Một gian nhà trống vắng, chỉ còn lại hai bóng người vào ra. Đàn con thơ ngày nào đã lớn, chúng đã cất cánh bay theo cuộc đời.Đợi chờ gì khi chúng là niềm hy vọng, niềm tự hào của cả một gian nhà. Ta sống là để đền đáp niềm tự hào ấy. Ta sống là để báo công sinh thành, dưỡng dục của mẹ cha. Để không còn nữa cảnh hai người đơn độc trong căn nhà nhỏ. Ta Sẽ Trở Về !
Điện Biên _ Niềm Kiêu Hãnh Thế Gian.

Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2011

Lời mẹ dặn - thơ Phùng Quán



Phùng Quán

Tôi mồ côi cha năm hai tuổi
Mẹ tôi thương con không lấy chồng
Trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải
Nuôi tôi đến ngày lớn khôn.
Hai mươi năm qua tôi vẫn nhớ
Ngày ấy tôi mới lên năm
Có lần tôi nói dối mẹ
Hôm sau tưởng phải ăn đòn.
Nhưng không, mẹ tôi chỉ buồn
Ôm tôi hôn lên mái tóc
- Con ơi
trước khi nhắm mắt
Cha con dặn con suốt đời
Phải làm một người chân thật.

- Mẹ ơi, chân thật là gì?
Mẹ tôi hôn lên đôi mắt
Con ơi một người chân thật
Thấy vui muốn cười cứ cười
Thấy buồn muốn khóc là khóc.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu

Từ đấy người lớn hỏi tôi:
- Bé ơi, Bé yêu ai nhất?
Nhớ lời mẹ tôi trả lời:
- Bé yêu những người chân thật.
Người lớn nhìn tôi không tin
Cho tôi là con vẹt nhỏ
Nhưng không! những lời dặn đó
In vào trí óc của tôi
Như trang giấy trắng tuyệt vời
In lên vết son đỏ chói
Năm nay tôi hai mươi lăm tuổi
Đứa bé mồ côi thành nhà văn
Nhưng lời mẹ dặn thuở lên năm
Vẫn nguyên vẹn màu son chói đỏ.
Người làm xiếc đi dây rất khó
Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu
Tôi muốn làm nhà văn chân thật
chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.
1957

Về tác giả Phùng Quán:


Phùng Quán, sinh tháng 1 năm 1932 (1930?), tại quê xã Thuỷ Dương, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Năm 1945, ông tham gia Vệ quốc quân, là chiến sĩ trinh sát Trung đoàn 101 (tiền thân là Trung đoàn Trần Cao Vân). Sau đó ông tham gia Thiếu sinh quân Liên khu IV, đoàn Văn công Liên khu IV.
Đầu năm 1954, ông làm việc tại Cơ quan sinh hoạt Văn nghệ quân đội thuộc Tổng Cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam (tiền thân của Tạp chí Văn nghệ Quân đội).
Tác phẩm đầu tay Vượt Côn Đảo của ông được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1955. Về quá trình viết tác phẩm này, trong di cảo hồi ký "Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào" do Nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 2007, ông kể nhiều chi tiết rất thú vị về sự ngẫu nhiên và tình cờ đưa ông từ một người lính trở thành một nhà văn và những oan khuất phải gánh chịu nhưng với giọng kể rất hóm hỉnh, không một chút trách móc hay thù hận. Không lâu sau đó, Phùng Quán tham gia phong trào Nhân Văn - Giai Phẩm bằng hai bài thơ "Lời mẹ dặn" và "Chống tham ô lãng phí" (1957). Khi phong trào này chấm dứt dưới tác động của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Phùng Quán bị kỷ luật, mất đi tư cách hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và phải đi lao động cải tạo ở nhiều nơi.
Từ đó đến khi được nhìn nhận lại vào thời kỳ Đổi mới, Phùng Quán hầu như không có một tác phẩm nào được xuất bản, ông phải tìm cách xuất bản một số tác phẩm của mình dưới bút danh khác và câu cá ở Hồ Tây để kiếm sống. Vì thế, bạn bè văn nghệ thường gói gọn cuộc đời ông thời kỳ này bằng sáu chữ: "cá trộm, rượu chịu, văn chui".
Năm 1988, cuốn tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán được xuất bản và nhận Giải thưởng Văn học Thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam hai năm sau đó. Ngoài văn xuôi, Phùng Quán còn sáng tác thơ và có nhiều bài thơ nổi tiếng như: Hoa sen, Hôn, Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe...
Ông mất ngày 22 tháng 1 năm 1995 tại Hà nội. Năm 2010, sau khi vợ ông là nhà giáo Vũ Thị Bội Trâm mất, thể theo nguyện vọng của ông lúc sinh thời, gia đình và bạn bè đã đưa hài cốt ông bà về án táng tại quê nhà: xã Thủy Dương, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Năm 2007, Phùng Quán được nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, do Chủ tịch nước ký quyết định tặng riêng cùng với Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm.
 (theo vi.wikipedia.org) 


Nhật Ký lan man ngày 18-9-2011.



