đấu cũng khá gay go, và trận đánh quyết liệt này đã khơi dậy hết những tàn dư tiềm tàng cuối cùng của tính hung dữ truyền lại bên trong Bấc. Và 2 ngày sau, khi Bấc trở lên bên con vật nó đã giết chết, nhìn thấy khoảng chục con chồn gulô đang tranh giành nhau ăn xác con mồi, nó đã xông vào đánh lũ chồn chạy tan tác bỏ lại 2 con gục xuống đấy không còn bao giờ biết tranh giành gì nữa.

Tính thèm khát máu tươi đã trỗi dậy bên trong Bấc mạnh hơn bao giờ hết. Nó đã thành 1 kẻ chuyên giết chóc, 1 vật săn mồi, sống bằng thịt những vật sống đang đi lẻ loi và cô thế, nhờ ở chính sức mạnh và sự dũng cảm của bản thân mình, tồn tại oanh liệt bằng chiến thắng trong 1 môi trường cứu địch, mà ở đó chỉ có kẻ mạnh mới tồn tại. Do tất cả những điều ấy, trong lòng nó phát sinh 1 niềm kiêu hãnh lớn lao về bản thân mình, niềm kiêu hãnh này truyền lan như 1 sự nhiễm lây sang phần vật chất của cơ thể nó. Niềm kiêu hãnh ấy tự phô bày trong mọi động tác của nó, thể hiện rõ ràng trong lối vận động của từng cơ bắp, diễn đạt minh bạch như lời nói trong cung cách đi đứng của nó, và làm cho bộ lông dày lộng lẫy của nó như có phần thêm lộng lẫy. Nếu không có mấy đốm nâu lạc lõng ở mõm nó và phía trên đôi mắt, và cái vệt lông trắng chạy dọc ở chính giữa ức nó, thì người ta rất có thể nhầm tưởng nó là 1 con chó sói khổng lồ, lớn hơn cả con nhất của dòng họ nhà sói. Nó kế thừa được cái vóc và trọng lượng của bố nó thuộc nòi Xanh Bécna nhưng chính là mẹ nó, thuộc nòi chó chăn cừu, đã di truyền lại cái hình dáng cho tầm vóc ấy và trọng lượng ấy. Mõm nó là cái mõm dài của nòi sói, chỉ khác là nó lớn hơn mõm của bất kỳ con chó sói nào; và cái đầu của nó đích thị là hình dạng 1 cái đầu chó sói phóng đại.

Cái khôn ranh của nó là cái khôn ranh của loài sói, 1 thứ khôn ranh man rợ; cái thông minh của nó là cái thông minh của nòi chó chăn cừu kết hợp với cái thông minh của nòi Xanh Bécna; và tất cả những cái đó cộng với kinh nghiệm đã thu lượm được trong trường đời hung bạo nhất, đã biến nó thành 1 sinh vật cũng ghê gớm như bất kỳ thứ sinh vật nào lang thang giữa nơi hoang dã. Là 1 nòi ăn thịt, ngày ngày sống bằng thịt ăn sống nuốt tươi ngay khi săn bắt được, Bấc đang trong thời kỳ phát triển rực rỡ nhất, ở ngọn triều cao của cuộc đời mình, tràn trề sức mạnh và khí thế. Mỗi khi Giôn Thoóctơn lướt bàn tay vuốt ve dọc sống lưng nó, thì từng sợi lông đã tích âầy từ điện bị chạm vào liền phóng điện phát ra những tiếng tanh tách nhỏ theo bàn tay vuốt tới. Mỗi 1 bộ phận, từ bộ não đến cơ thể, từ mô thần kinh đến thớ thịt, đều được làm cho thích ứng với độ nhạy bén cao nhất; và giữa tất cả các bộ phận ấy, có 1 sự cân bằng và điều chỉnh cho ăn ý đến mức hoàn hảo. Khi bắt gặp 1 cảnh tượng, tiếng động hoặc sự việc gì đòi hỏi phải phản ứng, nó lập tức phản ứng nhanh như chớp. Để chống lại 1 cuộc tấn công hoặc để tấn công, 1 con chó étkimô bật nhảy nhanh là thế, vậy mà Bấc còn bật nhảy nhanh gấp đôi. Thời gian để nó nhìn thấy 1 chuyển động hoặc để nghe thấy 1 tiếng gì đó, rồi phản ứng, tất cả chỉ trong chớp mắt, còn ngắn hơn cả thời gian cần thiết cho bất kỳ con chó nào khác để cho kịp nhìn thấy hoặc nghe thấy. Nó vừa nhận thức, vừa quyết định, vừa phản ứng cùng 1 lúc. Thực ra thì 3 hoạt động nhận thức, quyết định và phản ứng là kế tiếp nhau; thế nhưng khoảng cách thời gian giữa các việc ấy đều vô cùng ngắn ngủi nên có vẻ như 3 việc diễn ra đồng thời. Các bắp thịt của nó thừa ứ sinh lực, sẵn sàng bật nảy lao vào hành động, nhạy như những lò xo thép. Sự sống trào dâng trong mình nó như 1 ngọn triều tưng bừng, hân hoan, sôi sục, dâng lên mãi đến mức tưởng chừng như có thể làm nó vỡ tung ra từng mảnh trong trạng thái ngây ngất thoát bung ra khỏi bản thân mình, để dòng sinh lực kia tuôn trào tràn trề hào phóng ra khắp mọi nẻo của cõi đời.

