Một gian nhà trống vắng, chỉ còn lại hai bóng người vào ra. Đàn con thơ ngày nào đã lớn, chúng đã cất cánh bay theo cuộc đời.Đợi chờ gì khi chúng là niềm hy vọng, niềm tự hào của cả một gian nhà. Ta sống là để đền đáp niềm tự hào ấy. Ta sống là để báo công sinh thành, dưỡng dục của mẹ cha. Để không còn nữa cảnh hai người đơn độc trong căn nhà nhỏ. Ta Sẽ Trở Về !
Điện Biên _ Niềm Kiêu Hãnh Thế Gian.

Thứ Hai, 26 tháng 10, 2015

Một góc nhìn về việc những người trẻ được bổ nhiệm trong thời gian qua


Trước thềm Đại Hội Đảng XII (ĐHĐ 12), đã có nhiều cán bộ trẻ được bổ nhiệm vào BCH Đảng bộ của nhiều tỉnh, thành. Trong đó có những cán bộ trẻ, danh sách theo như Nobi thống kê thì có vài nhân vật đáng chú ý dưới đây:
- Ông Nguyễn Minh Triết, 25 tuổi (con ông Nguyễn Tấn Dũng) được bầu vào BCH Đảng bộ tỉnh Bình Định
- Ông Nguyễn Bá Cảnh, 32 tuổi (con ông Nguyễn Bá Thanh) được bầu vào BCH Đảng bộ Đà Nẵng
- Ông Nguyễn Xuân Anh, 39 tuổi (con ông Nguyễn Văn Chi) được bầu làm bí thư thành ủy thành phố Đà Nẵng.
- Ông Nguyễn Thanh Nghị, 39 tuổi (con ông Nguyễn Tấn Dũng) được bầu làm bí thư tỉnh ủy tỉnh Kiên Giang
Điểm chung của những nhân vật này là đều còn trẻ và đều là con của những người đã và đang giữ những chức vụ quan trọng của đất nước.
Chúng ta hay nghe nhiều những câu như: 4C (con cháu các cụ), hay nhất quan hệ, nhì tiền tệ, một người làm quan, cả họ được nhờ… để nói lên thế chế xin – cho trong chốn quan trường hiện nay. Chúng ta đã thấy có những tỉnh, những huyện, những xã có những vị trí mà hầu hết là đều có mối quan hệ họ hàng trong đấy. Mà huyện Mỹ Đức – Hà Nội là một ví dụ.
Có rất nhiều hệ lụy trong việc tuyển dụng 4C vào các cơ quan công quyền. Nhưng trong bối cảnh đất nước đang chất đầy những khó khăn như hiện nay. Từ việc nền kinh tế yếu kém cả về sản xuất lẫn năng lực, nguồn tiền thì đang dần cạn kiệt. Cứ nhìn vào những gia đình bỗng chốc giàu lên nhờ bán đất hay giải phóng mặt bằng, để rồi khi tiêu hết tiền thì trở lại với kiếp nghèo. Chả nhẽ đất nước cứ mãi thế thôi sao.
Trở lại vấn đề chính, những người trẻ ở trên, được bổ nhiệm vào ban lãnh đạo của những tỉnh được coi là trọng điểm của đất nước, dẫu sao cũng cho chúng ta một chút hy vọng. Bởi vì, cứ nhìn trường hợp của Nông Quốc Tuấn, khi thực tài không có thì sẽ không thể leo cao hơn được. Dẫu rằng, khoảng thời gian giữ chức cũng sẽ làm mất đi sự phát triển của tỉnh đó.
Trước tiên, hãy nói về bằng cấp của những cán bộ trẻ này.
- Nguyễn Minh Triết: Thạc sĩ ngành kỹ thuật hàng không chế tạo tại Đại học Brunel (Anh) 
- Nguyễn Thanh Nghị: Tiến sĩ ngành Kỹ sư công chính tại Đại học George Washington, Hoa Kỳ
- Nguyễn Xuân Anh:  Tiến sĩ Quản trị kinh doanh (Nobi có tìm hiểu nhưng hiện chưa biết ông nay học ở đâu, trường nào? Chỉ biết là ông này cũng đi du học nước ngoài)
- Nguyễn Bá Cảnh: Thạc sĩ quản trị công ở Anh quốc.
Như vậy, những nhân vật trên đều được đào tạo một cách bài bản, đều có khả năng, và theo đánh giá chủ quan của tôi, là có một phần thực tài ở trong đó. Họ là những nhân vật đã được đi ra nước ngoài, được chứng kiến sự phát triển và cơ chế của những quốc gia phát triển. Hơn nữa, họ cũng hiểu những mưu mô chính trị trong thể chế ở Việt Nam thông qua môi trường gia đình. Và một điều nữa, theo Nobi, đó là khi bố mẹ những nhân vật này (tiền đã không còn là vấn đề nữa- hay có thể nói là tham đã đủ rồi) đưa con cái họ vào chỉ vì danh gia vọng tộc của gia đình. Và họ sẽ có cách nhìn mới về cơ chế, về thể chế, về tương lai của đất nước. Chứ không bảo thủ, gò mình trong khuôn phép như thế hệ cha ông của họ nữa.
Nhưng THỜI GIAN mới là câu trả lời chính xác hơn cả.


Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2015

Tâm huyết, nhiệt huyết với cái nghề



Ralph Waldo Emerson (một triết gia người Mỹ) có lần đã nói: “Thế giới thuộc về những ai sống có nhiệt huyết, say mê và có khát vọng cháy bỏng”. Quả thật như vậy, trong bất cứ công việc nào thì lòng nhiệt huyết, say mê luôn luôn là một phẩm chất cần phải có để người lao động đạt được hiệu quả cao trong công việc mà mình đang làm. Nhất là đối với nghề giáo, nghề dạy người, chúng ta dạy học vì chúng ta thực sự thích thú với công việc mà mình đang làm. Chỉ khi ta thực sự có tâm huyết, có lòng nhiệt huyết với nghề, thì khi ấy ta mới thấy được niềm vui sướng khi hoàn thành một ngày làm việc hiệu quả, khi được chia sẻ những cuốn sách hay, khi truyền đạt những điều bổ ích hay chỉ đơn giản là cảm giác: thấy mình quan trọng trong cuộc sống. Và coi đó là sứ mạng của cuộc đời mình. Giống như nhà văn nổi tiếng Jack London đã viết: "Sứ mạng chân chính của con người là sống, chứ không phải là tồn tại". Và chính những điều đó làm chúng ta say mê, thích thú với nghề. 

Thứ Năm, 22 tháng 10, 2015

Chuyện cái đèn Pin

Xin chào, hôm nay Nobi ngồi chơi mà chưa nghĩ được cái gì để viết cả. Các bạn gợi ý cho Nobi đi.
Thôi thì Nobi kể câu chuyện đi mua cái đèn pin ở siêu thị Ba Hoa. Lục tung cả đống đèn pin thì chỉ thấy khoảng 3 cái G8 của Việt Nam ta sản xuất thôi. Còn lại toàn made in Tung Của cả. Thế mới biết, hàng Việt vẫn có những lúc rất là khan hiếm, dù chúng ta kêu gọi người Việt dùng hàng Việt. Cũng phải nói thêm, là Nobi sau khi lục tìm mãi đang thất vọng vì không thấy cái đèn Việt Nam nào thì thấy cái G8 đấy thế là mua luôn. Bản thân Nobi đang dần thay thế những vật dụng hàng ngày của mình bằng toàn đồ Việt, hạn chế dùng đồ của nước khác. (Không chỉ riêng gì của Tàu khựa đâu nhé-mà đồ hiệu của Âu châu thì mắc quá, sao mua nổi chứ (^_^)…) Nói là hạn chế là bởi vì có quá nhiều thứ Việt Nam chưa sản xuất được, cũng một phần lỗi là của Nobi, khi không chịu đi tìm tòi sáng tạo, sáng chế mà cứ ngồi chây lì ở đây viết vớ vẩn. Hỏi sao đất nước giàu được, Nobi có lỗi nhiều lắm.
Đặc biệt là những mặt hàng công nghệ, điện thoại của anh Quảng thì nó còn ngoài tầm túi tiền của Nobi, chứ không Nobi cũng mua rồi. Ai khen chê cũng kệ chứ. Laptop thì chắc đợi Nobi làm cái Start-up đã nhỉ. Chắc là chỉ có trong chuyện cổ tích thần tiên thôi, mà thực tế có đầy chuyện cổ tích đấy thôi. Ai thành công cũng đều tài giỏi cả.



