Một gian nhà trống vắng, chỉ còn lại hai bóng người vào ra. Đàn con thơ ngày nào đã lớn, chúng đã cất cánh bay theo cuộc đời.Đợi chờ gì khi chúng là niềm hy vọng, niềm tự hào của cả một gian nhà. Ta sống là để đền đáp niềm tự hào ấy. Ta sống là để báo công sinh thành, dưỡng dục của mẹ cha. Để không còn nữa cảnh hai người đơn độc trong căn nhà nhỏ. Ta Sẽ Trở Về !
Điện Biên _ Niềm Kiêu Hãnh Thế Gian.

Thứ Tư, 4 tháng 11, 2015

Hội nhập TPP: câu chuyện năng suất lao động và ….


Câu chuyện hội nhập đã được nhắc đến từ lâu, nhưng nó chưa bao giờ cũ. Chúng ta liệu đã sẵn sàng cho việc hội nhập quốc tế. Khi mà trong bất cứ quan điểm nào của Đảng và Nhà nước ta về mọi vấn đề liên quan đến kinh tế - xã hội nói chung đều nhấn mạnh đến một điều: hội nhập quốc tế. Nhưng chúng ta hội nhập đến đâu và làm được gì trong cái công cuộc hội nhập ấy. Nobi có đọc trên vài trang báo đưa lại quan điểm của một ông nào đó rằng: Việt Nam ta đàm phán gia nhập các hiệp định thì rất giỏi, nhưng chẳng làm gì nhiều cho cái hiệp định ấy nó thực sự tốt cho người dân. Là bởi nền sản xuất của chúng ta thực sự chưa tốt, nếu không nói là quá yếu. Một chủ đề đang được nêu ra, đó là chuyện Lào và Cam-pu-chia đang vượt chúng ta trong một số tiêu chí, năng lực cạnh tranh chẳng hạn. Các vị quan chức của chúng ta có lo không, giải quyết nó như thế nào. Khi mà nền kinh tế đang dần chững lại.
Trong cuốn Tại sao các quốc gia thất bại, hai tác giả D. Acemoglu và J.A. Robinson đã cho rằng, một quốc gia kém phát triển, một nền kinh tế yếu là do thể chế chính trị đang điều hành quốc gia đó. Và sự thật đúng là như vậy.
Trở lại câu chuyện năng suất lao động, nhiều người đã phản ứng khi các thống kê cho thấy năng suất lao động của Việt Nam bằng 1/15 Singapore, 1/5 Malaysia, 2/5 Thái Lan. Nhưng dù có biện minh thế nào đi chăng nữa, chúng ta phải chấp nhận sự thật ấy và tìm cách khắc phục nó. Nguyên nhân thì có nhiều, chúng ta sẽ đề cập đến nó sau, nhưng phải đồng ý rằng, nguyên nhân chủ yếu là do thể chế điều hành đất nước của chúng ta còn quá nhiều yếu kém.
Ví dụ, trong ngành chăn nuôi chẳng hạn, tờ báo Cafebiz.vn đã dẫn ra rằng, năng suất của nông dân Việt chỉ bằng 1/20 nông dân Hoa Kỳ. Tờ báo này đưa ra ví dụ: ở Hoa Kỳ chỉ cần 1 người để nuôi 1000 con lợn, còn Việt Nam là 15 – 20 người. Rồi 1 người Thái Lan có thể quản lý trang trại 20.000 con gà công nghiệp, còn ở nước ta 1 người chỉ có thể quản lý được 5000 con.
Hay như câu chuyện thương hiệu, ông Samir Dixit - Giám đốc Vùng Châu Á – Thái Bình Dương của công ty định giá thương hiệu Brand Finance đã hỏi rằng khi mà Mỹ có Apple, Nhật có Honda, Sony, Ý có Guuci…. Vậy Việt Nam có gì để thế giới biết đến ngoài tà áo dài và chiếc nón bài thơ. Chúng ta có gì? Ngoài những thương hiệu như Trung Nguyên, Vinamilk,… Cũng theo đánh giá của Brand Finance thì tổng giá trị thương hiệu của top 50 thương hiệu Việt chưa bằng 1 nửa giá trị của 1 thương hiệu của Malaysia.
Cái khẩu hiệu "Người Việt dùng hàng Việt" có thể đem lại một chút tác động tích cực đến những doanh nghiệp Việt Nam. Cũng là hàng nhái, tại sao ta cứ dùng hàng Tàu làm gì, chúng ta cũng có ở Vĩnh Phúc cơ mà - ấy là thông tin mà một người bạn làm bên quản lí thị trường của Nô cho biết vậy. Hay trở lại chuyện cái đèn pin dạo trước, quả thật ở cái siêu thị ấy, lượng đèn pin Việt chỉ vài ba cái, quá ít so với cả trăm cái đèn TQ được bày trên kệ hàng. Ấy là chưa kể, những hàng tiêu dùng khác, Nô đi chợ chỉ chọn những cái nào made in Việt Nam mà thôi, dù nhìn nó có kém hơn một tí. Nhưng một người mua thì có thể không ảnh hưởng nhiều đến doành nghiệp, nhưng bạn thử tưởng tượng xem, con dân nước Việt hàng triệu triệu người, ai cũng chỉ mua hàng Việt Nam sản xuất (dĩ nhiên trừ những cái mà ta chưa làm được) thì kinh tế Việt sẽ vang xa đến tận đâu, không khéo lại làm cho Singapore mơ giấc mơ Sài Gòn năm nào ấy chứ. Mà khi kinh tế ta mạnh, thì liệu lão hàng xóm to xác có còn dám vác tàu vào biển của ta nữa hay không.
Đấy! Có thể người ta sẽ gọi nó là hòa nhập chứ không hòa tan là ở chỗ ấy.