-Chưa bao giờ có 1 con chó như nó! - 1 hôm Giôn Thoóctơn đã phải thốt lên như vậy, trong khi anh cùng các bạn phường dõi theo Bấc đang bước ra khỏi khu trại.

-Khi ông Tạo đúc ra nó thì cái khuôn bị vỡ - Piti tiếp lời.

-Ôi lạy Chúa! Tôi cũng nghĩ như các anh vậy đó - Hendơ xác nhận.

Họ nhìn thấy nó bước ra khỏi khu trại, nhưng họ không nhìn thấy sự biến đổi đột ngột và ghê gớm đã diễn ra ngay khi nó vừa khuất trong màn bí mật của núi rừng. Đến nơi đó là nó không bước ra nữa. Ngay tức khắc nó bíên thành 1 vật của hoang dã, len lén luồn tới nhẹ nhàng, bước chân êm như mèo, trở thành 1 cái bóng đen thấp thoáng lướt qua, khi ẩn khi hiện giữa nhứng bóng đen khác. Nó biết cách lợi dụng mọi vật che khuất, trườn sát bụng xuống đất như con rắn, và cũng như con rắn, nó biết cách xuất kỳ bất ý bật nhảy vọt lên tấn công. Nó có thể lôi cổ 1 chú gà gô từ trong tổ ra, giết chết 1 con thỏ đang ngủ, và chộp gọn giữa lưng chừng không khí những chàng sóc chuột bé nhỏ đang vọt lên nhưng chỉ vì chậm chân có 1 tích tắc nên chưa kịp bám được vào thân cây leo lên chạy thoát. Cả cá lội trong vũng trống không pải là quá nhanh đối với nó; mà hải ly luôn be bờ đắp đập cũng không phải là quá cảnh giác đề phòng đến nỗi nó không tóm được. Nó giết các thú vật khác là để ăn thịt, chứ không phải để đùa giỡn; nhưng ăn những vật gì tự nó giết được thì nó vẫn thích hơn. Do vậy, có 1 thứ tinh nghịch ngấm ngầm trogn hành động của nó, và nó rất khoái cái trò lên tới sát nách những chú sóc, rồi đến khi chắc chắn là nó chộp được chúng ngon ơ, chúng không tài nào thoát được thì nó lại tha cho chúng, làm cho các chú sóc hoảng sợ hết hồn hết vía leo tót lên ngọn cây, chí chóc mãi.

Mùa thu đã tới, nai sừng Bắc Mỹ xuất hiện nhiều hơn, chuyển dần xuống phía dưới để đón mùa đông ở những thung lũng thấp, nơi khí hậu đỡ khắc nghiệt hơn. Bấc đã hạ được 1 con nai choai lạc đàn. Nhưng nó lại hết sức thèm muốn những con mồi to hơn và ghê gớm hơn, và 1 hôm nó đã bắt gặp được 1 con đúng như nó mong ước tại đường phân thuỷ ở đầu ngọn suối. 1 đàn 20 con nai sừng đã từ vùng đất có nhiều cây to và khe suối kéo sang, và chúa tể đầu đàn là 1 gã nai đực to lớn. Gã này đang trong cơn thịnh nộ dữ tợn, và với thân hình sừng sững đứng cao hơn sáu bộ, gã quả là 1 đối thủ ghê gớm mà Bấc có thể mơ ước. Gã nai được hất tới đảo lui bộ sừng to lớn xoè thành hình chân vịt, chĩa ra 14 mũi và dang rộng đến 7 bộ từ mút bên này sang mút bên kia. Khi nhìn thấy Bấc, đôi mắt ti hí của gã rực lên 1 ánh lửa ác độc và quyết liệt; và gã rống lên giận dữ.