Thứ Năm, 15 tháng 10, 2015

XIN LỖI …


Xin lỗi mặt trời tôi dậy muộn
Để ngày lên thiếu một nụ cười
Phố xá thiếu vòng xe hò hẹn
Cây lá buồn thiếu tiếng reo vui.

Xin lỗi bạn bè tôi lơ đãng
Đã lâu không gặp gỡ đôi lần
Cứ mãi cuốn trôi theo ngày tháng
Xa lạ chính mình…xa lạ người thân.

Xin lỗi mùa thu bên khung cửa
Khẽ khàng mời gọi chuyện tương tư
Tôi đã bao lần tôi thất hứa
Tóc dài phai nhạt thoáng hương nhu.

Xin lỗi quê nhà tôi quên mất
Tiếng nước ao khua động cõi lòng
Chị tôi trong khói chiều cô độc
Bên cha mẹ già đánh mất thanh xuân.

Xin lỗi tình nhân em khờ dại
Thơ dại đi qua những cuộc tình
Mười năm khép lại mùa hư ảo
Chợt nhớ ra thì đã mất anh.

Xin lỗi thiên đường không có thật
Đã nhốt đôi ta suốt một đời
Thao thức trăng thề miền quá khứ
Mười năm không tròn nổi trăng ơi.

Xin lỗi mọi người…tôi xin lỗi
Đã sống vô tư giữa nói cười
Tha thứ dùm tôi ngày rất vội
Đâu còn thời khắc của đôi mươi. 


Bài thơ này Nô vô tình đọc được trên mạng. Và thấy cũng cần có lời xin lỗi với mọi người. Có cả Nô ở đấy nữa. 

Thứ Hai, 12 tháng 10, 2015

Chuyện cái hộ khẩu và cư trú của Người Việt Nam


Nô bi (thôi thì cứ gọi là Nô cho nó ngắn gọn) mới chuyển đến một khu vực xóm trọ mới, 500k một tháng, điện nước cứ phải gọi là đầy đủ. Chuyện chẳng có gì mà nói, nếu như vào một ngày đẹp trời nào đấy, công an phường bỗng nhiên đến gõ cửa từng phòng vào lúc nửa đêm, tức là 0h30' ấy. Cả xóm bị dựng dậy, và người ta kiểm tra nào là chứng minh thư, nào là sổ tạm trú. Không hiểu lúc đấy thế nào mà Nô lại chẳng đưa CMND cũng như mọi thư giấy để chứng minh rằng, Nô chính là Nô chứ không phải là thằng x, con z nào đấy. Mà Nô chính là Nô chứ còn ai là Nô được nữa, chẳng lẽ lại là cái chú Nô-bi-ta ở bên Nhật Bổn. Nhắc đến Nhật Bổn, hình như Nô cũng quen vài bạn bên đấy, cái cô Ma-ri-a hay Ma-ri-ô gì đấy. Nhưng họ cũng chả làm gì Nô, mà chỉ nhắc nhở là đi làm cái tạm trú thôi. Đến tận hôm sau, Nô mới biết, có cái đôi trong dãy trọ phải đưa phong bì cho mấy chú công an phường, nghe như hai bạn ấy đưa 500k nó đòi 1tr k lận nên hai bạn ấy đã cất đi. Nhưng sau bác chủ trọ mang cũng cái 500k ấy đi thì lại nhận ngay.
Lúc Nô lên làm tạm trú thì mấy bạn công an thân yêu ấy cứ nhắc đi nhắc lại rằng, không được đưa bạn gái hay người yêu về phòng ngủ. Và phải có giấy đăng ký kết hôn thì mới được. Thế là Nô hỏi, tại sao lại thế, luật nào cấm trai chưa vợ, gái chưa chồng ở với nhau. Thì mấy bạn chỉ bảo không được là không được.
Nhân đây, Nô cũng nghĩ một tý về cái khoản tạm trú, cư trú, và cả luật hôn nhân và gia đình của chúng ta nữa.
Tra google thì hộ khẩu có nghĩa là cách thức quản lý nhân khẩu của một số nước Á Đông. Và những nước hiện còn dùng hộ khẩu để quản lý nhân khẩu là: Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam. Trong đó, Nhật Bản thì dùng phiếu cư dân (phiếu chứng nhận nơi cư trú) nhiều hơn hộ khẩu. Công dân phải đăng ký cư trú tại đơn vị hành chính nơi đang cư trú. Phiếu cư dân cần dùng cho việc đăng ký nhà đất, xin nhập học, vay ngân hàng hoặc thi lấy giấy phép lái xe… Khi chuyển địa chỉ, dân Nhật chỉ cần đến cơ quan hành chính quận/huyện, điền vào phiếu chuyển địa chỉ rồi nộp cho phòng cư dân. Thủ tục này chỉ mất 15 phút. Khi cần phiếu cư dân, họ điền vào đơn xin cấp phiếu cư dân, nộp lệ phí là xong. Thủ tục này cũng chỉ mất khoảng 15 phút.
Phần còn lại của thế giới hiện nay, cũng không cần và không biết đến hộ khẩu, sao họ vẫn sống tốt nhỉ? Lại nói, ở Châu Âu, người ta đang tính đến việc đi lại giữa các nước thuộc EU mà không cần phải qua hải quan hay kiểm tra giấy tờ tùy thân. Còn ở Việt Nam ta, nếu theo luật, thì cứ ai rời khỏi nơi mình đăng ký thường trú hay tạm trú là phải trình báo với công an khu vực (mình tự báo hoặc chủ nhà nơi mình đến sẽ báo). Vậy thế có được gọi là quyền tự do đi lại và cư trú.
Điều 23, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định. 
Nói ra thì dài dòng là thế, nhưng tóm lại là, nếu tôi cứ đi đến bất cứ chỗ nào ngoài nơi tôi có cái hộ khẩu, mà không làm cái thủ tục lưu trú hoặc tạm trú thì khi công an đến kiểm tra thì tôi cứ nộp phạt vào đấy. Vô lý nhờ!
Nếu trong trường hợp có tội phạm thoát ngục, hoặc truy bắt ai đấy thì công an đi kiểm tra còn được, đằng này trời về đêm vẫn thật yên tĩnh cơ mà.
Việt Nam là nhà nước Pháp quyền thì phải sống theo luật chớ, mà mục đích của pháp luật là làm ổn định xã hội, làm yên lòng dân mà. Nửa đêm khua người ta dậy thì lòng dân chắc là chả yên được rồi.