Nhưng người làm kinh doanh không thể dựa vào việc khách hàng tự tìm đến được, mà là phải làm sao để khách hàng tự tìm đến mình. Có rất nhiều doanh nghiệp trẻ người Việt đã làm được điều ấy, và biết đâu mai này, Nô sẽ không còn ngồi viết linh tinh vớ vẩn thế này nữa, mà đang bận rộn cái chuyện làm nên thương hiệu nào đó cho nước Việt mình được rạng mặt nở mày ấy chứ. 

Thứ Hai, 26 tháng 10, 2015

Một góc nhìn về việc những người trẻ được bổ nhiệm trong thời gian qua


Trước thềm Đại Hội Đảng XII (ĐHĐ 12), đã có nhiều cán bộ trẻ được bổ nhiệm vào BCH Đảng bộ của nhiều tỉnh, thành. Trong đó có những cán bộ trẻ, danh sách theo như Nobi thống kê thì có vài nhân vật đáng chú ý dưới đây:
- Ông Nguyễn Minh Triết, 25 tuổi (con ông Nguyễn Tấn Dũng) được bầu vào BCH Đảng bộ tỉnh Bình Định
- Ông Nguyễn Bá Cảnh, 32 tuổi (con ông Nguyễn Bá Thanh) được bầu vào BCH Đảng bộ Đà Nẵng
- Ông Nguyễn Xuân Anh, 39 tuổi (con ông Nguyễn Văn Chi) được bầu làm bí thư thành ủy thành phố Đà Nẵng.
- Ông Nguyễn Thanh Nghị, 39 tuổi (con ông Nguyễn Tấn Dũng) được bầu làm bí thư tỉnh ủy tỉnh Kiên Giang
Điểm chung của những nhân vật này là đều còn trẻ và đều là con của những người đã và đang giữ những chức vụ quan trọng của đất nước.
Chúng ta hay nghe nhiều những câu như: 4C (con cháu các cụ), hay nhất quan hệ, nhì tiền tệ, một người làm quan, cả họ được nhờ… để nói lên thế chế xin – cho trong chốn quan trường hiện nay. Chúng ta đã thấy có những tỉnh, những huyện, những xã có những vị trí mà hầu hết là đều có mối quan hệ họ hàng trong đấy. Mà huyện Mỹ Đức – Hà Nội là một ví dụ.
Có rất nhiều hệ lụy trong việc tuyển dụng 4C vào các cơ quan công quyền. Nhưng trong bối cảnh đất nước đang chất đầy những khó khăn như hiện nay. Từ việc nền kinh tế yếu kém cả về sản xuất lẫn năng lực, nguồn tiền thì đang dần cạn kiệt. Cứ nhìn vào những gia đình bỗng chốc giàu lên nhờ bán đất hay giải phóng mặt bằng, để rồi khi tiêu hết tiền thì trở lại với kiếp nghèo. Chả nhẽ đất nước cứ mãi thế thôi sao.
Trở lại vấn đề chính, những người trẻ ở trên, được bổ nhiệm vào ban lãnh đạo của những tỉnh được coi là trọng điểm của đất nước, dẫu sao cũng cho chúng ta một chút hy vọng. Bởi vì, cứ nhìn trường hợp của Nông Quốc Tuấn, khi thực tài không có thì sẽ không thể leo cao hơn được. Dẫu rằng, khoảng thời gian giữ chức cũng sẽ làm mất đi sự phát triển của tỉnh đó.