1. Haizz! Mệt quá. Thở dài sau giấc ngủ chiều. Mình đã ngủ suốt hai tiếng buổi chiều. Vậy là một ngày nữa trôi qua mà mình chẳng làm được gì cả. Tất cả vẫn chỉ là những kế hoạch dang dở. Đọc sách, học tiếng Anh, viết lách, tất cả vẫn vậy. Suốt ngày ngủ và mải chơi. Đọc cuốn “24h một ngày” do Nguyễn Hiến Lê dịch, mình lại cảm thấy mình đang lãng phí quá nhiều thời gian.
Sáng nay, đọc một bài viết về việc thu mua lúa của Nhà nước cho nông dân trên trang mạng Bauxite Việt Nam mà buồn. Không phải đến bây giờ mình mới biết về nó, nhưng nỗi buồn vẫn đọng lại không ít.
Thấy chuyện Nhà nước mua lúa của nông dân mà như trưng thu thời chiến tranh xưa vậy, hay quá lắm là như thời Pháp đô hộ ta. Nói vậy có hơi quá không nhỉ? Khi mà khi giá lúa lên thì Chính phủ ngưng xuất khẩu, hòng hạ giá lúa, để rồi đợi giá xuống, thì chính phủ “thu” mua với giá bèo. Hiệp hội lương thực của nhà nước, ăn lương nhà nước mà làm ăn theo kinh tế thị trường, “ăn” hết cả mồ hôi, công sức của người nông dân. Thử hỏi sao chịu được. Nhà mình trước kia cũng trồng lúa, nhưng đó là thời của nghèo khó. Giờ bỏ cây lúa, chuyển qua cây cà phê cũng khá hơn chút. Nhưng nếu ai và ở đâu cũng vậy thì nước ta lấy đâu lương thực. Với lại có những vùng chỉ có thể trồng lúa, chuyển đổi sao được sang cây khác chứ. Cứ mỗi năm nước ta lại mất một cơ số không nhỏ đất nông nghiệp cho các dự án, chủ yếu là sân golf – nhưng thực chất chỉ là chiêu núp bóng cho các dự án bất động sản, mang lại lợi ích cho các nhà đầu từ và cả chính quyền nơi đó nữa.
Thiết nghĩ cần phải có một sự thay đổi nào đó thôi. Sự phân tách giữa nhà nước và các hội của nhà nước. Ví như hội đã ăn lương nhà nước thì phải phục vụ dân chứ không thể tư lợi của dân được. cái này lại liên quan đến xã hội dân sự rồi, để lúc khác sẽ bàn đến.
2.
Vừa rồi xem thời sự thấy bảo phim Việt giờ “xuống” lắm rồi. Mà quả thế thật, ai đời các hang phim nhà nước thì toàn làm phim gì và chiếu ở tận đâu ấy, có chăng thì chiếu nhiều ở trên vtv thôi. Người ta ( tức cái chương trình thời sự) bảo rằng các hang phim tư nhân không mang tính nghệ thuật cao, cũng đúng, nhưng phim thì phải có người xem chứ. Tư nhân bỏ tiền làm phim thì họ phải làm sao cho có lãi chứ. Đâu như hang phim nhà nước sống bằng thuế của dân đâu. Bảo rằng nhà nước không đầu tư đủ kinh phí, vậy cái vụ 42 tỷ ở cục điện ảnh thì sao chứ. Số tiền ấy chả lẽ không đủ để quảng bá cho phim của Nhà nước à.
Thiệt tình bây giờ cái gì mà liên quan đến nhà nước dường như chả có gì là tốt đẹp cả. 

Nhật Ký Lan Man ngày 17-9-2011


Hôm nay đi thi hộ một người bạn nhưng không thành công. Kể cũng buồn vì mình không giúp được gì cho bạn, nhưng dường như đó lại là điều mình muốn xảy ra. Kể cũng hơi mâu thuẫn, có lẽ vì bạn mình đã quá mải chơi, mà mình lại không thích như thế. Mình muốn bạn phải học cho ra học, chơi ra chơi, đằng này, bạn lại quá mải chơi. Mình khuyên mãi thế nào cũng không được. Thôi thì đành phải “ác” một lần vậy.
Mình vốn ghét sự giả dối, dù là vô hại đi chăng nữa. Thi thoảng đùa vui nhau còn được, chứ bình nhật mà luôn dối trá thì thật là khó chịu. Bạn cứ viện lý lẽ đó là lời nói dối vô hại, nhưng đâu biết rằng niềm tin trong mình với bạn dần tan biến. Hay bạn cố tình làm vậy để mình rời xa bạn. Không! Mình không thể tin bạn là người như thế. Bởi mình vẫn thường bảo bạn rằng, thà cứ nói thẳng dứt khoát một lần, còn hơn để day dứt về sau. Mà bạn vẫn cứ dùng dằng, nửa chối từ, nửa đồng ý. Mình cũng không hiểu. Chẳng nhẽ để sống ở đời là phải vậy sao.
Thời buổi này tìm được một người thật thà chẳng lẽ quá khó chăng? Người ta chả bảo “thật thà có mà ăn cám” đấy à. Trời ạ! Thế thì mình biết tin vào đâu bây giờ. Thôi thì những cái cần bỏ qua thì cứ bỏ qua, cái gì thấy cần tin thì cứ tin thôi. Để mà sống, để mà vui vẻ sống với cuộc đời chứ. Khỏi phải suy nghĩ nhiều.

Thật ra cũng không thể đổ lỗi cho bạn được, có lẽ do mình nghĩ nhiều thôi. Chứ có ai là muốn nói dối bao giờ đâu. Ham chơi, ai mà chả ham cơ chứ. Vấn đề là biết điểm dừng của nó thôi. Nhưng dù sao, mình cũng vẫn yêu bạn và muốn được cùng bạn song hành đến những điểm dừng chân trong cuộc đời. Dù cả mình và bạn đều biết, đó là môt quá trình gian nan và đầy thử thách. Nhưng tin rằng, phần còn lại của sự sống trên thế gian này, bạn và mình sẽ có được những điểm dừng chân lý tưởng cùng nhau.