Một gian nhà trống vắng, chỉ còn lại hai bóng người vào ra. Đàn con thơ ngày nào đã lớn, chúng đã cất cánh bay theo cuộc đời.Đợi chờ gì khi chúng là niềm hy vọng, niềm tự hào của cả một gian nhà. Ta sống là để đền đáp niềm tự hào ấy. Ta sống là để báo công sinh thành, dưỡng dục của mẹ cha. Để không còn nữa cảnh hai người đơn độc trong căn nhà nhỏ. Ta Sẽ Trở Về !
Điện Biên _ Niềm Kiêu Hãnh Thế Gian.

Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2011

Tập truyện ngắn : Nguyễn Huy Thiệp - ''Tôi làm tất cả để có vốn sống thực đầy ắp cho nghề viết''


''Tôi làm tất cả để có vốn sống thực đầy ắp cho nghề viết''



Nguyễn Huy Thiệp là người có khả năng cuốn hút. Ông thể hiện sự sâu sắc, quyết đoán và khá ngay thẳng trong khi đối thoại. Có thể đằng sau vẻ ngoài lãnh đạm, khắc khổ của con người ''từng trải'' đó là một tâm hồn nhạy cảm hơn ta vẫn tưởng. Để diễn đạt nỗi buồn hay sự phiền lụy trong đời sống, ông có thói quen dùng từ ''đau khổ'' hay ''khổ''... Dưới đây là cuộc trò chuyện giữa ông và báo giới.
Ông có ý định viết tiểu thuyết hay chỉ dừng ở việc chuyển thể truyện ngắn thành kịch bản phim như hiện tại?
- Tôi không thể ''rửa tay gác kiếm'' nếu mình vẫn còn tha thiết với việc viết, nhất là khi được tạo điều kiện đầy đủ. Tôi cũng chuẩn bị cho cuốn sách từ 2 năm nay. Có điều, tôi vẫn thiếu một cái gì đó; có thể là một cú hích, một sự khởi động để bật khỏi sức ỳ...
Trong một lần trả lời phỏng vấn, ông nói, người ta thường phải xây đắp những thần tượng mới. Vậy trong các tác phẩm của ông có bóng dáng các thần tượng không?
- Tôi không nghĩ nhiều đến điều này. Con người mà không có thần tượng thì cũng đau khổ, nhất là tuổi trẻ... Nhưng nếu ai đó phải làm ''thần tượng'' thì rất khổ, luôn phải ''vào vai'' và khổ vì nhiều điều khác. Tôi không cần đến thần tượng, nhưng một đám đông thì cần. Quan trọng là phải không được nhận nhầm.
Ông quan niệm ra sao về cái Đẹp trong văn chương và cuộc đời?
- Tôi sang Pháp, được biết một câu chuyện. Tại một ngôi nhà thờ cổ có những cửa sổ bằng sắt, được gắn thêm đều đặn giữa hai chấn song là những chiếc vòng màu vàng. Mọi người đều tin là ai lồng cổ tay vào đó sẽ gặp điều may mắn, hạnh phúc. Đó là cái Đẹp. Cái Đẹp là điều kỳ diệu của nội tâm. Trong văn chương cũng vậy, cái Đẹp là do con người nhận thức, tất nhiên nó có một số tiêu chí chung. Song tôi không có quan niệm cố định, vì cái Đẹp luôn biến dịch. Có thể trong hoàn cảnh này một điều là đẹp nhưng lại không đẹp trong hoàn cảnh khác.
Triết lý bao trùm trong các sáng tác và cuộc sống của ông là gì?
- Tôi không có triết lý nào cả. Tôi chỉ hướng tới thiên nhiên. Thiên nhiên là điều tuyệt vời nhất. Hãy tôn trọng tự nhiên, môi trường sống của mình. Ta không muốn thì ngoài kia hoa vẫn nở, chim vẫn hót liên miên... Thiên nhiên bao gồm cả con người và cuộc sống. Mọi cái Đẹp và sáng tạo, thực ra đều ẩn giấu trong tự nhiên; nhà văn chỉ việc tìm và thấy chúng.
Ngoài công việc, hiện tại ông có thú vui nào không?
- Tôi trải nghiệm nhiều cuộc sống, đi liền với các nghề nghiệp: dạy học, làm viên chức, vẽ tranh, bán quán ăn đặc sản, làm gốm... nhưng chỉ nghề viết văn là còn lại. Tôi làm mỗi nghề không quá 3 năm; giống như mở ra, đóng lại những cuộc chơi. Có thể đứng ngoài quan sát nhưng tôi muốn thực sự là người trong cuộc. Muốn mình phải trải qua những vật lộn sinh tồn của mỗi nghề. Tôi làm tất cả để có vốn sống thực đầy ắp cho nghề viết.
(Theo Thể Thao & Văn Hoá )

Nguồn : Vnthuquan.net 

Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2011

Tập truyện ngắn : Nguyễn Huy Thiệp - Tiểu sử tác giả: NGUYỄN HUY THIỆP


"Đặc điểm lớn nhất của xứ sở này là nhược tiểu. Đây là một cô gái đồng trinh bị nền văn minh Trung Hoa cưỡng hiếp. Cô gái ấy vừa thích thú, vừa nhục nhã, vừa căm thù nó. Vua Gia Long hiểu điều ấy và đấy là nỗi cay đắng lớn nhất mà ông cùng cộng đồng phải chịu đựng. Nguyễn Du thì khác, ông không hiểu điều ấy. Nguyễn Du là đứa con của cô gái đồng trinh kia, dòng máu chứa đầy điển tích của tên đàn ông khốn nạn đã cưỡng hiếp mẹ mình. Nguyễn Du ngập trong mớ bùng nhùng của đời sống, còn vua Gia Long đứng cao hẳn ngoài đời sống ấy. Người mẹ của Nguyễn Du (tức nền chính trị đương thời) giấu giếm con mình sự ê chề và chịu đựng với tinh thần cao cả, kiềm chế. Phải ba trăm năm sau người ta mới thấy điều này vô nghĩa
Nguyễn Huy Thiệp sinh ngày 29 tháng 4 năm 1950, quê quán: Thanh Trì, Hà Nội.
Thuở nhỏ ông cùng gia đình lưu lạc khắp nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, từ Thái Nguyên qua Phú Thọ, Vĩnh Yên ... Nông thôn và những người lao động vì thế để lại nhiều dấu ấn khá đậm nét trong nhiều sáng tác của ông. ``Mẹ tôi là nông dân, còn tôi sinh ra ở nông thôn
Nguyễn Huy Thiệp chịu ảnh hưởng giáo dục chủ yếu của ông ngoại, vốn là người am hiểu nho học và mẹ, vốn là người sùng đạo Phật. Năm 1960, ông cùng gia đình về quê quán và định cư ở xóm Cò, làng Khương Hạ
Nguyễn Huy Thiệp là một bông hoa nở muộn trên văn đàn. Vài truyện ngắn của ông xuất hiện lần đầu tiên trên báo Văn Nghệ của Hội Nhà Văn Việt Nam năm 1986. Chỉ một vài năm sau đó, cả làng văn học trong lẫn ngoài nước xôn xao những cuộc tranh luận về các tác phẩm của ông. ``Có người lên án anh gay gắt, thậm chí coi văn chương của anh có những khuynh hướng thấp hèn. Người khác lại hết lời ca ngợi anh và cho rằnh anh có trách nhiệm cao với cuộc sống hiện nay (Lời cuối sách của NXB Đa Nguyên)
Sở trường của Nguyễn Huy Thiệp là truyện ngắn, có thể tạm được phân loại như sau:
Về lịch sử và văn học:
 Kiếm Sắc, Vàng Lửa,
 Phẩm Tiết, Nguyễn Thị Lộ,
Mưa Nhã Nam,
Chút Thoáng Xuân Hương ...
truyện ngắn mang hơi hướm huyền thoại hoặc "cổ tích":
 Những Ngọn Gió Hua Tát,
 Con Gái Thủy Thần,
Giọt Máu, Muối Của Rừng,
 Chảy Đi Sông Ơi,
 Trương Chi ...
về xã hội VN đương đại: Không Có Vua, Tướng Về Hưu, Cún, Sang Sông, Tội Ác và Trừng Phạt ...;
về đồng quê và những người dân lao động: Thương Nhớ Đồng Quê,
 Những Bài Học Nông Thôn,
Những Người Thợ Xẻ ...
Ngoài ra, Nguyễn Huy Thiệp còn viết nhiều kịch, tiêu biểu là Xuân Hồng, Còn Lại Tình Yêu, Gia Đình (hay Quỷ Ở Với Người, dựa theo truyện ngắn Không Có Vua), Nhà Tiên Tri, Hoa Sen Nở Ngày 29 Tháng 4 ...; và nhiều thơ (chưa xuất bản tập thơ nào, song thơ xuất hiện khá nhiều trong các truyện ngắn của ông).
Năm 1994, Nguyễn Huy Thiệp gác bút và xoay ra mở nhà hàng ở Hà Nội tên là Hoa Ban, rất ăn khách.