ở 1 bên thân của gã, ngay phía trước sườn, thòi ra đoạn đuôi của 1 mũi tên cắm lông chim, thì ra chính vì cái này mà gã sinh ra điên giận đến như vậy.

Được sự dắt dẫn của cái bản năng truyền lại từ những ngày săn bắt trong thế giới nguyên thuỷ xa xưa, Bấc tìm cáhc tách con nai đực kia ra khỏi đàn. Đó không phải là việc dễ. Bấc vừa sủa vừa nhảy nhót quanh quẩn trước mặt gã nai đực, vừa vặn ngoài tầm của bộ sựng to lớn và bộ móng loe kinh khủng chỉ cần bổ cho nó 1 đòn thôi là đủ làm nó đi đứt. Không thể nào dứt ra khỏi cái vật tai tác nguy hiểm có răng nanh kia để mà tiếp tục đi, gã nai đực nổi những cơn điên giận đến cực điểm. Những lúc nổi điên lên, gã lao vào tấn công Bấc, nhưng Bấc láu cá rút lui, dù gã leo theo bằng cách giả vờ làm ra vẻ như không thể nào chạy thoát nổi. Nhưng mỗi khi gã nai vì vậy mà tách ra xa khỏi đàn, thì lại có 2 3 con nai đực khác trẻ hơn quay lui xông vào tấn công Bấc, giúp cho gã nai đực bị thương có thể trở lại theo đàn.

Có 1 thứ tính kiên nhẫn của hoang dã - rất bền bỉ không biết mệt mỏi, gan lì như chính bản thân sự sống vậy - thứ tính kiên nhẫn đã giữ cho con vật chờ mồi im phăng phắc từ giờ này sang giờ khác như trong thời gian vô tận: con nhện giữa cái mạng tơ, con rắn trong tư thế cuộn vòng, con báo tại nơi mai phục; cái thứ kiên nhẫn này là thuộc tính của sự sống khi sự sống săn bắt 1 sự sống khác làm thức ăn cho mình; và thứ kiên nhẫn này cũng là thuộc tính của Bấc khi Bấc bám riết bên sườn đàn nai, cản trở làm chậm cuộc hành quân của chúng, chọc tức những con nai đực trẻ, quấy rày những con nai cái với lũ nai choai lẽo đẽo theo sau, và làm cho gã nai đực bị thương kia phát điên lên trong cơn thịnh nộ bất lực. Trong suốt nửa ngày trời, sự việc cứ thế tiếp diễn, Bấc tăng cường độ của mình lên gấp bội, tấn công từ mọi phía, vây bọc lấy đàn nai trong 1 cơn lốc đe doạ, tìm cách tách nạn nhân của nó ra khỏi đàn mỗi khi gã vừa kịp trở lại nhập bọn với lũ nai đàn, làm hao kiệt dần sự kiên nhẫn của những sinh vật bị săn vốn không bền bỉ được bằng sự kiên nhẫn của những sinh vật đi săn.

Ngày tàn dần và ông mặt trời tụt xuống nơi yên nghỉ của mình phía chân trời Tây Bắc (mấy hôm nay bóng tối đã lại quay về nơi đây, và đêm mùa thu kéo dài 6 tiếng). Những chàng nai đực trẻ mỗi lúc 1 miễn cưỡng hơn trong việc quay lui hỗ trợ cho gã nai đầu đàn bị vây hãm. Mùa đông đang lan xuống dần, thúc chúng mau chân đi tới những rẻo đất thấp hơn, vả lại chúng thấy hình như chúng không bao giờ có thể tống khứ đi được cái sinh vật không hề biết mệt mỏi kia đang kìm chân chúng lại. Hơn nữa không phải là tính mệnh của cả đàn hay tính mệnh của lũ nai đực trẻ bị đe doạ, mà chỉ có 1 thành viên của đàn bị đòi nộp mạng, điều đó không đáng quan tâm bằng chính cái mạng của chúng, và thế là cuối cùng chúng bằng lòng nộp món tiền mãi lộ ấy.

Khi bóng hoàng hôn trùm xuống, gã nai đực già đứng lặng, đầu cúi thấp, đưa mắt dõi theo những bạn cùng đàn - những nàng nai cái mà gã đã thân thuộc, những bé nai con mà gã đã sinh ra, những chàng nai trẻ mà gã đã thống lĩnh - trong khi chúng lóng ngóng bước gấp trong ánh chiều đang mờ dần. Gã không thể chạy theo bởi vì trước mũi gã cái mối đe doạ khủng khiếp có răng nanh không thương xót kia vẫn cứ nhảy nhót, không chịu buông tha gã. Gã nặng đến hơn 600 ký, gã đã sống 1 cuộc đời dài và dũng mãnh, đầy chiến đấu và vật lộn, thế mà cuối cùng gã lại đối mặt với cái chết nơi hàm răng của 1 sinh vật mà cái đầu vượt chưa qúa khuỷu đầu gối to lớn của gã.