Thứ Năm, 8 tháng 10, 2015

Chuyện ăn uống


Trong bản Tuyên ngôn độc lập mà Bác Hồ vĩ đại của chúng ta đã đọc trước toàn thể nhân dân có đoạn: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Mà để sống thì người ta phải ăn, phải uống, phải … đấy là những nhu cầu căn bản của con người. Và hôm nay chúng ta sẽ nói đến ăn uống. Tức là nói đến những bữa ăn hàng ngày của chúng ta, chứ không phải là những nghệ thuật nấu ăn ngon như ở các nhà hàng vô số sao hay như những bữa ăn ngàn đô mà giai cấp công nhân chúng ta vẫn hay ăn để rồi vô viện vì ngộ độc thực phẩm.
Tự cổ chí kim, các vua chúa vẫn luôn luôn mong muốn được trường sinh bất tử, ấy vậy mà các vị vua vẫn chết sớm vì bệnh tật, dù cho được ăn toàn cao lương mỹ vị. Thế nên cái quan niệm ăn uống bổ dưỡng xưa kia cần phải được xét lại, dưới góc độ khoa học hiện đại bây giờ.
Tất nhiên, những thực phẩm mà Nô bi nhắc ở đây là rau củ, là thịt cá. Xét về các nhóm thức ăn như tinh bột, đạm, chất béo, rau củ quả thì cho vitamin và chất xơ. Đạm (ý nói là mấy loại đạm động vật) càng nhiều thì cơ thể càng dễ bệnh, mà béo phì hay gout (gút) là chứng bệnh rất phổ biến hiện nay. Cho nên ta càng ăn ít chất đạm thì càng tốt. Cho nên, những thứ thịt như bò, dê, lợn, chó thì nên hạn chế dần, ăn ít đi. Tuần chỉ nên dăm ba bữa thôi. Những thứ như cá, rau củ quả, đỗ đậu gì đấy thì nên ăn nhiều vào. Thế mới tốt lên được. Vậy nên đừng tưởng người ta cho mình ăn nhiều thịt là người ta quý mình, đôi khi có ý cả đấy.
Chúng ta nên ăn những thực phẩm do con người chăn nuôi, trồng được. Như rau cỏ trong vườn nhà, chứ đừng vào rừng vặt cây hoang dã về ăn… chả mấy chốc mà trụi cả rừng cây. Cũng như vậy, những vật nuôi (hay còn gọi là thú cưng) thì thôi không nên ăn nữa. Chó, mèo đều là bạn của ta, ta không nên ăn thịt những người bạn của mình. Động vật hoang dã cũng không nên thịt chúng, cái gì của tự nhiên thì hãy trả nó về với tự nhiên. Ví như hươu, nai, cá sấu gì đấy chả hạn, nếu nuôi được thì hãy thịt, đừng bẫy với săn bắn làm gì. Bởi khi chúng ta tàn phá thiên nhiên, thì có nghĩa là chúng ta đang tự tàn phá chính môi trường sống của chính mình.
Người phương Tây, trong nhà thường có tủ rượu và tủ sách. Nhưng thường là rượu trắng lên men, hoặc ngâm hoa quả. Cũng đừng có uống rượu ngâm động vật, nó cũng không tốt tẹo nào cả, không như chúng ta vẫn nghĩ về nó đâu. Còn nữa, đó là tiết canh. Nô bi cũng từng chiến những món tiết canh, cơ man nào là vịt, ngan, lợn, gà… Nhưng với tình hình thế giới à lộn, tình hình chăn nuôi dùng nhiều chất hóa học như hiện nay, vi khuẩn và đồng bọn của chúng sinh sôi nảy nở quá nhiều. Chúng ta nên dừng lại món tiết canh ở đây được rồi.
Nội tạng động vật nói chung thì cũng không nên ăn nhiều. Nô bi có một người bà con bán thịt heo trong Sài Gòn (tức Thành phố Hồ Chí Minh bây giờ) có cho biết là người Hoa họ làm ba toa (thịt lợn bán) trong đó, họ không có lấy đầu và nội tạng. Họ chỉ bán thịt thôi. Âu vậy cũng có lý, bởi bộ lòng đó chưa toàn chất thải, nhất là với những thức ăn chăn nuôi bây giờ, nó cũng chả sạch sẽ gì nữa. Cũng nên bơn bớt ăn đi thôi.