Nguồn: Vnthuquan.net

Thứ Năm, 10 tháng 11, 2011

nhật ký một ngày


muốn viết một cái gì đó. đánh máy thì đúng hơn. muốn đưa lên blog những nghĩ đi nghĩ lại, lại thôi. muốn ghi vào sổ thơ, nhưng ngại viết, lâu rồi không viết nhiều trên giấy, đâm lười. chả nhẽ đánh máy lại để trong máy. không hay. phí của giời. nghĩ thế, tôi nhếch mép cười. hé hé. 
định viết nhưng nghĩ lại, từ đã. làm chén chè nóng cái. loại chè khô này, mười sáu ngàn đồng việt nam, một gói. nó có tên là 5x. hay ghê, còn giải nghĩa nữa chứ. nó thế này. 
vì đây là loại chè ngon đặc biệt, danh cho những người đã quá độ tuổi 40 - 50, đã từng nếm trải những thăng trầm của cuộc sống, đã từng thất bại, đã từng gặp gian nan, nhưng đã vượt qua để có được thành công. 
nguyên văn đấy. trên vỏ nó viết thế. kệ, tôi tặc lưỡi cái, mình còn trẻ, mới hơn 20, thất bại có tý tẹo, thành công còn lơ lửng trên đầu, ở ngày mai, xa lắm, nhưng cũng gần lắm. vậy mà thú vui mà, cái thú vui uống chè thì sao bỏ qua được. kệ. uống cái đã. 
tiếp này. trong chè xanh 5x hội tụ tất cả: vị chát của gian nan, vị đắng của thất bại, vị ngọt của thành công, hương thơm của lòng nhân ái. thoạt đầu là đắng chát, nhưng sau cùng đọng lại vị ngọt sâu lắng của thành công. thật giống quy luật cuộc đời. 
đấy, vậy đấy. lại còn bảo ai đã từng trải uống vào sẽ cảm nhận được. tiếc là mình chưa đến tuổi, nên, không cảm nhận được vị ngon của chè này. nên. thấy không ngon bằng thứ chè thái nguyên, mình mua ở văn quán năm ngoái. hay là thứ chè cũng thái nguyên, hôm mình uống ở nhà mình, tức điện biên ấy. 
xong mấy ngụm chè, thấy nhạt miệng, nghĩ tiếp. viết. và bỗng à lên một tiếng. phải rồi. đi bắn bi thuốc lào cái đã. còn chút vị thanh hóa, 5000 vnđ đấy. mua ở hàng nước cổng trường. say đấy. 
chà. say. phêê. viết nữa được không nhỉ. đánh máy loạn lên. tý nữa thì nhầm. thế nào nhỉ. 
tiếp. 
hôm nay học trên lớp. thầy giáo nói. các em cứ học đi. lớp ta 43 người. nước ta tận 62 tỉnh. ối việc. các em học ngoại ngữ tốt. họ nhận hết. tôi ngồi nghe. tâm đắc, gật gù, thầy nói hay, chú ý. nghe, à. không phải dễ. nhưng sao thầy nói nghe đường thẳng quá. mà chết tiệt. mình toàn đi đường vòng, nhưng lại thẳng theo cách của mình. không phải thẳng mà vòng như cách của thầy. nghe nhạt, nhạt à, thế nào? à khó hiểu. thôi kệ, khó thì thôi, không hiểu nữa, từ từ rồi sẽ hiểu. 
hôm qua học trên lớp. nghe hay. tôi thấy ông thầy này, nói vậy, không phải tôi có ý gì, bởi tôi phục, phục nhất trong tất cả các thầy đã dậy tôi. tư tưởng thầy chí ít, theo tôi, một nhà khoa học nghiên cứu thực sự, cần học theo, cái và cách. ngầm mà buồn. lại lộn, buồn vì thầy, không phải thế, buồn vì tôi, hay lớp tôi học không xuôi, phụ công thầy, phí. bố đời. 
buồn lắm, tư duy giáo dục nước nhà. nhưng tôi có buồn cũng khó, nhiều người buồn gấp trăm, nghìn, vạn lần tôi. mà có làm được gì đâu. mình buồn, viết ra đây chơi, coi như là có quan tâm. 
tối nay học trên lớp. (chuyện viết dở - bỏ). 
lúc này, đồng hồ máy tính chỉ 11h32 đêm. khá muộn. đang đọc thơ của thầy tân, gọi là thầy, nhưng chưa được học thầy bao giờ. chỉ học qua thơ, truyện ngắn, truyện dịch của thầy, học làm người, và tiếng anh. kém. câu chuyện thầy viết, nhẹ nhàng mà sâu sắc, sâu lắm ấy. 
hôm qua học trên lớp, thầy bảo đọc vị thử nguyễn huy thiệp, những bài học nông thôn, thằng bạn mình, trên lớp đọc gần hết truyện của ông này. nó bảo, ông này ở khương hạ, tôi bảo: hà hà, hôm nào rủ lão đi làm tý rượu, chỗ đấy thiếu đếch gì. nó cười: hé hé, được thế thì còn gì bằng. nó lại bảo: chắc đếch gì lão đã ok với mình. tôi bảo; thì cứ thử xem. biết đâu đấy. nó lại bảo và nhe cái răng trắng hếu: một thời lão bị kiểm duyệt, à mà tác phẩm của lão. hì. thế đấy. tôi bảo. đời là thế, cơ chế mà. và thầy vào lớp. tiếp chuyện thầy bảo. à, thế này, nông thôn, nông dân, trí thức giả cầy - nguyễn huy thiệp bảo thế - qua lời ông giáo triệu. trí thức giả cầy, có tội với dân, mà dân quê nhé. buồn. 
hôm nay, hôm qua, hôm kia, hôm trước nữa, tôi đọc vị trần dần, cuốn những ngã tư và những cột đèn. 42.000 vnđ. bảo sao nhỉ. à. thế này. 
viết nhật ký một ngày. 
đấy. nó thế. hết

nó được lấy từ: 

những bài học nông thôn


nguyễn huy thiệp 


Mẹ tôi là nông dân, 
còn tôi sinh ở nông thôn... 
(Người kể chuyện) 



Năm 17 tuổi, sau khi học xong trung học, tôi về nghỉ hè ở nhà một người bạn học cùng lớp tên là Lâm ở xóm Nhài, thôn Thạch Đào, tỉnh N. Xóm Nhài nằm bên sông Canh, con sông nhỏ, mùa nước cạn, người lội qua sông được, chỗ sâu nhất chỉ ngập đến ngực thôi. Nhà Lâm ở cuối xóm, sâu trong ngõ nhỏ có hàng rào trồng cây khúc tần. Nhà lợp rạ, tường đất, ba gian hai chái. Đồ đạc trong nhà chẳng có gì. Giữa nhà kê một hòm gian đựng thóc, hai bên bốn cái gường tre, quần áo vắt trên sào buộc dọc tường. Trang trí duy nhất trong nhà là bức tranh lụa cổ vẽ hình ba ông Phúc, Lộc, Thọ với dăm dứa trẻ dâng đào. Tranh lồng trong khung kính chăng đầy mạng nhện. Lâu ngày mặt kính mờ đi, đầy vết cứt ruồi. 

Nhà Lâm chẳng có nhiều người. Ba Lâm đã già. Bố mẹ Lâm làm ruộng. Anh trai Lâm đi bộ đội, có vợ là chị Hiên, chị Hiên làm dâu nhà Lâm mới được nửa năm. Lâm có hai đứa em: cái Khanh mười ba tuổi, còn thằng Tiến bốn tuổi. Nhà tôi ở thành phố. Tôi ít có dịp về ở nông thôn nên lần này về nhà Lâm tôi thích lắm. Cha tôi dạy học, mẹ tôi (xuất thân từ một gia đình quan lại phong kiến cũ) ở nhà nội trợ, “trợ giáo” cho cha tôi. Cha mẹ tôi muốn tôi được học lên nữa. “Có học thì mới đỡ khổ con ạ”. Mẹ tôi bảo thế. Đây là lần đầu tôi đi xa nhà. Mẹ tôi dặn Lâm: “Em nó còn ít tuổi, có gì cháu giúp nó nhé”. Tôi nhìn Lâm cười. Lâm còn ít tuổi hơn tôi, Lâm đẻ sau tôi bốn tháng, nhưng nhìn bề ngoài Lâm to cao hơn tôi. 

Gia đình Lâm đón tôi chân tình. Chị Hiên dọn hai mâm cơm. Mâm bưng lên hè dành cho hai bố con Lâm và tôi. Mâm bày ở sân dành cho bà Lâm, mẹ Lâm, chị Hiên, cái Khanh với thằng Tiến. Canh cua nấu rau dút, cà pháo, tôm rang... Mâm của chúng tôi thêm vài củ lạc và hai quả ổi xanh cho bố Lâm uống rượu. 

Chị Hiên mời: “Các cụ xơi tự nhiên”. Thằng Tiến đòi: “Cho em làm các cụ với!” Mẹ Lâm gạt đi: “Hỗn nào! Chim bằng quả ớt thế thì làm các cụ ra sao?” Cái Khanh bụm miệng cười. Tôi đỏ mặt. Bà Lâm thở dài: “Các cụ toàn chim to... “ Mọi người cười lăn, chỉ có bố Lâm không cười. Khuôn mặt ông sạm đen, vất vả, nhưng không buồn tý nào, bình thản, vô sự. Thằng Tiến khóc. Chị Hiên dỗ nó: “Nín đi! Chị cho Tiến cái càng cua này”. Thằng Tiến lắc đầu: “Ứ ừ... càng cua bé tí”. Chị Hiên bảo: “Ngày mai chị đi chợ, chị mua cho Tiến bộ tam cúc nhé”. Mẹ Lâm bảo: “Cờ bạc là bác thằng bần. Đừng mua tam cúc cho nó. Lớn lên nó ham chơi thì chết! Cứ mua cho nó cái roi” Thằng Tiến lại khóc: “Mua tam cúc cơ”. Chị Hiên đưa mắt sang mẹ Lâm, giấu cái nhìn đồng lõa: “Ừ mua tam cúc”. Bà Lâm bảo: “Ngày xưa có ông Hai Chép lái đò ham đánh tam cúc ăn tiền, đầu tiên mất tiền, rồi mất ruộng, mất đến nhà, vợ nó cũng bỏ đi nốt. Thế là đến đêm ra thuyền ngồi khóc. Giận đời, lại muốn chuộc tội, ông Hai Chép lấy dao cắt phăng hai hòn dái của mình vứt xuống sông. Vợ nó cũng chẳng quay lại”. Mẹ Lâm bảo: “Đàn bà thế là bạc”. Bà Lâm bảo: “Bạc gì? Có hai hòn dái là của quý thì mất rồi còn đâu?” Chị Hiên cười: “Gớm, chuyện của bà cứ rợn rợn là”. 

Bữa cơm qua nhanh. Cái Khanh vét nồi quèn quẹt. Chị Hiên hỏi tôi: “Hiếu ăn có no không?” Tôi gật đầu: “Em ăn được bốn bát. Ở Hà Nội em chỉ ăn ba bát”. Mẹ Lâm bảo: “Trai tráng ăn bốn bát thì hèn. Ông nhà tôi phải chín bát lèn chặt. Tôi cũng sáu bát mới đủ no”. Chị Hiên bảo: “Con chịu u. Con chỉ ba bát là hết nước”. Bà Lâm bảo: “Ăn đi con ạ. Đàn ông nó chẳng thương mình đâu. Rượu thì nó ngồi mâm trên. Ngủ thì nó đè lên mình”. Bố Lâm gắt: “Bà lão hay nhỉ!” Bà Lâm lẩm bẩm: “Hay con mẹ mày! Tao tám mươi tuổi đi nói sai à?” 

Chiều. Bố Lâm bảo tôi: “Cậu với thằng Lâm có thích xem diều không?” Mẹ Lâm bảo: “Tôi lạy ông. Xay cho tôi mấy thúng thóc”. Chị Hiên bảo: “Kệ bố. Để con xay cho. Chẳng mấy khi nhà có khách”. Bố Lâm lấy ở góc bếp xuống cái diều to bằng cái thuyền thúng bồi giấy “dó”, dây diều là cuộn song to bằng ngón tay trỏ của tôi. Lâm lấy cát đánh bóng bộ sáo diều bằng đồng cho nó sáng tinh lên. Bố Lâm ngâm cuộn dây song xuống ao. Chờ cho tắt nắng, chúng tôi ra đồng. Cánh đồng đã gặt hết, còn trơ gốc rạ. Phía chân trời, mây cuồn cuộn rực hồng một màu lửa. Mặt rưộng nứt nẻ. Cả cánh đồng hực lên mùi hương đất nồng nàn. Trẻ con trong xóm chạy ùa theo. Mấy ông già đang phơi rạ trên bờ ao cũng bỏ việc đấy đứng nhìn. Có ai bảo: “Lão Ba Đình lại phởn”. Người khác lại bảo: “Hôm nay được gió, diều kêu phải biết”. 