Từ lúc đó, suốt đêm suốt ngày, Bấc không bao giờ rời khỏi con mồi của mình, không bao giờ cho nó 1 giây phút nào nghỉ ngơi, không bao giờ để cho nó gặm được tí lá cây nào hoặc tí chồi non nào của những cây bulô và liễu mới mọc. Bấc cũng không để cho gã nai bị thương có 1 cơ hội nào để làm dịu cơn khát cháy họng. Trong tình cảnh tuyệt vọng, gã nai thường đột nhiên vùng chạy những thoi dài. Những lúc ấy Bấc không tìm cách chặn gã lại, mà cứ ung dung chạy những bước dài nhún nhảy nhịp nhàng bám sát gót gã, hài lòng với kiểu chơi cái trò ấy, rồi khi gã nai đứng lặng thì nó nằm xuống nghỉ, khi gã cố gắng tìm cách để ăn hoặ uống thì nó tấn công gã ác liệt.

Cái đầu to tướng mỗi lúc 1 gục xuống thấp hơn dưới bộ ngực đồ sộ, và bước chạy lóng ngóng mỗi lúc 1 yếu dần đi. Gã đã phải đứng lặng hồi lâu, mũi chúc xuống đất, đôi tai chán nản cụp xuống ủ rũ; và Bấc nhờ đó có thêm thời gian để bản thân mình kiếm nước uống và nghỉ xả hơi. Giữa những lúc này, trong khi nằm thở hổn hển, chiếc lưỡi đỏ tươi thè dài và đôi mắt đan chặt vào con nai đực to lớn, Bấc bỗng cảm thấy hình như có 1 sự thay đổi nào đó đang diễn ra trên bộ mặt của mọi vật. Nó cảm thụ được 1 sự xáo động mới lạ truyền lan qua miền này. Trong thời gian lũ nai sừng kéo đến nơi đây, có những loài khác của sự sống cũng đang kéo đến. Cả rừng cây, khe suối, và cả không khí nữa, hình như đều đang phập phồng vì sự có mặt của những loài đó. Bấc hoàn toàn tin vào các tín hiệu mách b o rằng những loài đó đã xuất hiện, không phải bằng mắt nhìn, hay tai ngeh, hay mũi ngửi mà bằng 1 thứ giác quan khác tinh tế hơn. Quả là nó chẳng nghe thấy gì, chẳng nhìn thấy gì, thế nhưng nó vẫn nhận ra là miền đất này có cái gì khang khác, có những vật lạ đang hoạt động và đang đi lùng khắp nẻo; và nó quyết định sẽ tìm hiểu xem sao sau khi kết thúc cái việc đang làm dở.

Cuối cùng, đến hết ngày thứ 4, nó hạ được con nai to lớn đổ gục. Suốt 1 ngày và 1 đêm, nó ở lại đó bên con mồi nó đã giết được, ăn thịt nai rồi ngủ, quanh đi quẩn lại tại chỗ. Thế rồi, sau khi đã được nghỉ ngơi, tỉnh táo khoan khoái và sung sức, nó quay đầu trở về khu trại với Giôn Thoóctơn. Nó sải chân, nhảy những bước dài nhịp nhàng thoải mái, cứ thế chạy miết từ giờ này sang giờ khác, không bao giờ phải lúng túng tìm lối đi giữa tầng tầng lớp lớp rối rắm phức tạp của núi rừng, nhằm thẳng hướng về trại qua mọi miền đất lạ, à xác định phương hướng với 1 sự tin chắc chính xác đáng để cho con người và chiếc kim nam châm của mình phải lấy làm hổ thẹn.