Cứ tóm gọn lại là như thế này, bây giờ chúng ta cứ nên ăn rau củ quả, cá các kiểu cộng với thể dục thể thao một tý. Xong rồi các bạn có thấy cuộc đời nó mới tươi roi rói được. 

Thứ Tư, 7 tháng 10, 2015

Vài điều về việc giảng dạy


Bắt đầu cuộc sống của một giảng viên, trong môi trường nhà nước không đơn giản chút nào. Nhất là những buổi giảng với những kiến thức của chủ nghĩa Mác – Lê nin. Ở xứ sở này, ở đất nước này có những điều tưởng chừng như bất thường, lạ lùng, ngược đời thì lại trở nên quá đỗi bình thường. Chuyện học hành cũng vậy. Tất cả các học sinh sau khi rời khỏi ghế nhà trường để vào học tiếp ở bậc học cao hơn, đều mất non nửa thời gian học chỉ để học cái lý thuyết của chủ nghĩa Mác – Lê nin. Để rồi sau khi ra trường, hoặc tốt nghiệp, có công ty, doanh nghiệp nào cần cái kiến thức đó đâu. Vậy, tốn 2 năm học cái đại cương ấy để làm gì. Tất nhiên, trừ những người làm công tác như Nô bi đây. Dù chả thích thú gì với cái món này, nhưng đó là công việc để kiếm sống, để Nô bi có cái mà ăn, mà mặc, mà … đợi đến ngày tìm cho được cái đam mê của mình.
Khi Nô bi mới vào công tác, Nô bi chẳng phải dạng năm cờ hay sáu cờ gì đấy, nhưng vì nhà tuyển dụng (ý nói là các sếp) thấy hồ sơ Nô bi ghi là cử nhân của P/s (tức là pô li tíc sai ần xịt) thì các cụ thích lắm, nhận ngay. Thế là qua vòng gửi xe. Vào vòng tiếp theo, các cụ thấy Nô bi cũng đẹp giai, mà có mấy cụ lại có mấy cô tiểu thư còn đang "sống giàu sang đời sung sướng vô vàn…" nên có ý nhận Nô bi để tăm tia vun vén, nhận ngay.
Bẵng đi một thời gian, các cụ chả thấy Nô bi đả động gì chuyện tăm tia vun vén các nàng tiểu thư. Bởi các cụ cứ nghĩ bọn trẻ phải xu nịnh, đút lót gì đấy mà trong giới công chức nhà nước thường làm. Mà sao thằng Nô bi này nó cứ ngó lơ. Thế là Nô bi tội nghiệp chả ai giúp đỡ mấy trong việc làm quen với công việc. Nhưng cũng may, còn có vài anh chụy đồng nghiệp táy máy dậy vài chiêu, chứ không thì Nô bi giờ còn đang hì hục với đống giáo án. Thời gian đâu mà viết mấy dòng nhảm nhí này.
Thế rồi Nô bi nhận thấy việc lên lớp giảng ở đây nó không to tát như mình nghĩ, như các cụ dọa nạt. Nó chỉ đơn giản là mang những kiến thức, những câu chuyện tinh túy một tý xen vào bài giảng để nói mà thôi. Thế nên Nô bi chỉ nói những phần nào mà Nô bi hứng thú, còn lại các bác học viên về tự đọc (đọc hay không thì chỉ các bác ấy biết mà thôi). À! Gọi là các bác học viên vì nơi Nô bi dạy là trường của toàn các cán bộ nhà nước đi học, chả biết có liên quan đến cái P/s mà Nô bi học không nữa. Nhưng cũng được, công việc mà.
Bản chất của một buổi giảng, không chỉ đơn thuần là những kiến thức cũ mèm trên những slide vô hồn. Nó phải có một cái gì đấy thực sự thiết thực. Ví dụ như những tư tưởng mà Nô bi "hấp tinh đại pháp" được của thiên hạ. Bây giờ mang ra chém gió chơi vậy. Mỗi lần chém là một lần học thêm được nhiều kiểu chém của các bác, làm cho kỹ năng chém gió ngày một lên cao. Thế mà có lần, nghe đâu người ta đang cho thông qua cái đề tài nghiên cứu khoa học về "Chém gió và cách mượn gió bẻ măng trong quan điểm của Khổng Minh". Thế đấy.