Bố Lâm cởi trần, mặc quần đùi, bắp thịt cuồn cuộn. Ông khoác cuộn dây song to tướng lên vai. Tôi với Lâm lễ mễ khênh diều. Bố Lâm bảo: “Lên gò mối Đầm Tiên mà thả”. Lâm bảo tôi: “Mày đứng mà xem”. Lâm đứng trên gò mối cao, lựa hướng gió, tay đẩy diều lên cáo, trông như người múa. Tôi chạy theo bố Lâm, ông ngã người ra đằng sau, giật mạnh dây diều. Chiếc diều chao lượn xuống. Bố Lâm chạy vọt sang phải, nhảy qua các bờ ruộng. Chiếc diều rạch chéo một đường trên không. Bố Lâm lại chạy sang trái. Chiếc diều lại rạch một đường chéo nữa. Rập rình giây phút, chiếc diều bồng bềnh bốc lên thẳng đứng. Bố Lâm thả cuộn dây song. Mồ hôi từng giọt đọng lại trên tấm lưng trần. Ông thở hồng hộc. Chạy. Ngã. Lại chạy. Lại ngã. Tôi chạy theo bố Lâm mệt muốn đứt hơi. Ông băng qua các thửa ruộng đang gặt, lội qua mương lặng lẽ, hùng hục, vất vả, chịu đựng, tựa như một người biết rõ công việc đang làm là gian khó lắm, phải chuyên tâm lắm. Cuộn dây song thả dần ra, chiếc diều lên được độ cao tuyệt đích, ở đấy không còn những thứ gió quẩn khốn nạn, hiểm nguy và đầy bất trắc nữa; ở đấy là thứ gió khác tử tế, cao thượng, độ lượng, bao dung mà bình ổn. Nó nghiêng một cái như để khinh bỉ mặt đất, hay để chào mặt đất, rồi đứng im thổi sáo một mình. 

Này là tiếng sáo, tiếng sáo 
Có ai biết thê nào là hát ca không 
Chỉ một sợi dây mảnh ràng buộc với đất 
Đứt lúc nào chẳng hay 
Mà dám lượn chao tự do 
Bởi chỉ có diều thôi, diều ơi 
Cảm được sự nhẹ tênh của cuộc đời 
Mà không làm hại ai 
Giữa chông chênh trong xanh 
Làm cái tiêu nhỏ nhoi 
Để chúng nhìn trời 
Những đớn đau, thậm chí cả vinh quang nữa 
Chỉ làm chú mày nhạy cảm hơn 
Cứ hát ca đi 
Cho thỏa lòng 
Bởi số phận đã định rồi: Diều nào mà chẳng đứt dây một lần 

Chiếc diều đã có khoảng dao động ổn định. Sợi dây song chùng như cánh cung. Bố Lâm lên bờ đê xuôi đường dẫn diều về làng. Tay cầm sợi dây, ông lầm lũi đi, giống như người vừa đi chăn trâu về, thậm chí cũng chẳng ngoáỉ lại nhìn đằng sau nữa. Cả bầu trời ngập trong tiếng sáo. Tôi ngắm thân hình ướt đẫm bê bết bùn đất của ông khâm phục, tôi ước tính khoảng cách ông vừa vượt qua dễ đến chín mười cây số. 

Đến đầu làng, bố Lâm buộc ghì đầu sợi dây song vào cái cọc tre đóng sẵn, bấy giờ ông mới ngước mắt nhìn trời, ngắm nghía chiếc diều đứng im trên cao, vẻ hài lòng. Ít phút sau, ông bỏ mặc đấy, rẽ xuống sông. Ông cởi trần truồng, buộc túm chiềc quần lên cổ, một tay ôm lấy hạ bộ rồi lội xuống nước, lặn thẳng một hơi đến giữa sông mới nhô đầu lên. Ngừng giây lát, tôi chắc chắn khi đó ông có nhìn diều, ông kêu lên một tiếng gì đó, rồi lần này, lặn thẳng một hơi mất hút. Mặt sông nhòa đi, bóng tối bắt đầu phủ trùm cảnh vật. Tôi đi một mình trên con đường lạ vào thôn. Bóng tối chập choạng. Không gian tràn ngập một thứ tình cảm dịu dàng mà bí ẩn. Cây lòa xòa bên đường. Tôi không xác định được thời gian sống hiện tại của mình. Trong tôi không hề có hình ảnh nào của thành phố tôi hằng sống, thậm chl tôi quên mất cả khuôn mặt thân yêu của bố mẹ tôi. Cả đến chuyến tàu chở tôi và Lâm từ thành phố về buổi sáng nay nữa, tôi cũng quên biến. Thế mà đây là lần đầu tôi đi xa nhà... Quên cả chiếc diều... 

Thôi quên đi, quên đi 
Đêm xuống - cái cú xóa vĩ đại của thời gian 
Xóa trước hết cái ngẫu nhiên sinh ra tôi 
Xóa môí ràng buộc của tôi với đồ vật 
Xóa tất cả những vô tích sự 
và tủi hổ của một ngày trơ trẽn 
Hãy xóa... hãy xóa đi 
Hãy buộc lại những sợi dây trong tim 
Bởi thế nào cũng phải phiêu du trong đêm 
Trong giấc ngủ, hồn phải lang thang một mình 
Không hành lý 
Không đến thân xác nữa 
Những luân hồi nào chờ đợi. 
Và những khoảng không gian nào chứa đựng. 

Trong nhà Lâm, mẹ Lâm đang sàng gạo ngoài sân. Bà Lâm nằm võng ru thằng Tiến. Cái Khanh ngủ trên chõng tre. Bố Lâm ngồi chẻ lạt. Mẹ Lâm bảo: “Thằng Lâm chờ cậu đi đánh vó tôm mãi. Nó đi rồi”. Chị Hiên đang giã gạo dưới nhà ngang. Chị bảo tôi: “Hiếu, không bận thì xuống đỡ chị”. 

Tôi vào trong nhà ngang. Bớng tối mờ mờ. 

Trong nhà chỉ thắp mỗi ngọn đèn dầu bé tí. Cối gạo làm bằng cây gỗ nặng dài hai mét rưỡi, đầu cối có vỏ bịt sắt, ở giữa có cái chốt để người đứng giã dùng sức mạnh chân mình đè lên. Chị Hiên hỏi: “Hiếu giã gạo bao giờ chưa?” Tôi bảo: “Chưa”. Chị Hiên bảo: “Đứng lên đây. Tay bím vào sợi dây thừng”. Tôi bảo: “Giã gạo cũng dễ nhỉ “ Chị Hiên cưòi: “ Hiếu bao nhiêu tuổi rồi?” Tôi bảo: “Em mười bảy, bằng tuổi Lâm”. Chị Hiên thở dài: “Tôi hơn Hiếu ba tuổi. Thế là già rồi đấy. Đàn bà chỉ có một thì. Tôi sợ lắm... Hiếu đổi chỗ cho tôi. Giã gạo, ai đàn ông lại đứng trước đàn bà bao giờ?” Chị Hiên cười. Tôi thót mình bởi mùi mồ hôi rất gần và cảm giác mềm mại của đôi vú chị Hiên áp vào lưng tôi. 

Chị Hiền thủ thỉ: “ở nhà quê buồn lắm. Tôi mới được ra Hà Nội mỗi một lần. Hồi ấy chưa lấy chồng, vui vui là, nhưng cứ sợ. Người Hà Nội ai trông cũng ác. Hôm ấy, ở bến xe, có ông đeo kính, để râu con kiến, tuổi bằng bố tôi bảo: “Cô em ơi, cô em đi với anh đi”. Tôi sợ quá, tôi bảo: “Ông này hay nhỉ?” Ông ấy cười: “Xin lỗi nhé, tôi tưởng em là bò lạc”. Tôi chẳng hiểu bò lạc là gì. Sau đó anh Tân (tức là chồng tôi đấy) đi lại, ông này chuồn mất. Tôi kể với anh Tân. Anh Tân sầm mặt lại, bảo: “Bọn thành phố toàn quân mất dạy”. Tôi không biết thế nào, những người thành phố ai nói cũng hay, hơi tí thì xin lỗi”. 

Chị Hiên lại thủ thỉ: “Ở nhà quê sợ nhất là buồn chán. Công việc chẳng sợ. Nhiều khi buồn chán quá, người cứ bã ra. Hồi ấy anh Tân đi bộ đội, tôi đã định tự tử vì buồn chán quá. Tôi nằm một mình ở ruộng ngô, giữa tổ kiến vàng. Tôi tưởng kiến vàng đốt thì nhất định chết. Thế mà không chết. Nó thương mình hay sao chứ? Chắc nó thấy tôi trẻ quá mà chết thì phí”. Chị Hiên cười. Lòng tôi tê tái cảm giác đau xót. Tôi nhớ đến bố tôi bố tôi để râu con kiến, cũng hay đeo kính. Còn mẹ tôi, nếu mẹ tôi nằm ở tổ kiến thì nhất định chết, mẹ tôi chúa hay cựa quậy. Giống kiến vàng không thích người ta cựa quậy... 

Chị Hiên bảo: “Ở nhà quê cũng có khi vui. Khi có chèo hay tuồng thì vui ghê lắm. Tôi nhớ có lần diễn Tần Hương Liên xử án, tôi rang một túi châu chấu mang đi. Châu chấu rang ngon lắm. Tôi này, cái Lược này, cái Thu này, ba đứa vừa đứng xem vừa ăn. Cái lão Trần Sĩ Mỹ bạc tình, làm quan rồi chẳng coi vợ ra gì. May mà đời còn có Bao Công. Nếu không có Bao Công thì đời người ta cứ còn ngang trái mãi à?” Chị Hiên ngừng một lát rồi bỗng bật cười: “Có mấy tay thanh niên ở bên Duệ Dông đứng sau chúng tôi. Một tay dí chim vào đít cái Lược. Cái Lược bảo: “Làm gì thế?” Tay này cũng dơ, nói thản nhiên: “Làm chủ nhiệm hợp tác”. Cái Lược mắng: “Thôi đi chứ”. Tay này lại bảo: “Nhân dân tín nhiệm thì tôi còn làm”. Xung quanh cười ồ. Cái Lược chạy ra ngoài, đằng sau quần ướt đẫm. ả sợ quá, chỉ sợ chửa thì chết, thế là vể nhà vứt ngay cái quần xuống ao. Tần Hương Liên với Trần Sĩ Mỹ”. 