Càng đi tới, Bấc mỗi lúc 1 nhận thấy rõ hơn sự xáo động mới lạ trong miền này. Khắp nơi đang có 1 sự sống nào đó khác với sự sống đã từng có ở đây trong suốt mùa hè qua. Không còn chỉ là tin vào sự kiện đó qua 1 sự cảm thụ tinh tế và huyền bí nữa. Kìa lũ chim chóc đang bàn tán về điều đó, những chú sóc đang kháo nhau xôn xao và cả làn gió nhẹ nữa cũng đang thì thào mách bảo. Đã mấy lần Bấc dừng lại, hít những hơi dài giữa luồng không khí tươi mát buổi sáng, và đọc thấy 1 tín hiệu truyền đến khiến nó càng vọt tới gấp bước nhanh hơn. Trong lòng nó nặng trĩu 1 cảm giác là có 1 mối tai hoạ sắp xảy ra; và khi nó vượt qua đường phân nước cuối cùng rồi tụt xuống khoảng thung lũng dẫn về phia khu trại, nó tiến tới 1 cách thận trọng hơn.

Cách khu trại 3 dặm, nó chợt thấy 1 lối mòn mới, khiến cho lông cổ nó cuộn lên như sóng và dựng ngược. Cái lối mòn ấy dẫn thẳng tới phía trại, tới phía Giôn Thoóctơn, Bấc hối hả chạy, vừa phóng nhanh vừa lén lút giấu mình, mọi dây thần kinh căng thẳng, cảnh giác chú ý đến vô vàn chi tiết đang thuật lại 1 câu chuyện - gần như đến lúc kết thúc. Giác quan của mũi nó tường thuật cho nó 1 bước đi qua của cái sự sống mới lạ mà nó đang bám đuổi theo sát gót. Nó để ý thấy sự im lặng đầy ý nghĩa của núi rừng. Cuộc sống của chim chóc đã vắng teo. Những chú sóc đã lẩn trốn đi đâu cả. Nó chỉ thấy có mỗi 1 chú - 1 chú sóc xám mượt mà, nằm bép gí dán mình vào 1 cành cây khô cũng màu xám, trông chú như là 1 phần của cành cây ấy, như 1 cái bướu gỗ nhô lên trên thân gỗ.

Trong khi Bấc lướt tới âm thầm như 1 cái bóng mũi nó bỗng nhiên bị giật mạnh sang 1 bên như thể có 1 lực thực sự nào đó đã chộp lấy và kéo sang. Nó vội bám theo cái mùi mà nó vừa đánh hơi thấy, lần vào 1 bụi rậm và nhìn thấy Ních. Ních đã chết sau khi lết được vào đó, xác nằm nghiêng, 1 mũi tên xuyên qua thòi cả đầu và đoạn đuôi cắm lôgn chim ra 2 bên mình nó.

Chạy thêm độ được khoảng 100 mã, Bấc bắt gặp 1 trong những con chó kéo xe mà Thoóctơn đã mua ở Đoxân. Con chó này đang vật vã trong cơn giẫy chết ngay trên vệt đường mòn. Bấc chạy vòng qua bên nó không dừng lại. Từ phía khu trại vẳng đến tiếng lao xao của nhiều giọng người, khi trầm khi bổng trong 1 điệu hát đều đều ê a. Trườn lên phia trước đến rìa bãi trống, Bấc chợt thấy Hendơ nằm sấp mặt xuống đất, trên mình tua tủa những mũi tên trông như con chim. Ngay lập tức, Bấc đảo mắt về phía vốn có chiếc lán làm bằng cành bách, và thốt nhìn thấy 1 cảnh tưởng khiến cho lông trên cổ và vai nó bật thẳng lên dựng đứng. 1 cơn điên giận không thể nén nổi bùng lên trong đầu nó. Nó gầm lên 1 tiếng hung tợn và khủng khiếp, mà bản thân không hay biết là mình đã để bật ra tiếng gầm như vậy. Đây là lần cuối cùng trong đời nó Bấc đã để cho xúc cảm lấn lát mất khôn ranh và lý trí. Chính vì lòng thương yêu nồng cháy của nó đối với Giôn Thoóctơn nên nó không tự chủ nổi.

