Một gian nhà trống vắng, chỉ còn lại hai bóng người vào ra. Đàn con thơ ngày nào đã lớn, chúng đã cất cánh bay theo cuộc đời.Đợi chờ gì khi chúng là niềm hy vọng, niềm tự hào của cả một gian nhà. Ta sống là để đền đáp niềm tự hào ấy. Ta sống là để báo công sinh thành, dưỡng dục của mẹ cha. Để không còn nữa cảnh hai người đơn độc trong căn nhà nhỏ. Ta Sẽ Trở Về !
Điện Biên _ Niềm Kiêu Hãnh Thế Gian.

Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013

Bản thảo đang viết dở với chủ đề về sự lãng phí tự do

1. Hôm nay ngày báo chí cách mạng Việt Nam, dù mình chẳng liên quan gì đến nghề báo nhưng cũng có vài điều muốn chia sẻ, về mọi chuyện.
Chúng ta đã nói quá nhiều đến tự do báo chí, hay những cụm từ đại loại thế. Còn tự do thế nào thì khó ai có thể nói một cách chính xác được, hay chỉ nói một cách ngắn gọn rằng: tự do trong khuôn khổ, tự do trong giới hạn hay tự do kiểu Việt Nam.
Việt Nam có rất nhiều tờ báo, từ báo giấy, báo mạng cho đến rất nhiều tờ tạp chí đang được phát hành. Đấy là chưa kể đến những thứ được gọi là Nội san. Chúng ta có thể thấy ở mỗi tỉnh đều có một tờ báo, Đảng cũng có báo, quân đội cũng có báo, công an, an ninh, đài truyền hình… và các hiệp hội, các bộ, ban, ngành đều có báo. Nhưng tất cả đều có một điểm chung, đó là báo chí của nhà nước. Chúng ta tự do báo chí, nhưng tuyệt đối đó không phải báo chí tư nhân.
Tuy nhiên, trong thời cuộc công nghệ thông tin hiện nay. Với sự phát triển của Internet, đặc biệt là thời của các mạng xã hội, blog… những quan điểm cá nhân, những thông tin thời sự hàng ngày đều được cập nhật. Tuy vậy, đó vẫn chưa thể gọi đó là báo chí tư nhân.
Trở lại vấn đề nhân ngày báo chí, nói về việc chúng ta có rất nhiều tờ báo, in ấn và phát hành khá nhiều, nhưng điều đáng nói là số lượng báo in ra để bán thì lại không thể nói là nhiều được. Ví dụ thì rất đơn giản, báo Nhân dân, báo của các tỉnh… Người ta có thể viện dẫn lý do rằng, báo chí của ta là để tuyên truyền. Nhưng tuyên truyền gì khi chẳng ai đọc đến hay chẳng có gì để đọc.
Tôi đang muốn nói đến sự lãng phí về tiền bạc, công sức và thời gian để in ấn, phát hành những tờ báo như vậy.
Minh chứng ư? Theo một thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam ta có đến hơn 700 tờ báo – báo in.
Nhân tiện nói đến sự lãng phí. Tiền bạc có thể điều chỉnh cách chi tiêu, công sức có thể khắc phục được, nhưng thời gian thì đã trôi qua là không khi nào trở lại. Lãng phí thời gian là thứ khủng khiếp nhất cho mọi sự lãng phí.
2. Trở lại chuyện của chính tôi. Mới vào làm việc được 3 tháng trong một cơ quan nhà nước. Được gọi tên là trường chính trị tỉnh, nhưng tóm lại những gì tôi cảm nhận được thì tôi đang lãng phí thời gian của mình ở đây.
Tôi đang làm gì ở đây? Tôi được gì và mất gì? Nhiều nhưng không phải là tất cả. Cả những thứ mất và được. Một lịch trình rất là công chức, hay đơn giản cho 1/3 công chức vô công rồi nghề: sáng lên cơ quan, trưa về, chiều lại lên, hết giờ, lại về. Cơ quan tôi rất ít các phong trào, tổng số đoàn viên dưới 30 tuổi không nổi 2 con số. Còn các phong trào khác, chủ yếu là bị tham gia chứ không được tham gia.

Tôi là người không năng động, không hăng hái tham gia các phong trào. Và tôi biết điều này. Nhưng không phải vì thế mà tôi đổ lỗi, hay ngụy biện cho sự không tham gia của tôi, tôi cũng không cho rằng những phong trào này không cần thiết. Nó cần, nhưng tổ chức ra những phong trào mang tính ép buộc thì được gì? Và hiệu quả của nó là gì? Câu trả lời sẽ ở một bài viết khác.