Chị Hiên bảo: “Hiếu đừng thở thế. Hít thật sâu vào... rồi thở từ từ. Thở giống như ông thiếu tá tập Cốc Đại Phong ở làng tôi ấy. Ông này tên Bá, về hưu rồi, béo lắm. Sáng nào cũng mặc quần đùi chạy vòng quanh làng, hô to: “ l, 2, 3, 4... Khỏe! “ Có lần, tôi với cái Thu đi cấy. Mới bốn giờ sáng đã thấy ông Bá chạy ở trên đường. Quần đứt giải rút, bố ấy ôm quần chạy. Cái Thu bảo: “Bố ơi, bố sáu mươi tuổi còn khỏe làm gì?” ông Bá bảo: “Khỏe để bảo vệ gia đình. Các cô không biết vợ tôi mới bốn mươi tuổi thôi à?” Ấy thế mà tốt. Tính hay giúp người... Nghe nói về hưu không phải vì già mà là vì ngốc. Nghe nói nhà nước bây giờ chỉ nhận biên chế những người trẻ tuổi với có học thôi”. Chị Hiên lại bảo: “Sao đàn bà cứ phải lấy chồng: Như tôi đây, chồng đi xa, lấy chồng cũng như không. Hiếu bảo lấy chồng mà bỏ chồng thì có tốt không?” Tôi bảo: “Không”. Chị Hiên bảo: “Phải rồi. Nứa trôi sông không giập cũng gãy. Gái chê chồng không chứng nọ cũng tật kia”. Tôi hỏi: “Thế là thế nào hả chị?” Chị Hiên bảo: “Thế là đàn bà không ra gì. Nhưng đàn ông cũng nhiều người không ra gì. Lấy chồng phải anh nghèo, bất tài mà lại cao thượng thì hãi lắm. Nó làm tan nát đời người đàn bà như bỡn”. Tôi hỏi: “Sao chị nghĩ thế” Chị Hiên bảo: “Không phải tôi đâu. Đây là thầy giáo Triệu. Thầy giáo Triệu dạy bổ túc văn hóa ban đêm, thầy giáo bảo đàn bà không cần lòng cao thượng. Đàn bà cần cảm thông với vuốt ve, cần giúp đỡ bằng tiền mặt. Đấy là tình yêu. Lòng cao thượng chỉ dành cho nhà chính trị. Chính trị mà không cao thượng thì hãi lắm, chính trị là chỗ người ta nhìn vào để yên tâm sống”. 

Tôi buồn ngủ rã rời. Tôi chẳng nhớ tôi đã đi ngủ khi nào. Khi tỉnh dậy tôi thấy bàng hoàng vì sự tĩnh lặng tuyệt vời của căn nhà vắng. Chẳng ai có nhà. Tôi đi rửa mặt rồi đi ngó nghiêng khắp cả mọi nơi. Dưới nhà ngang, mấy thúng gạo trắng xếp chồng lên nhau bên cối giã gạo. Chiếc diều vứt lăn lóc, cánh rách bươm, chẳng thấy sáo cũng chẳng thấy cuộn dây song đâu cả. Trong bếp có đĩa khoai lang luộc với dăm quả cà chắc dành cho tôi. Tôi ăn khoai với cà rồi lên nhà ngồi. Bức tranh vẽ ba ông Phúc, Lộc, Thọ với dăm đứa trẻ dâng đào là tranh thuốc nước, in hàng loạt, có ghi chú bằng chữ Trung Quốc. Tôi thích ông Lộc hơn cả, râu đen, má phính, thân hình cường tráng, mắt như biết nói. Nếu nói, ông Lộc nói rằng: “Thôi tôi biết tỏng ra rồi. Các vị phải bình tĩnh chứ, chúng ta cùng thỏa thuận, đừng có lừa tôi”. 

Ngoài sân có mấy con gà mổ thóc. 
Tĩnh lặng. 
Không một tiếng động. 
Hãy dừng lại đi, dừng lất cả 
Dẹp mọi âm thanh cuộc sống xô bồ 
Dừng một chút 
Lắng nghe sự tĩnh lặng tuyệt đôí 
Sẽ thấy mình bé bỏng thê nào 
Ta chỉ là một hạt thiện bé tí 
Với một tí thiện, làm sao sinh lợi được 
Với một tí thiện, làm sao chống chọi được 
Cái vốn mẹ để dành còi cọc 
Nấp kín trong xó tôí ăm 
Cái xó tôí tăm lươg tri ấy 
Ngày đêm khản tiếng khóc thầm... 

Khoảng độ mười giờ thì bà Lâm, cái Khanh với thằng Tiến về. Bà Lâm bảo: “Ba bà cháu đi chùa, sư cụ cho oản. Cái Khanh, mày đưa cho cậu Hiếu một cái để cậu Hiếu nếm cho biết mùi”. Tôi bảo: “Bà ăn đi chứ, cháu ăn khoai rồi”. Bà Lâm bảo: “Tôi chẳng ăn. Ăn mãi rồi. Tám mươi tuổi mà cứ tham ăn thì khó chết lắm. Bốn năm nay tôi không dám ăn cái gì bổ béo vào người mà không chết được”. Bà cụ thở dài: “Già quá hóa giặc cậu ạ. Sao mà tôi kinh tuổi già đến thế. Sáng nào tôi cũng đi chùa, lạy Phật tổ Như Lai cho chết mà Ngài cứ lắc đầu, Ngài chưa nhận. Chung quy vì tôi mải lam mải làm. Đáng lẽ ngày xưa tôi phải chơi vung tàn tán thì đâu đến nỗi. Ở làng, những đứa con gái cùng lứa tuổi với tôi, đứa nào hồi trẻ thập thành thì Ngài cho lên tiên sớm, chẳng phải đợi đến tuổi thất thập, thế là sống cũng sướng mà chết cũng sướng. Còn tôi, cả đời chỉ biết mỗi một con b..., mang tiếng thủy chung đức hạnh, chẳng biết báu cho ai, chỉ biết về già sống lâu khổ con khổ cháu”. 

Tôi cười đau đớn: “Bà ơi, bà đừng nói thế”. Bà Lâm lắc đầu: “ Cậu còn trẻ lắm, cậu cứ sống đến tám mươi tuổi đi đã xem nào. Đức Phật tổ cho mỗi người một ít của cải, ai cũng như nhau, người tám lạng, kẻ nửa cân. Sức khỏe, đức hạnh cũng là của cải. Có của thì phải biết tiêu. Chứa nhiều rồi nó hóa tinh ra chứ. ở bên Duệ Đông, có ông nhà giàu chứa vàng trong nhà những mấy chục cân, thế là vợ hóa điên, con hóa dại, cháu chắt chẳng ai sống được đến ba mươi tuổi”. 

Hai bố con Lâm đi cày về. Bố Lâm hỏi: “Trưa rồi, mấy bà cháu chưa nấu cơm à?” Cái Khanh trong bếp bảo: “Con đang nấu”. Bố Lâm lên nhà, ông rót nước ra bát mời tôi. Ông bảo: “Không đi đâu à? Cứ nghe bà lão nhà tôi chuyện trò rồi cậu phát điên có ngày”. Bà Lâm bảo: “Phải. Tôi ngu ngốc”. Bố Lâm bảo: “Không ngu nhưng ác”. Bà Lâm bảo: “Ác tâm mới sợ chứ ác khẩu có gì mà sợ”. Bố Lâm bảo: “Trẻ nhỏ như giếng nước trong, bà cứ toàn thả những ba ba với thuồng luồng vào, kinh cả người”. Bà Lâm nói dỗi: “Thôi con ạ, mẹ mười đốt thì tám đốt là quỷ, đốt rưỡi là ma, có nửa đất là người. Nghe được tí nào thì nghe, không cứ bỏ ngoài tai”. 

Ăn cơm trưa xong có thầy giáo Triệu đến chơi. Anh còn trẻ, chỉ khoảng trên ba mươi tuổi, người gày gò, điệu bộ như kẻ chán đời. Tôi thoáng thấy chị Hiên co người lại trước cái nhìn bình thản của anh. Anh Triệu hỏi tôi: “Về nhà quê chú có thích không?” Tôi bảo: “Thích”. Anh Triệu cười: “Tôi hỏi một câu ngu quá, chú là khách, nếu nói là không thích thì bác Ba Đình mời chú cuốn xéo”. Bố Lâm bảo: “Tôi không dám”. Anh Triệu bảo “Bác Ba Đình ạ, ông khách của bác thẹn thò như con gái ấy. Tôi thấy tướng thông minh nhưng nhiều bất hạnh. Nghe tôi nói nhé: "Lớn lên chú đừng sa vào con đường văn chương chữ nghĩa. Thế nào chú cũng ăn đòn. Người ta sẽ nguyền rủa đấy. Chú không chống nổi sự ngu dốt của bọn có học đâu. Tôi đây này, tôi hiểu sâu sắc sự ngu dốt của bọn có học tai hại thế nào, vừa phản động, nó vừa nguy hiểm, lại vừa mất dạy. Sự ngu dốt của bọn có học tởm gấp vạn lần so với ở người bình dân”. Tôi hỏi:"Vì sao?” Anh Triệu bảo: “Vì chúng giả hình. Chúng nhân danh lương tâm, đạo đức, mỹ học, trật tự xã hội, thậm chí nhân danh cả dân tộc nữa. Chính trị không cao siêu sẽ nhầm lẫn”. Tôi hỏi: “Nhân dân không cần tri thức sao?” Anh Triệu bảo: “Trẻ em rất cần. Còn khi trưởng thành, tôi nói là nhân dân ấy, cần một thứ còn hơn cả tri thức nữa: sự bình ổn để sống tự nhiên hài hòa. Tuổi già cũng cần tri thức nhưng ở dạng khác, đấy là tôn giáo. Khái niệm nhân dân của tôi không có trẻ con, người già. ở tuổi cường tráng, bản thân đời sống nhân dân là tri thức rồi”. 

Anh Triệu bảo chị Hiên: “Bế giảng rồi. Cô được lên lớp tám. Bài toán cô được tám điểm, bài văn được ba điểm, tôi cứ nâng bừa lên năm điểm”. Chị Hiên đỏ mặt: “Em dốt văn lắm”. Anh Triệu bảo: “Chẳng sao đâu. Dân mình giỏi võ là được. Tôi thấy buồn vì văn học của ta ít giá trị thật. Nó thiếu tín ngưỡng và thẩm mỹ thực”. Anh Triệu ra về. Tôi nói: “Anh ấy hay nhỉ?” Bố Lâm bảo: “Tốt lắm đấy. Trẻ con làng này học anh ấy cả, chúng tôi thì học ông ngoại anh ấy là cụ giáo Đạt”. 
Trời bỗng sầm lại. Lát sau thì mưa. Mưa to quá, nước tràn ngập sân. Cái Khanh reo: “Cá rô kìa! Cá rô!” Cái Khanh băng ra ngoài sân bắt cá. Tôi cũng đội mưa ra theo. Cái Khanh gọi: “Chị Hiên! Lấy nơm cho em”. Chị Hiên đứng trên hè, ngó trông trời rồi bảo bố Lâm: “Giở giời đấy. Bố ơi, mang chài ra sông đi”. Cái Khanh reo to: “Ra sông! Ra sông!” Bố Lâm vác chài. Tôi cầm nơm. Chị Hiên cầm rổ. Cái Khanh cầm giỏ cua. Tất cả đi ra sông. Mưa như trút. Cá nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Chị Hiên bảo: “Bố xem kìa, có nhiều cá không?” Bố Lâm lội xuống nước, ngập đến ngang lưng mới quăng chài. Rất nhiều tép. Có những con cá to bằng bàn tay. Chị Hiên, tôi với cái Khanh gõ chài. Cá đổ cả lên bãi cát. Bố Lâm liên tục quăng chài, cứ thế đến chục lần, lần nào cũng được cá, có cả nhửng con cá nheo to bằng bắp chân người, loại cá này tròn và nhớt vì không có vảy. 
Mưa vẫn to. Tôi bắt đầu thấy lạnh. Chị Hiên và cái Khanh răng cũng đánh lập cập. Vừa mệt, vừa rét nhưng cả ba chị em đều thích. 