Bọn người da đỏ thuộc bộ tộc Yhét được nhảy múa quanh đống đổ nát của chiếc làn làm bằng cành bách bỗng nghe 1 tiêng rống ghê rợn và nhìn thấy 1 con vật đâm bổ vào chúng, 1 loại thú vật chúng chưa từng nhìn thấy bao giờ. Đó là Bấc, 1 luồng bão tố giận dữ biểu hiện thành sự sống, lao mình vào chúng trong 1 cơn cuồng loạn chỉ quyết huỷ diệt. Nó nhảy xổ vào 1 tên mà nó thấy là nổi bật nhất (đó chính là thủ lĩnh của đám người Yhét), cắn rách toang cổ họng y cho đến khi máu ùng ục tuôn ra như suốit từ mạch máu cổ bị xé nát. Bấc không dừng lại để tiếp tục nhay xé tên này, mà cứ vọt tới, vừa phóng qua vừa cắn xe, thêm 1 bước nữa là xé rạch toan họng thêm 1 tên thứ 2. Không có gì chống lại được nó. Nó cứ thế nhào lộn ngay giữa bọn chúng, cắn toạc, xé nát, huỷ diêt, chuyển động vùn vụt, khủng khiếp, bất chấp những mũi tên mà chúng bắt loạn xạ vào nó. Thực tế là vì những động tác của bấc nhanh đến mức không thể lường được và vì bọn người da đỏ dồn đống lại túm tụm với nhau rối bời cả lên, nên những mũi tên chúng phóng ra đều bắn cả vào người nhau; và 1 ngọn giáo trong tay 1 gã trai trẻ nhắm phóng vào Bấc, trong khi Bấc đang lao giữa không trung lại cắm phập vào ngực 1 tên khác, mũi giao đâm mạnh đến nỗi nó xuyên hẳn qua thòi ra sau lưng tên này. Thế là bọn người Yhét rú lên khiếp đảm, kinh hoàng tháo chạy vào rừn, vừa chạy vừa kêu ầm lên là Hung Thần hiện hình.

Và quả thực Bấc là quỷ dữ hiện thân, điên giận bám sát gót chúng và quật ngã chúng như quật ngã hươu nai trong khi chúng chạy bán sống bán chết qua giữa rừng cây. Thậ là 1 ngày thảm khốc đối với bọn người Yhét. Chúng bỏ chạy tan tác ra khắp nơi trong miền, mãi đến 1 tuần sau bọn sống sót mới tập hợp lại được trong 1 thung lũng thấp hơn và điểm xem ai còn ai mất. Còn Bấc, sau khi truy đuổi đến chán chê mêt mỏi, nó quay trở về khu trại tiêu điều hoang vắng. Nó tìm thấy xác Pti bị giết ngay trong giây phút bất ngờ đầu tiên giữa lúc anh còn nằm trong chăn. Dấu vết của cuộc vật lộn tuyệt vọng của Thoóctơn còn in rành rành trên mặt đất, và Bấc đánh hơi theo từng chi tiết của cuộc vật lộn ấy cho đến tận mép 1 cái nơ sâu. Ven bờ ao là xác của Xkít, đầu và 2 chân trước chúi ngập trong nước trung thành với chủ cho đến phút cuối cùng. Chính trong cái ao này đây, làn nước lầy bùn và vẩn đục vì đất gột ra từ các máng đãi vàng chắc chắn đang che kín cái mà nó chứa đựng, và chính nó đang chứa đựng Giôn Thoóctơn không sai. Bởi vì Bấc đánh hơi theo vết của anh đến tận mặt nước này, và đến đây là hết, không còn 1 dấu vết nào từ đây đi chỗ khác nữa.

Suốt ngày Bấc ủ ê thẫn thờ bên bờ ao hoặc bồn chồn đi lang thang quanh quẩn giữa khu trại. Cái chết, 1 sự ngừng cử động, 1 sự mất đi khỏi cuộc sống của vật đang sống, Bấc biết như vậy, và Bấc biết là Giôn Thoóctơn đã chết. Cái chết đó để lại 1 nỗi trống trải lớn trong lòng nó, phần nào giống như cơn đói, nhưng là 1 nỗi trống trải gây đau đớn, đau đớn mãi, mà thức ăn nuốt vào bao nhiêu cũng không lấp kín được. Đôi lúc, khi nó đứng lại lặng ngắm những xác chết của bọn người Yhét, nó quên được nỗi đau đớn đi; những lúc ấy nó cảm thấy 1 niềm tự hảo lớn về bản thân mình - lớn hơn bất kỳ niềm tự hào nào mà nó đã từng cảm thấy. Xưa nay, nó đã giết chết con người, loại con thịt cao quý hơn tất cả, và nó đã giết được mặc dầu có luật của dùi cui và răng nanh. Nó tò mò ít hít các xác chết. Chúng chết sao mà dễ dàng thế! Giết 1 con chó étkimô còn khó hơn giết chúng. Chúng chẳng xứng là đối thủ của Bấc tí nào cả, nếu không có những mũi tên ngọn giáo, dùi cui của chúng. Từ nay trở đi nó sẽ không sợ gì chúng nữa, trừ khi chúng cầm trong tay những mũi tên, những ngọn giáo, những dùi cui.