Trước tiên, hãy nói về bằng cấp của những cán bộ trẻ này.
- Nguyễn Minh Triết: Thạc sĩ ngành kỹ thuật hàng không chế tạo tại Đại học Brunel (Anh) 
- Nguyễn Thanh Nghị: Tiến sĩ ngành Kỹ sư công chính tại Đại học George Washington, Hoa Kỳ
- Nguyễn Xuân Anh:  Tiến sĩ Quản trị kinh doanh (Nobi có tìm hiểu nhưng hiện chưa biết ông nay học ở đâu, trường nào? Chỉ biết là ông này cũng đi du học nước ngoài)
- Nguyễn Bá Cảnh: Thạc sĩ quản trị công ở Anh quốc.
Như vậy, những nhân vật trên đều được đào tạo một cách bài bản, đều có khả năng, và theo đánh giá chủ quan của tôi, là có một phần thực tài ở trong đó. Họ là những nhân vật đã được đi ra nước ngoài, được chứng kiến sự phát triển và cơ chế của những quốc gia phát triển. Hơn nữa, họ cũng hiểu những mưu mô chính trị trong thể chế ở Việt Nam thông qua môi trường gia đình. Và một điều nữa, theo Nobi, đó là khi bố mẹ những nhân vật này (tiền đã không còn là vấn đề nữa- hay có thể nói là tham đã đủ rồi) đưa con cái họ vào chỉ vì danh gia vọng tộc của gia đình. Và họ sẽ có cách nhìn mới về cơ chế, về thể chế, về tương lai của đất nước. Chứ không bảo thủ, gò mình trong khuôn phép như thế hệ cha ông của họ nữa.
Nhưng THỜI GIAN mới là câu trả lời chính xác hơn cả.


Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2015

Tâm huyết, nhiệt huyết với cái nghề



Ralph Waldo Emerson (một triết gia người Mỹ) có lần đã nói: “Thế giới thuộc về những ai sống có nhiệt huyết, say mê và có khát vọng cháy bỏng”. Quả thật như vậy, trong bất cứ công việc nào thì lòng nhiệt huyết, say mê luôn luôn là một phẩm chất cần phải có để người lao động đạt được hiệu quả cao trong công việc mà mình đang làm. Nhất là đối với nghề giáo, nghề dạy người, chúng ta dạy học vì chúng ta thực sự thích thú với công việc mà mình đang làm. Chỉ khi ta thực sự có tâm huyết, có lòng nhiệt huyết với nghề, thì khi ấy ta mới thấy được niềm vui sướng khi hoàn thành một ngày làm việc hiệu quả, khi được chia sẻ những cuốn sách hay, khi truyền đạt những điều bổ ích hay chỉ đơn giản là cảm giác: thấy mình quan trọng trong cuộc sống. Và coi đó là sứ mạng của cuộc đời mình. Giống như nhà văn nổi tiếng Jack London đã viết: "Sứ mạng chân chính của con người là sống, chứ không phải là tồn tại". Và chính những điều đó làm chúng ta say mê, thích thú với nghề. 