Bố Lâm quăng chài hai lần liền nhưng không được cá. Ông bèn rũ chài rồi bảo chúng tôi: “Tao về trước còn đi tháo nước ở chân ruộng mạ. Chị em chúng mày về sau”. 

Chị Hiên dồn cá vào đầy rổ rồi bảo cái Khanh: “Xuống tắm đi”. Hai chị em đều bơi giỏi. Tôi lưỡng lự giây lát rồi cũng xuống theo. Nước rất ấm, tôi mới tập bơi nên không dám ra xa. Chị Hiên bảo: “Hiếu kém thế!” 

Tắm độ mười phút thì lên bờ. Quần áo ướt dính chặt vào người chị Hiên với cái Khanh. Tôi cứng người vì thấy thân hình chị Hiên với cái Khanh đều tuyệt đẹp. Những đường cong cân đối gợi cảm lạ lùng. Máu rần rật dồn đầy ngực tôi. Chị Hiên gọi. “Hiếu lại giúp tôi”. Ánh mắt chị Hiên gặp mắt tôi. Thoáng nhanh, tôi thấy một nét nanh nọc hớn hở trên khóe mắt ấy. Tôi đi lom khom, tôi định nâng rổ cá lên thì chị Hiên như vô ý xáp lại để đùi chạm vào người tôi. Tôi bủn rủn, hàm cứng lại. Một thoáng, tôi thấy chị Hiên nhìn sâu vào đáy mắt tôi rồi đỏ bừng mặt. Tôi không thở được nữa, chân khuỵu xuống bãi cát, người run bắn lên. Chị Hiên đặt tay lên đầu tôi, mặt tái đi lúng búng nói một câu gì không rõ nghĩa rồi bỗng chạy tế lên đuổi kịp cái Khanh đang cầm nơm đi trước. Tôi nghe tiếng hai chị em cười ròn rã. 

Tôi thở dốc, nằm lăn lộn trên bãi cát ướt. Hai viên tinh hoàn và dương vật tôi nặng trĩu, rất đau. 
Rổ cá đổ văng ra. Tôi nằm úp người giữa đám cá tôm mà phóng tinh, miệng ngoạm đầy cát. Tôi không biết tôi có nuốt cát vào bụng không. Một nỗi sợ hãi lẫn khoan khoái trào dâng lòng tôi. Tôi biết từ nay tôi đã trở thành người lớn. 

Vĩnh biệt nhé, tuổi thơ 
Tôi đã trưởng thành 
Từ nay tôi phải gánh 
trách nhiệm với tôi, với mọi người 
Tôi bắt đầu một chuỗi sơ suất liên tiếp nhau 
Ôi tuổi thơ 
Khi trong tôi còn là một khôí nguyên dương 
Tiền tài, danh vọng, luật pháp đều bay quả tôi 
Trùm lên tôi là đôi cánh mỏng tang của mẹ 
Ôi tuổi thơ 
Đâu rồi nụ cười vô tư 
Những truyện cổ tích lạ kỳ 
Con đường nhỏ đến trường 
Và nỗi sợ hãi bị bỏ rơi... 
Tôi đã trưởng thành 
Trước mắt tôi là trùng điệp đam mê 
Tâm hồn tôi đục ngầu 
Tôi săn lùng danh tiếng 
Săn lùng tiền tài 
Hạnh phúc và nghĩa vụ hành hạ tôi 
Cái chết mỉm cuởi chờ tôi cuôí đường 
ở đâý có lôí rẽ xuống hỏa ngục 
Ôi tuổi thơ 
Tuổi thơ trắng trong 
Tuổi thơ nghèo, cô đơn, u buồn 
Tuổi thơ thảm hại 
Ta biết cười hay khóc với mày 
Thôi vĩnh biệt! 

Tôi về đến nhà. Mẹ Lâm bảo: “May kịp chợ chiều, để bác mang cá đi bán”. Mẹ Lâm để vài con cá to nhất ở nhà, dặn dò cái Khanh vài câu rồi bươn bả cắp rổ đi chợ. Cái Khanh mang dao thớt ra cầu ao làm cá. Lúc này không còn mưa nữa nhưng trời vẫn còn âm u. Tôi buồn ngủ rã rời. Tôi lên giường ngủ. Tôi chợp mắt được một lúc lâu thì choàng tỉnh dậy vì nghe ở ngoài sân có tiếng rúc rích cười. Cái Khanh với thằng Tiến ngồi ở bờ hè đang chơi chuyền thẻ. Cái Khanh rải que xuống đất, vừa hát vừa tung sỏi. Thằng Tiến quỳ xuống chân chị nó lắp bắp nhại theo. Tiếng cái Khanh lảnh lót. 

“Chuyền chuyền một 
Một đôi 
Chuyền chuyền khoai 
Hai đôi 
Chuyền chuyền cà 
Ba đôi 
Chuyền chuyền từ 
Tư đôi 
Chuyền chuyền tằm 
Năm đôi 
Sang bàn chống..." 

Bà Lâm ngồi ở trên giường, những giọt nước mắt lăn trên gò má răn reo. Tiếng cái Khanh vẫn lảnh lót: 

“Vào làng 
Xin thịt 
Ra làng 
Xin xôi 
Đi bên sông 
Về bên sông 
Trồng cây cải 
Bơi đò ngang 
Một đò ngang 
Hai ngang đò...” 

Tôi đi ra ngoài ngõ. Bầu trời bỗng sáng lòa một sắc mỡ gà đẹp lạ lùng. Tất cả trời, đất, cây cối, đồ vật hiện rõ mồn một dưới một sắc mầu huyền ảo rực rỡ. Màu mỡ gà trùm lên tất cả, đến cả những bông hoa dâm bụt có màu đỏ tía cũng bạc cả đi, thành thứ màu khác, hồng như môi người. Tôi thót tim lại vì sợ hãi. Một thế giới khác, cụ thể khủng khiếp, chi tiết đến kinh dị hiện ra ở trước mặt tôi. ít phút sau, bầu trời sầm lại. Tất cả trở về như cảnh sắc cũ trước đây. Tôi rùng mình, đau đớn, nhận ra thế giới xung quanh tôi nhợt nhạt, tội nghiệp quá. Tôi phải đứng im một lúc rất lâu mới định thần được. 

Trên trời cao, có mấy con cò bay qua, tiếng kêu khàn khàn nghe rất hãi hùng. Những giọt nước mưa đọng trên lá cây bỗng rơi rào rào xuống người tôi. Tôi đi dọc theo cái ngõ nhỏ rụng đầy lá tre, loanh quanh một lúc trong làng vì lạc đường. Mấy đứa trẻ con chạy táo tác. Có nhà ai bị mất gà đang lớn tiếng chửi láng giềng, tiếng chửi nghe rất tục tằn, ngoa ngoắt. Tôi vòng lên ra chỗ bờ đê. Phía xa xa, một cánh buồm nâu chậm rãi đi ngược dòng sông hoàn toàn vô sự. 

Anh Triệu ngồi ở bờ đê đọc sách. Tôi lại gần anh, thấy chỗ anh ngồi có những khóm hoa mầu tím, cánh hé mở ra trông như môi người. Tôi ngắt một bông đưa lên mũi ngửi, thấy mùi thơm ngát. Anh Triệu cười: “Chú có biết hoa này không?” Tôi lắc đầu. Anh Triệu bảo: “Hoa này lạ lắm, trông y như cái miệng cười, vớ vẩn có chú muỗi nào rơi vào là nó khép ngay cánh lại. Nó có cái lạ là cứ để yên thì chẳng làm sao, nhưng hễ đụng đến là thơm lựng lên. Người ta đặt tên là hoa cỏ đĩ. Y hệt đàn bà, để yên thì là hạnh kiểm phi thường, đụng vào tan nát như chơi, đầu tiên nát tiền, đến nát tâm hồn, rồi tan gia đình, tan cơ nghiệp”. Tôi cười: 

“Anh có vợ chưa?” Anh Triệu bảo: “Chưa. Vợ người thì đẹp, vợ mình lại tử tế. Khốn thế!” 
Anh Triệu nằm ngả trên bãi cỏ xanh. Anh bảo: “Nằm xuống đây. Chú ở thành phố, thế chú có khinh người nhà quê không?” Tôi bảo: “Không”. Anh Triệu bảo: “Ừ, đừng khinh họ. Với nông thôn, tất cả bọn dân thành phố và bọn có học vấn chúng ta đều mang tội trọng. Chúng ta phá tan phá nát họ ra bằng những lạc thú vật chất của mình, cả giáo dục lẫn khoa học giả cầy, hành hạ bằng luật lệ lừa bịp bằng tình cảm, bóc lột tận xương tủy, chúng ta đè dí nông thôn bởi thượng tầng kiến trúc với toàn bộ giấy tờ và những khái niệm của nền văn minh... Chú có hiểu không?" Tim tôi ứa máu. Bao giờ tôi cũng nói rằng: “Mẹ tôi là nông dân, còn tôi sinh ở nông thôn... “ Anh Triệu im lặng. Một lát, anh bỗng ngồi dậy buồn bã bảo tôi: “Chú chẳng bao giờ hiểu nổi những điều anh nói có nghĩa gì đâu”. Tôi bảo: “Anh không tin em phải không?” Anh Triệu bảo: “Không phải thế. Chỉ vì chú còn trẻ. Lỗi ở tự nhiên chứ không phải chú”. 