Màn đêm buông xuống, 1 mặt trăng tròn vành vạch nhô cao vượt khỏi vòm cây lên giữa bầu trời, ánh trăng trải dần xuống cho đến khi mặt đất chan hoà 1 ánh bạc ma quá. Cùng với bóng đêm vừa đến, trong khi quanh quẩn thẫn thờ đau buồn cạnh bờ ao, Bấc bỗng nhận thấy 1 thứ xáo động khác của sự sống mới lạ trong rừng, khác với sự xáo động của bọn người Yhét. Nó đứng dậy, lắng nghe và đánh hơi. Từ xa văng vẳng vọng lại 1 tiếng kêu lanh lảnh, rồi 1 loạt tiếng kêu cũng lanh lảnh như vậy đồng thanh nối theo. Trong giây lát, những tiếng kêu đó dần dần gần lại và to lên. 1 lần nữa, Bấc lại nhận ra ngay, đó là những tiếng mà Bấc đã từng nghe trong cái thế giới trước kia, cái thế giới vẫn còn dai dẳng bám diết lấy ký ức của nó. Nó bước ra chính giữa bãi trống và lại lắng tai nghe. Đúng rồi, chính là cái tiếng gọi ấy, cái tiếng gọi có nhiều âm tiết đang vang lên với 1 sức quyến rũ và bức bách mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Và cũng hơn bao giờ hết, Bấc sẵn sàng tuân theo tiếgn gọi, Giôn Thoóctơn đã chết rồi. Mối dây ràng buộc cuối cùng đã đứt. Con người và những đòi hỏi của con người không còn giữa nó lại được nữa.

Trên đường săn đuổi món mồi sống, cùng trong lúc bọn người Yhét cũng đang săn đuổi món mồi thịt ấy bầy sói bám theo bên sườn đàn nai di trú, cuối cùng đã từ vùng đất có nhiều cây to và nhiều khe suối kéo sang rồi tràn vào thung lũng của Bấc. Như 1 dòng nước lũ màu ánh bạc, chúng đổ vào bãi trống chan hoà ánh trăng. Chính giữa bãi trống, Bấc đứng yên lặng như 1 pho tượng, chờ chúng đến. Chúng kính sợ, bởi Bấc đứng đấy trông sừng sững im lặng quá, to lớn quá. 1 giây lát ngập ngừng chững lại, cho đến khi 1 con táo tợn nhất trong lũ sói chồm thẳng vào Bấc. Nhanh như chớp Bấc đón đánh, cắn gẫy cổ đối thủ. Rồi nó lại đứng yên như cũ, không mảy may cử động, con sói bị hạ lăn lộn giẫy chết đằng sau nó. 3 con sói khác liên tiếp dồn dập cố xông vào; nhưng con này tiếp con khác lại phải lùi ra, máu tuôn xối xả từ những vết toạc ở họng hoặc ở vai chúng.

Thế là đủ để kích động cả bầy sói ồ ạt lao tới, hỗn loạn, dồn đống lại, lộn xộn ngáng trở nhau vì cả bầy đều hăm hở muốn hạ con mồi. Sự nhanh nhẹn và lạ lùng kỳ diệu của Bấc thật là lợi hại cho Bấc lúc này. Trụ vào 2 chân sau, liên tục táp, liên tục xé, nó đối phó với khắp mọi phía cùng 1 lúc, dàn ra 1 thế trận rõ ràng là không bị phá vỡ, bởi nó quay lộn và phóng giữ hết bên này sang bên nọ nhanh như chớp. Nhưng để ngăn không cho chúng đến phía sau nó, nó buộc phải lùi dần, xuống quá bờ ao rồi vào lòng 1 con suối, cho đến khi đứng lại sát 1 vách sỏi cao. Nó men vách sỏi dịch đến 1 cái góc vuông do những người trong đoàn của Thoóctơn đào ra trong lúc tìm vàng và trong cái góc ấy nó bám trụ lại để chống giữ, 3 phía đều được che đỡ, chỉ còn phải đương đầu với phía trước.

Và nó đã đương đầu giỏi đến nỗi chỉ sau nửa tiếng đồng hồ, lũ sói phải chịu thua lùi lại. Những cái lưỡi thè dài, những chiếc nanh nhe ra trắng nhởn đầy vẻ hung ác dưới ánh trăng. 1 số con nằm xuống, ngẩng đầu, tai vểnh về phía trước; 1 số con khác đứng thẳng quan sát Bấc; lại có những con xuống tớp nước uống ở dưới ao. Bỗng 1 con sói thân dài, gầy guộc lông xám, thận trọng tiếng lên với 1 dáng bộ thân thiện, và Bấc nhận ra kẻ anh em nơi hoang dã đã cùng chạy sóng đôi với Bấc suốt 1 đêm và 1 ngày hôm nọ. Hắn khe khẽ kêu ư ử, và khi Bấc cũng ư ử đáp lại, chúng hít mũi nhau.