Thứ Năm, 22 tháng 10, 2015

Chuyện cái đèn Pin

Xin chào, hôm nay Nobi ngồi chơi mà chưa nghĩ được cái gì để viết cả. Các bạn gợi ý cho Nobi đi.
Thôi thì Nobi kể câu chuyện đi mua cái đèn pin ở siêu thị Ba Hoa. Lục tung cả đống đèn pin thì chỉ thấy khoảng 3 cái G8 của Việt Nam ta sản xuất thôi. Còn lại toàn made in Tung Của cả. Thế mới biết, hàng Việt vẫn có những lúc rất là khan hiếm, dù chúng ta kêu gọi người Việt dùng hàng Việt. Cũng phải nói thêm, là Nobi sau khi lục tìm mãi đang thất vọng vì không thấy cái đèn Việt Nam nào thì thấy cái G8 đấy thế là mua luôn. Bản thân Nobi đang dần thay thế những vật dụng hàng ngày của mình bằng toàn đồ Việt, hạn chế dùng đồ của nước khác. (Không chỉ riêng gì của Tàu khựa đâu nhé-mà đồ hiệu của Âu châu thì mắc quá, sao mua nổi chứ (^_^)…) Nói là hạn chế là bởi vì có quá nhiều thứ Việt Nam chưa sản xuất được, cũng một phần lỗi là của Nobi, khi không chịu đi tìm tòi sáng tạo, sáng chế mà cứ ngồi chây lì ở đây viết vớ vẩn. Hỏi sao đất nước giàu được, Nobi có lỗi nhiều lắm.
Đặc biệt là những mặt hàng công nghệ, điện thoại của anh Quảng thì nó còn ngoài tầm túi tiền của Nobi, chứ không Nobi cũng mua rồi. Ai khen chê cũng kệ chứ. Laptop thì chắc đợi Nobi làm cái Start-up đã nhỉ. Chắc là chỉ có trong chuyện cổ tích thần tiên thôi, mà thực tế có đầy chuyện cổ tích đấy thôi. Ai thành công cũng đều tài giỏi cả.



Thứ Năm, 15 tháng 10, 2015

XIN LỖI …


Xin lỗi mặt trời tôi dậy muộn
Để ngày lên thiếu một nụ cười
Phố xá thiếu vòng xe hò hẹn
Cây lá buồn thiếu tiếng reo vui.

Xin lỗi bạn bè tôi lơ đãng
Đã lâu không gặp gỡ đôi lần
Cứ mãi cuốn trôi theo ngày tháng
Xa lạ chính mình…xa lạ người thân.

Xin lỗi mùa thu bên khung cửa
Khẽ khàng mời gọi chuyện tương tư
Tôi đã bao lần tôi thất hứa
Tóc dài phai nhạt thoáng hương nhu.

Xin lỗi quê nhà tôi quên mất
Tiếng nước ao khua động cõi lòng
Chị tôi trong khói chiều cô độc
Bên cha mẹ già đánh mất thanh xuân.

Xin lỗi tình nhân em khờ dại
Thơ dại đi qua những cuộc tình
Mười năm khép lại mùa hư ảo
Chợt nhớ ra thì đã mất anh.

Xin lỗi thiên đường không có thật
Đã nhốt đôi ta suốt một đời
Thao thức trăng thề miền quá khứ
Mười năm không tròn nổi trăng ơi.

Xin lỗi mọi người…tôi xin lỗi
Đã sống vô tư giữa nói cười
Tha thứ dùm tôi ngày rất vội
Đâu còn thời khắc của đôi mươi. 


Bài thơ này Nô vô tình đọc được trên mạng. Và thấy cũng cần có lời xin lỗi với mọi người. Có cả Nô ở đấy nữa.