Tôi bị kiến đốt nên phải ngồi dậy. Dưới chân tôi những con kiến đen xúm xít rất đông xung quanh xác một con chuồn chuồn màu đỏ. Tôi bảo: “Kiến nhiều quá”. Anh Triệu bảo: “Đấy. Tất cả dân chúng cũng đông như thế. Họ sống như kiến cả thôi, xắng xở, loanh quanh, kiếm ăn chẳng được là bao. Chú hãy để con chuồn chuồn ra khỏi chỗ khác xem”. Tôi làm theo lời anh Triệu. Anh Triệu bảo: “Chú có thấy kiến bu ra chỗ đấy không?” Tôi bảo: “Có”. Anh Triệu bảo: “Dân chúng nhẹ dạ nông nổi cũng như thế đấy. Các nhà chính trị, các thiên tài là kẻ có khả năng xô dạt dân chúng về cả một phía. Dân chúng cầu lợi. Chỉ cần tí lợi là họ sẽ a dua nhau bu đến. Họ không biết rằng điều ấy chất chứa toàn bộ sự vô nghĩa trong đời sống của họ. Họ sinh ra, hoạt động, kiếm ăn, cứ dạt chỗ nọ rồi dạt chỗ kia mà chẳng tự định hướng cho mình gì cả. Chỉ đến khi nào dân chúng hiểu rằng không được cầu lợi, mà có cầu lợi thì cũng chẳng ai cho, người ta chỉ hứa hẹn suông để bịp bợm thôi, thảng hoặc có cho thì cho rất ít, lợi bất cập hại. Lợi phải do chính dân chúng tạo ra bằng sức lao động của mình. Họ cần hiểu rằng phải cầu một thứ cao hơn thế nữa, đấy là giá trị chân chính cho toàn bộ cuộc sống của mình, quyền được tự mình định đoạt cuộc sống, tóm lại là tự do”. 

Anh Triệu thở dài, suy nghĩ một lát rồi chậm rãi nói: “Còn điều này nữa, đã nói thì nói cho xong. Thời loạn dứt khoát phải có một nền thống trị bá đạo. Còn thời bình, đường lối chính trị bá đạo sẽ đưa dân tộc đến thảm họa. Chỉ có một nền chính trị vương đạo, dân chủ, tín nghĩa và văn hóa đạo đức cao mới làm cho đất nước phồn vinh”. Chúng tôi lặng im. Anh Triệu bảo: “Hiếu này! Chú đừng nghe tôi. Tôi nông cạn và sai lầm lắm. Mẹ tôi là nông dân, còn tôi sinh ở nông thôn”. Tôi nhìn anh thương xót, tự dưng nước mắt tôi ứa cả ra. Tôi úp mặt xuống bờ cỏ để anh khỏi thấy rằng tôi đang khóc. 

Anh Triệu đứng lên đi xuống vệ đê. Bỗng lúc ấy có những tiếng kêu ầm ĩ trên đồng. Một con trâu bê bết bùn đất đang phi điên cuồng về phía chúng tôi. Ngay lúc ấy tôi nghe thấy có tiếng gọi: “Anh Hiếu về ăn cơm!” Trông ra tôi thấy thằng Tiến đang đứng ngơ ngác ở dưới chân đê gọi tôi, con trâu đang lao thẳng đến chỗ thằng Tiến. Tôi hốt hoảng, chưa kịp định thần đã thấy anh Triệu nhảy đến chắn ngay trước mặt thằng Tiến. Chỉ nghe tiếng rú thất thanh khủng khiếp. Con trâu lao thẳng vào người anh Triệu với một sức mạnh kinh người. Tôi thấy anh Triệu như bị đôi sừng của nó nhấc bổng lên cao. Anh Triệu chết ngay trước mặt tôi. Đầu anh ngật sang một bên, máu ộc ra đầy miệng, gan ruột lòng thòng. Con trâu điên thản nhiên gặm cỏ ở bên. Thằng Tiến tái xanh tái tử bị anh Triệu gạt ngã xuống bờ ruộng đang lồm cồm bò dậy. Nhiều người chạy đến, có cả vài người mang súng. Một anh dân quân xả súng bắn như điên vào đầu con vật. Người trong xóm đổ ra rất đông. Bà Lâm dắt thằng Tiến vừa khóc vừa lạy anh Triệu. Bố Lâm, mẹ Lâm cũng khóc, quỳ xuống bờ ruộng lạy như tế sao. Mấy ông già trong xóm bàn bạc, cuối cùng bảo với mọi người đưa xác anh Triệu ra gốc cây trôi cổ thụ đã sống hơn chín trăm năm, trông xa tán xòe như mâm xôi, vòng gốc phải bốn người ôm mới xuể. Đêm xuống. Trên trời sao giăng chi chít. Tôi bỗng hoảng hốt y hệt buổi chiều khi ráng mỡ gà đột nhiên phản chiếu. Tôi nhận ra thế giới bao la vô cùng vô tận, bản thân tôi, sự sống và ngay cái chết đều là bé nhỏ và không có ý nghĩa gì. 

Người ta đóng quan tài cho anh Triệu ngay bên gốc trôi. Lâm và mấy thanh niên trong xóm mang hương án lập bàn thờ. Trên bàn thờ có ảnh, bát hương, ngũ quả, cau trầu... Cả làng đổ ra bên gốc cây trôi. Có ai lại mang chiếu hoa ra trải trên đất để cho các cụ bà ngồi têm trầu. Dân quân đến gác, mang cả súng. Một bầu không khí vừa trang nghiêm, vừa thương xót, lại lo sợ nữa trùm lên tất cả. Người ta nhập quan anh Triệu vào lúc nửa đêm, đèn đuốc sáng rực một vùng. Mọi người đều chít khăn tang. Mẹ Lâm cũng đưa cho tôi một chiếc khăn tang. Tôi đoán chiếc khăn xé ra từ chiếc màn cũ ở nhà, trên khăn có vết khâu díu chỉ đen. Kèn trống tưng bừng, các bà, các chị và các em nhỏ khóc ròng. Tôi cũng đã khóc. Nhập quan xong, Lâm và mấy thanh niên về nhà bắt lợn, thổi xôi, thịt lợn, nấu nướng ngay bên gốc trôi. Khi trời sáng bạch thì xong mọi việc. Lễ tang anh Triệu tiến hành lúc tám giờ sáng. Lúc này mặt trời lên cao rực rỡ, ánh nắng chan hòa khắp cả cánh đồng. Các cụ ông, cụ bà và người trong xóm đứng xúm xít quanh quan tài. Học sinh xếp hàng ở trước mặt họ. Ông Miêu hiệu trưởng đọc điếu văn, người cứ run bắn lên. Tôi lắng nghe, hết sức ngạc nhiên khi biết anh Triệu không phải là người làng này. Bố mẹ anh ở Hà Nội, bố anh là bộ trưởng, mẹ anh sinh ra trong một gia đình trí thức tiếng tăm. Anh sống độc thân, đã ở làng này chín năm, anh chẳng bao giờ về thăm gia đình mình ở thành phố, nghe nói bố mẹ anh đã “từ” anh, bản thân anh chỉ là một giáo viên cấp một bình thường. Người ta chôn anh Triệu trong bãi tha ma của làng. 

Trên mộ chỉ có mỗi vòng hoa trắng. Sau này, tôi đã dự nhiều đám ma người khác nhưng tôi hiểu rằng đây là đám ma duy nhất để lại trong tôi ấn tượng không thể phai mờ. 

Người ta phải cảm ơn anh 
người thầy giáo nông thôn 
Anh là người khai hóa vĩ đại của nhân dân tôi 
Đây mới là kiến thức tinh khiết 
Cho dù nó vừa thô sơ,vừa sai lầm, 
lại vừa ấu trĩ nữa 
Nó là a, b, c 
ơi anh giáo làng 
Anh phải làm việc với bọn ranh con thò lò mũi 
Chúng không biết thế nào là tay phải, tay trái 
Anh sẽ dạy chúng, phải không, 
anh sẽ dạy chúng. 
Tay phải thì vung cao 
Còn tay trái đặt lên trái tim.... 
Anh sẽ dạy chúng, phải không, sẽ dạy chúng: 
Đây là số không, là số một 
Còn mẹ thì không bao giờ được quên 
Phía trước là chân lý 
Rất có thể có nạn hồng thủy 
Mà ngoài trái đất là thiên hà 

Buổi chiều hôm ấy chỉ có Lâm mang trâu đi bừa, còn mọi người đều ở nhà. Mẹ Lâm làm cơm cúng anh Triệu. Chị Hiên vừa vặt lông gà vừa khóc, trên đầu vẫn vấn khăn xô. Mẹ Lâm bảo: Hiên này, mày bỏ khăn ra đi. Mình lòng thành, để tang anh ấy trong lòng. Còn người thiên hạ trông vào, chồng mày ở xa, tao trông cái khăn hãi lắm”. Chị Hiên bỏ khăn la khóc: “Lạy thầy giáo, thầy giáo sống khôn chết thiêng, phù hộ phúc đức cho gia đình em”. Bà Lâm bảo: “Thằng Tiến nhà này được ông giáo thế mạng. Tuy là người dưng nhưng hóa thần thánh trong nhà. Người đâu mà quý hóa thế?” Ông Miêu đang ngồi uống nước với bố Lâm. Ông Miêu bảo: “Anh ấy là cháu cụ giáo Đạt có chân trong nhóm văn thân ngày xưa, người bên Ninh Xá. Dòng họ ấy nhiều người hào kiệt lắm”. Bà Lâm bảo: “Khốn nạn con gái làng này, thế không đứa nào thương ông giáo à? Người thế mà chết không ai nối dõi thì có phí không?” Chị Hiên bảo: “Nghe nói trước có để ý đến cái Thu nhưng bị nó chê là lạnh lùng, triết lý, không tình cảm”. Bà Lâm bảo. “ Cha bố con đĩ, để tí nữa nó đến đây tao bảo. Các cô bây giờ chỉ thích nước sơn hào nhoáng, rồi rơi vào tay Sở Khanh mới biết thân”. Ông Miêu bảo: “Dòng máu hào kiệt ở nước mình cứ cạn dần vì mỹ nhân toàn rơi vào tay bọn Sở Khanh với Khuyển ưng cả. Tiếc lắm thay! “ Bố Lâm bảo: “Tôi cũng không thích triết lý”. Ông Miêu bảo: “Người ta triết lý để chết thì cũng phải bỏ qua thôi. Ở nước mình, những cái chết ngẫu nhiên đáng sợ lắm. Mọi người đều phải vội vàng cả. Vội vàng như chẳng kịp... Đấy là thân phận anh Triệu”. 