Rồi 1 con sói già, có vẻ dữ tợn và đầy vết sẹo chiến đấu, bước tới. Bấc nhếch mép chuẩn bị lên tiếng gầm gừ, nhưng lại thôi, và hít mũi với gã. Thế là gã sói già ngồi xuống, ngếch mõm lên vừng trăng, cất cao tiếng hú dài của loài sói. Những con sói khác cũng ngồi xuống và hú theo. Bây giờ thì tiếng gọi đến với Bấc đã rõ ràng, với những âm sắc không thể nào nhầm lẫn được Bấc cũng như chúng, ngồi xuống và cất tiếng hú. Dứt tiếng, Bấc bước ra khỏi cái góc của mình. Bầy sói xúm lại quanh nó, hít hít nó với thái độ nửa thân thiện, nửa dữ tợn. Rồi những con đầu bầy cất cho tiếng gọi bầy, và bật dậy, phóng vào rừng. Cả bầy sói đồng thanh kêu lên, cất bước nhịp nhàng nối theo sau. Và Bấc chạy theo chúng, sóng đôi bên con sói hoang anh em, vừa chạy vừa cất tiếng kêu theo.

Đến đây, câu chuyện về Bấc đáng ra có thể kết thúc. Năm tháng trôi qua chưa nhiều lắm thì bỗng những người Yhét nhận ra 1 sự đổi thay ở loài soi xám trong rừng cho thấy 1 số con có những đốm nâu trên đầu và mõm, có 1 vệt lông trắng chạy dọc xuống giữa ức. Nhưng có 1 điều còn đáng chú ý hơn, là những người Yhét kháo nhau về 1 con Chó Thần luôn chạy dẫn đầu bầy sói. Họ kinh sợ con Chó Thần này, vì nó khôn ranh hơn họ, ăn trộm các thứ ở các lán trại của họ trong những mùa đông khắc nghiệt, đánh cắp những đồ dùng của họ, giết chết chó của họ, và coi thường cả những người thợ săn dũng cảm nhất của họ.

Chưa hết, câu chuyện còn diễn biến xấu hơn. Thợ săn có kẻ ra đi rồi không trở về trại nữa, mà thợ săn cũng đã có kẻ mà bà con trong bộ lạc tìm thấy xác giữa rừng, họng bị xé rách toang 1 cáhc thảm khốc, và trên mặt tuyết xung quanh các xác chết còn hằn những vết chân sói to hơn bất ky vết chân sói nào mà họ đã từng thấy. Mỗi độ thu về, khi những người Yhét bám theo bước chân di trú của đàn nai, thì có cái thung lũng nọ là họ không bao giờ dám bén mảng tới. Và đàn bà có kẻ đã mặt ủ mày châu khi quanh bếp lửa người ca truyền miệng về sự thể làm sao mà Hung Thần đã chọn cái thung lũng kia làm nơi trú ngụ.

Tuy nhiên, vào những ngày hè, vẫn có 1 kẻ đến thăm cái thung lũng ấy người Yhét không hay biết. Đó là 1 gã sói to lớn, khoắc bộ áo lông đẹp lộng lẫy trông gã giống mà lại cũng không giống tất cả những con sói khác. Gã đi 1 mình, từ vùng đất tươi đẹp có nhiều cây to sang đây, rồi chạy xuống 1 cái bãi trống giữa rừng. Nơi đây có 1 dòng suối màu vàng chảy ra từ những chiếc túi da nai đã mục nát rồi biến hút vào lòng đất, cỏ dài mọc đan qua và rêu xanh lan đầy che kín màu vàng của nó khuất dưới ánh mặt trời, và nơi đây gã trầm ngâm đứng lặng hồi lâu, rồi rú lên 1 tiếng hú dài và thảm thiết, trước khi gã ra đi.

Nhưng không phải bao giờ gã cũng đi 1 mình. Khi những đêm đông dài kéo về và lũ sói bám theo mồi thịt xuống những thung lũng thấp, người ta có thể nhìn thấy gã chạy dẫn đầu bầy dưới ánh trăng nhợt nhạt hoặc trong ánh bắc cực quáng mờ ảo, nhảy những bước dài phi thường vượt hẳn bạn cùng bầy từ cổ họng to lớn của gã phát ra âm thanh vang dội khi gã hát lên 1 bài ca của thế giới hoang sơ, bài ca của bầy sói.

Hết.