Chuyện bên ly cà phê

Vô tình hôm nay Nô bi mới biết rằng, lá cây cà phê nhà Nô bi có tác dụng để giảm cân. Được cái là Nô bi nhìn rất chi là ngon zai, lại vận động mọi bộ phận trên cơ thể rất là điều độ, nên cũng không cần giảm cân bao giờ cả. Cả gia đình Nô bi cũng thế, toàn zai xinh gái đẹp cả thôi. Nói thêm một chút là từ cái hồi mà nhà Nô bi bắt đầu trồng mấy héc-ta cây cà phê ấy, mà Nô bi lại cứ chăm chăm vào việc lấy quả cà phê, mà không biết đến công dụng của nó lại quan trọng như vậy. Thế là Nô bi bèn chạy ngay lên internet để hỏi ông giáo sư Google xem có thật như thế không… kết quả ông ấy bảo có biết, nhưng chỉ là kinh nghiệm trong dân gian. Nô bi có trách ông ấy là mình thân nhau thế mà ông không bảo cháu để nhà cháu đầu tư bán lá cà phê cho có lãi, chứ bán quả bây giờ vất lắm ông ơi.
Theo một thống kê nho nhỏ vào năm 2008, Viện Dinh dưỡng tiến hành một khảo sát tại trường Tiểu học Kim Chung (huyện Đông Anh) và trường Văn Chương (quận Đống Đa) cho thấy: 14% nam học sinh (HS) từ 9-11 tuổi ở trường Văn Chương bị béo phì, trong khi tỉ lệ này ở trường Kim Chung chỉ có 2,2%. Riêng nam HS 9 tuổi ở trường Văn Chương có tỉ lệ béo phì lên tới 22%.
Bọn trẻ bây giờ sướng quá mà, ăn uống tùm lum hết, chắc là bố mẹ chúng nó ngày xưa chịu đói, nên sợ con họ cũng bị đói như thế. Cứ đến giờ ăn, các bà, các cô, các chị cứ phải gọi là nô nức đưa con trẻ ra đường để nựng chúng nó ăn, rồi nựng chúng nó học, rồi nựng chúng nó x, rồi nựng y z… Ấy vậy mà bọn trẻ nào có chịu lớn đâu, so với cái thể xác của chúng. Cuộc sống của một gia đình như thế ấy, cuộc đời của một con người là như thế ấy. Còn cuộc sống của một dân tộc, của một đất nước sẽ ra sao?