Cuối giờ chiều, cỗ bàn vừa xong thì bà Hợp bên hàng xóm đến kéo theo mấy bà mấy cô bên đội cấy. Bà Hợp gào thét từ ngoài ngõ. Bà Hợp bảo: “Ông Ba Đình ơi, ông ra mà xem con trai ông cày bừa ngoài đồng. Cày thì cày lỏi, bừa thì bừa dối. Chúng tôi mang mạ đến bắt đền ông đây”. Lâm từ trong nhà chạy ra đỏ bừng mặt. Bố Lâm hỏi: “Không cấy được à?” Bà Hợp bảo: “Cấy được thì chị em chúng tôi chẳng phải dến bắt đền ông”. Lâm bảo: “Cháu xin lỗi, cháu ham về ăn cỗ quá”. Bố Lâm quát: “Nằm xuống đây! Tao đánh ba roi để nhớ. Bà Hợp ạ, để tôi bảo cháu nó ra bừa lại cho bà”. Bố Lâm rút cái dây mây trên nóc nhà xuống. Lâm nằm phủ phục ở sân. Mọi người xúm lại ngăn. Bố Lâm bảo: “Các bà đi ra đi, để tôi dạy cháu. Làm ăn không cẩn thận, đánh để nhớ. Nó còn ra ngoài thiên hạ kiếm cơm, rồi quen thói lừa lọc thì ra làm sao”. Mẹ Lâm níu tay bố Lâm: “Tôi xin ông, đánh con nó nhẹ tay thôi”. Bố Lâm cầm roi bảo Lâm: “Tao đánh ba roi cho nhớ. Hai roi phải nhớ làm ăn cẩn thận. Một roi phải nhớ là con lão Ba Đình, đừng để bố mày bị thiên hạ chửi vào mặt”. Chiếc roi vút lên không trung, Lâm nảy người lên ba lần. Mẹ Lâm giằng roi trong tay bố Lâm mắng: “Rõ đồ vũ phu” 

Lâm lồm cồm bò dậy chắp tay: “Con lạy bố”. Bố Lâm lầm lũi xuống bếp tháo trâu, vác bừa đi ra ngoài ngõ. 

Chập tối, cái Khanh chạy về bảo: “Anh Lâm ơi, anh Hiếu có thư đây này”. Tôi ngạc nhiên, hóa ra thư của bố tôi. Bố tôi viết: 

“Con thân yêu! Bố rất bực mình vì bố đi vắng thì mẹ tự tiện thả con về nông thôn. Tao xin báo cho mày biết, đồ chó, rằng nhà mày ở thành phố, tương lai của mày ở đấy! 
Con ơi, con hãy nghe bố, con phải về ngay. Bố mẹ sẽ mở rộng cửa đón mày như đón đứa con nhẹ dạ, nhẹ dạ quá mức... 
Bố của con” 

Tôi sững người. Tôi đưa cho Lâm đọc thư. Lâm bảo: “Hiếu ơi, thôi mày về đi. Bố mày không đánh ba roi như bố tao đáu, với lời lẽ thế này thì ông ấy giết. Sáng mai có tàu năm giờ sáng đấy”. Sớm hôm sau, Chị Hiên dậy nấu cơm nếp rồi gói lá chuối cho vào túi tôi. Lâm hỏi: “Mày đi một mình được không?” Tôi gật đầu. Mọi người trong nhà đều như bận việc, có vẻ như không một ai để ý đến tôi. Tôi biết, tôi có quyền gì đòi hỏi mảy may lưu luyến ở họ: ở bà Lâm, bố Lâm, mẹ Lâm, Chị Hiên, cái Khanh, thằng Tiến...

Tôi rời thôn xóm ra đi. Trời còn tối lắm. Cánh đồng mờ mịt hơi sương. Tôi tự hỏi vì sao bố tôi lại đi coi tôi là người nhẹ dạ? 

Sự nhẹ dạ của lòng người. 
Tôi nhẹ dạ, anh nhẹ dạ, chị nhẹ dạ 
Và em nữa, em thân yêu 
Em nhẹ dạ quá chùng 
Chúng ta đều nhẹ dạ ở cõi đời này 
Tôi đã nhẹ dạ tin theo bố tôi 
Tôi nhẹ dạ tin anh, tin chị 
Và em nữa, em thân yêu 
Em nhẹ dạ quá chừng 
Trái tim em trong trắng thế 
Và đôi môi em tinh khiết thế 
Đôi mắt em buồn tái tê 
Niềm tin kia... 
Niềm tin chẳng giả thiết gì, chẳng điều kiện gì 
Còn nếu tôi là quỹ dữ 
Anh là quỹ dữ, Chị là quỷ dữ 
Bố mẹ tôi là quỷ dữ 
Sự nhẹ dạ của lòng người 
Có chắp cánh cho chúng ta bay lên 
Thiên đường không 

Tôi cứ đi, đi mãi. Tôi băng qua cánh đồng, qua dòng sông. Mặt trời bao giờ cũng
ở phía trước mặt tôi. 

Tôi còn nhớ mãi... Năm ấy tôi mười bảy tuổi. 


Xóm Nhài, thôn Thạch Đào, Tỉnh N.

Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2011

Một lá thư ... gửi em


Anh yêu em mà không biết bao lần làm em khóc và lo lắng vì anh, giá như anh và em học cùng trường có lẽ anh sẽ không vậy đâu. Người ta nói xa nhau đôi lúc hay nghĩ lung tung và sinh ra nghi ngờ đúng không em? Đối với anh niềm tin mà anh dành cho em là tuyệt đối, đôi lúc có giận hờn vu vơ nhưng thật ra anh rất thương em. Đúng là thương nhau nhiều cắn nhau đau phải không em? Một điều mà anh chưa bao giờ nghĩ tới là một người đàn ông xấu xí, thấp bé như anh lại có một người yêu xinh đẹp và thùy mị, đoan trang biết suy nghĩ chu đáo là em, đúng là anh thật diễm phúc không một từ nào diễn tả được.
Em đã bước vào trái tim anh như một màu hồng, một trái tim luôn hòa cùng nhịp đập với anh, như cùng chung điều gì đó sao mà hạnh phúc sung sướng vậy. Đôi lúc anh thật giống trẻ con em nhỉ, yêu một người mà không bảo vệ và giữ được trái tim họ bên cạnh mình, có lẽ khi nói ra em sẽ buồn lắm đây. Thật lòng anh luôn muốn em gần anh chứ không muốn xa đâu, nhưng làm sao ngăn được em nhỉ, chúng ta đành chấp nhận số phận thôi. Anh cũng không hiểu vì sao trước bao nhiêu người anh không có một cảm giác sợ sệt rụt rè là gì mà trước em anh lại giống cậu bé vậy nữa. Không phải vì anh quá hiền, cũng không phải giả tạo, mà khi gần em anh hạnh phúc không thể nói nên lời được nữa.

Anh cũng biết lá thư tay cuối cùng ấy em đọc sẽ cảm động mà khóc cũng nên. Nhưng em đừng khóc em nhé, khóc nước mắt chảy dài sẽ xấu gò má xinh đẹp đó nhớ chưa. Anh nói anh viết lá thư đó không nhớ gì nhưng thật sự anh đã dồn nén hết tình cảm của anh vào đó rồi đấy em ạ. Anh viết mà như chưa từng được viết ấy, vội vã và cứ run run đôi tay, anh cứ nghĩ cảm giác khi em ra trường rồi anh có muốn gởi cũng không đến nữa. Có lẽ vì yêu rồi cảm giác  khi xa nhau nhớ nhau vậy chăng? Anh luôn có cảm giác yếu đuối vì anh giống bác anh - luôn điềm đạm, nhẹ nhàng sâu lắng tình cảm nữa.
Em biết không, anh không phải là một người yếu đuối và không biết bon chen đâu, anh đã trải nghiệm rất nhiều trong xã hội, giờ đối với anh cái gì anh cũng biết làm cả nhưng có một điều anh chán vì gia đình anh còn nhiều vấn đề mệt lắm. Anh có cảm giác luôn thương mẹ và em gái rất nhiều nên giờ anh có người yêu rồi cũng vậy, anh không muốn ai khổ hết, tội nghiệp lắm em ạ. Anh luôn luôn bất mãn và mâu thuẫn với suy nghĩ của chính mình, anh không biết mình đang làm gì và vì sao vậy nữa.
Đôi lúc yêu một ai đó anh luôn mong người đó bên anh mãi mãi và anh có thể chở che cho người đó, bảo vệ suốt đời, nhưng cũng có lúc anh thấy bi quan, vì anh mặc cảm với chính mình, với gia đình anh. Anh sợ em lại khổ nữa, nên đành chúc em ra đi có một người con trai tốt và luôn yêu thương em mà thôi. Mặc dù anh rất yêu thương em, nhưng thôi xem như chúng ta có duyên mà không có nợ vậy.

Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2011

Những bài thơ tuyệt vời về rượu đàn ông phải đọc 5


300
Cuộc đời này mà không còn tiếng nhạc -
chẳng là gì.
Thiếu rượu nho và con nai ngơ ngác -
chẳng là gì.
Vậy vui đi, say đi khi biết mình sống tạm.
Vì thực chất trên đời mọi điều khác
chẳng là gì.
302
Anh may mắn và làm ăn thành công -
Sao cốc cạn và bình rượu trống không?
Hãy uống đi, vì thời gian chắc chắn
Mai sẽ lại lột trần anh, biết không?

307
Anh cứ đi thật nhiều rồi sẽ rõ
Rằng không gì hay hơn ly rượu nhỏ.
Như rõ ràng tiếng thủ thỉ người yêu
Nghe hay hơn lời cầu kinh cha cố.

314
Dưới khóm hoa, bên bờ khe mát lạnh
Hãy cùng bạn vui chơi, ngắm cảnh.
Vì ở đời, ai thờ rượu, Khayyam.
Người ấy chẳng bao giờ thờ ảnh thánh.

316
Tôi thì rượu và tình, anh - nhà thờ.
Tôi địa ngục, anh - thiên đường đang chờ.
Ta không có lỗi gì vì số phận
Được thượng đế định trước từ bao giờ.

317
Một khi ta không làm chủ cuộc đời,
Thì thả sức cứ say và cứ chơi.
Đừng sợ chết, đừng buồn, đừng oán trách,
Đừng phí công làm trái lại ý trời.

318
Người thông minh thường vẫn dạy chúng ta:
Ai mộ đạo, thấy rượu phải lánh xa.
Không, Alla không cấm ta uống rượu.
Mà ngược lại, ngài nói: "Maixara!"(1)

319
Nào anh bạn, hãy mang rượu ra đây.
Ta vỏn vẹn chỉ được sống hai ngày.
Đừng sợ gì, đừng trách ai, dũng cảm
Đón mọi điều, đón bằng cả hai tay.

321
Đời cứ trôi, chẳng thèm nghe ai cả.
Thiếu rượu, tình - không có gì đáng giá.
Sau chúng ta người khác sẽ lên thay,
Như hết xuân tất nhiên là đến hạ.

322
Cứ để tim lửa tình luôn rực cháy.
Cứ để cốc rượu luôn đầy, cứ vậy.
Trời cho ta quyền hối lỗi, nhưng tôi,
Tôi tuyên bố khước từ ân huệ ấy.

324
Hết khổ đau, ta sẽ được tự do.
Nhịn đói nhiều, ta sẽ được ăn no.
Tiền bạc hết, sẽ có ngày có lại.
Cốc rượu cạn rồi lại đầy, đừng lo.

325
Tôi bị bệnh, phải nằm yên một chỗ.
Rượu bị cấm, càng làm tôi thêm khổ.
Không, vứt xa những thứ thuốc này đi.
Chữa bệnh tôi chỉ có ly rượu nhỏ.

326
Quyến rũ tôi là phụ nữ lả lơi.
Là cốc rượu làm say đến lịm người.
Tôi muốn hưởng mọi niềm vui trần tục
Cho đến khi bị tống ra khỏi đời.

328
Vì trí thức bây giờ không được giá,
Và thằng ngu đang trị vì thiên hạ,
Nên tôi say, tôi uống để thành ngu.
Mong nhờ thế thành giàu và danh giá.

329
Đừng buồn đau vẩn vơ, đừng cay cú.
Đừng trách đời cho anh lãnh đủ.
Nhớ: Bên anh thần chết vẫn luôn chờ.
Và hạnh phúc là uống say, đi ngủ.

330
Đời là chuỗi buồn đau và khó nhọc.
Ít tiếng cười mà quá nhiều tiếng khóc.
Này anh kia, hãy vứt hết sách kinh.
Hãy uống rượu, và uống xong - đập cốc!

331
Vô lo tỉnh, vô lo cứ ngủ say.
Bao cái buồn phải xua hết; hôm nay
Khi chính anh thành bình chưa bị vắt
Thì phải vui, cốc rượu phải rót đầy.

332
Tôi - cốc rượu trên bàn tay run rẩy.
Anh, thằng ngốc, cầm sách Kinh - thế đấy.
Rượu luôn làm tôi ướt, anh khô.
Xuống địa ngục thì anh càng dễ cháy.

334
Tia nắng sớm vừa xuyên qua cửa sổ.
Phải đánh cốc, rót đầy ngay rượu đỏ.
Rượu nghe đồn là thuốc độc - không sao.
Và chân lý vẫn luôn nằm trong nó.

335
Các bí mật cuộc đời không ai biết.
Cũng chẳng ai biết được ngày mình chết.
Hãy uống đi, đời ngắn lắm, uống đi.
Kẻo chết sớm, cốc này không uống hết.

339
Ta được dạy chỉ một điều buồn tẻ:
"Sống tử tế sẽ thành ma tử tế."
Vậy thì tôi suốt đời yêu và say.
Hy vọng chết cũng trở thành như thế.

340
Hãy vui lên, đừng tham, đừng cáu giận.
Tìm mọi cách mà chiều lòng số phận.
Đừng bao giờ xa rượu, xa người yêu
Cũng đừng quên cuộc đời này rất ngắn.

341
Sống mà không biết say, luôn cau có
Thì thật ngốc, hoặc ít ra, thật khổ.
Bản thân tôi được rượu dạy điều này:
"Cứ uống đi, rồi mọi điều sẽ rõ."

343
Lại lần nữa hoa hồng nở đầy.
Hãy cho người mang rượu ra đây.
Hãy quên đi thiên đường, địa ngục -
Chỉ trẻ con mới tin chuyện này.

347
Tôi chỉ uống với bạn bè - thế đấy.
Tôi uống rượu vì ý trời muốn vậy.
Nên bảo tôi bỏ rượu, khó vô cùng.
Ai dám trái lời ngài đã dạy?

349
Ta, người trần, liệu được sống bao lâu?
Hãy vứt ngay câu hỏi ấy khỏi đầu.
Đừng cố tránh cái điều không thể tránh.
Còn bây giờ, hãy rót rượu ra mau!

351
Kể từ ngày được sinh trên trái đất
Tôi hiểu rượu chính là điều hay nhất
Tôi ngạc nhiên thấy rượu bán rất nhiều.
Ngạc nhiên hơn - giá cũng không quá đắt.

352
Càng về già, càng uống nhiều cho bõ.
Rượu giúp ta quên mọi điều đau khổ.
Tôi chết đi, hãy lấy rượu lau người.
Nhớ trồng giúp một giàn nho trên mộ.

354
Anh - suốt ngày lo đọc kinh, tính toán.
Tôi - uống rượu cùng người yêu và tán.
Cuộc đời tôi dành cho rượu và tình.
Không để phí như anh đâu, anh bạn.

357
Ê, anh kia, uống đi, đừng ngủ gật.
Xin hãy nhớ một điều đơn giản nhất:
Chưa có ai sống lại bao giờ.
Và cả ta rồi cũng chui xuống đất.

358
Nếu anh muốn bằng người, không thua ai
Thì phải uống hàng ngày - từ thứ hai
Đến thứ ba, tư, năm và sáu, bảy.
Còn chủ nhật thì phải uống gấp hai.

360
Rượu là cái đáng ta thờ sớm tối.
Lãng phí rượu sẽ bị trời bắt tội.
Anh để rơi nước mắt - chẳng hề gì.
Nhưng đổ rượu - anh là người có lỗi.

361
Còn được uống đều đều - hãy mừng đi, Khayyam.
Được ngồi cạnh người yêu - hãy mừng đi Khayyam.
Và dòng chảy cuộc đời một ngày kia sẽ cạn,
Nhưng rượu anh còn nhiều - hãy mừng đi, Khayyam

363
Ai cau có và buồn lo vô cớ
Thì phải sống suốt đời trong nỗi sợ.
Tôi, Khayyam, uống, uống nữa, chừng nào
Nhạc chưa tắt và cốc tôi chưa vỡ.

366
Còn đang sống, tôi còn vui, còn say.
Mang thật nhiều, thật nhiều rượu ra đây.
Tôi sẽ uống đến ngã lăn ra ghế
Nhưng tất nhiên cốc rượu vẫn trên tay.

367
Ramazan - tháng ăn chay, chán thật.
Phải nhịn đói tụng kinh hoa cả mắt.
Nên tôi nhầm, uống phải rượu, Alla
Chắc tha thứ cái tội này nhỏ nhặt.

368
Tôi nhìn rượu mà thấy như máu đỏ
Liền tự nhủ: "Uống làm gì, thôi bỏ."
Nhưng hình như ai đó nói bên tai:
"Không có máu, sống làm sao hả bố?"

369
Cốc không rượu thì buồn không chịu nổi
Ăn cái gì cũng nhạt phèo - phải nói
Đời bắt ta chịu trăm bệnh đau buồn,
Chỉ có rượu là giúp ta chữa khỏi.

370
Không uống rượu đời này là rất khó.
Không có rượu, chân đứng yên một chỗ.
Khi người ta đưa cốc rượu mời tôi,
Thì tất nhiên tôi sẽ cầm lấy nó.

373
Mặc người khác cười chê, nào lại đây.
Hãy hát đi, hãy cầm cốc lên tay.
Ta cùng uống, bán cả nhà để uống.
Và uống xong đập vỡ chiếc cốc này.

375
Bỏ uống rượu và suốt đời không yêu?
Thế thì chết còn hơn, bởi một điều:
Đời rất ngắn, tiếp theo là cái chết.
Mà những gì sót lại cũng không nhiều.

376
Người hiểu rõ luật thiên nhiên, chắc chắn
Không bao giờ quá say hay quá giận.
Biết mọi điều ác thiện sẽ trôi qua.
Mà thiện ác còn tùy ta nhìn nhận.

377
Tim tôi yêu, nhức nhối - hãy tha thứ cho tôi.
Ý nghĩ đầy tội lỗi - hãy tha thứ cho tôi.
Còn bàn tay, hễ thấy rượu là chìa.
Chân say không đứng nổi - hãy tha thứ cho tôi.

379
Cuộc đời này chưa bằng hai hạt thóc.
Đừng bỏ rượu mà bị coi là ngốc.
Đừng vẩn vơ mơ tưởng chuyện thiên đường.
Tốt hơn hết, xin mời anh cạn cốc.

380
Trừ cốc rượu và tình yêu - hết thẩy
Gia tài tôi - muốn lấy gì thì lấy.
Quá nửa đời nổi tiếng một thằng say.
Đến lúc chết chắc thằng tôi vẫn vậy.

381
Đừng nhíu mày vì đời lắm buồn đau.
Đừng bận lòng lo nghĩ chuyện đâu đâu.
Hãy làm đầy cuộc đời anh bằng rượu,.
Như rót đầy cốc rượu này chúc nhau.

382
Chỉ thằng ngốc mới ăn chay, tụng kinh.
Cái ta cần là cốc rượu và tình.
Yên tâm đi, Khayyam, sau khi chết
Xác của anh cũng bị vắt thành bình.

384
Ngài làm vỡ bình của tôi, ôi thượng đế.
Làm tôi khát, khô cháy môi, ôi thượng đế.
Bình rượu ngon mà đổ phí thế này
Thì đích thị ngài say rồi, ôi thượng đế.

386
Nào, hát đi, cô gái, đừng ỡm ờ.
Nàng và ta say từ sáng đến giờ
Ta tiếp tục say suốt đêm, đến mức
Không biết mình đang sống thật hay mơ.

387
Hỡi thượng đế, hãy cho cái con cần.
Đừng để lũ đê hèn cho con ăn.
Cũng nhân tiện, ngài hãy cho con uống.
Uống thật say, quên bao nỗi nhọc nhằn.

388
Cái trong cốc không phải là nước lã.
Hãy uống đi, không có gì hèn hạ.
Vì ngày mai, chết bị vắt thành bình.
Có thể ta sẽ khát nhiều hơn cả.

389
Không trốn được số trời, buồn làm gì?
Hơi đâu mà oán đời, buồn làm gì?
Hãy uống đi, quên mọi điều đau khổ.
Nào uống hết một hơi, buồn làm gì?

390
Tranh luận nhiều như thế ích gì không?
Có ích gì khi bàn chuyện viển vông?
Hãy mang rượu ra đây ngay, nhân thể
Gọi cho thêm mấy cô gái má hồng.

391
Hãy cúi xuống rót thật đầy, rót đi.
Để ta uống đến kỳ say, rót đi.
Bạn bè phản, chỉ quán này không phản.
Nên ta ngồi uống ở đây, rót đi.

392
Hãy dũng cảm nhìn trời xanh trên đầu.
Hãy uống rượu để xua hết buồn rầu.
Sớm hoặc muộn, ai cũng thành bụi đất.
Cái ngày ấy cũng chẳng chừa anh đâu.

393
Môi cốc rượu và đôi môi người yêu
Là những cái tôi cần, quả không nhiều.
Tôi làm bạn với cả hai, vì thế
Tôi vào quán suốt từ sáng đến chiều.

      THAI BA TAN dich

Những bài thơ tuyệt vời về rượu đàn ông phải đọc 4

236
Lại lần nữa họa mi hót véo von,
Hoa lại nở, làm ngây ngất tâm hồn,
Hãy uống đi, uống mùi hương thơm dịu,
Uống vào lòng cả tình yêu, cái hôn

238
Anh đừng trách ở đời cái gì rồi cũng mất.
Sống ngày nào cứ vui. Hãy nghe tôi nói thật:
Nếu mọi cái ở đời mà vĩnh cửu, bền lâu
Thì chẳng đến lượt anh được sinh trên trái đất.

240
Thà im tiếng còn hơn nổi danh nhưng nhục nhã.
Cũng đừng trách cuộc đời, đời thế thôi, đừng lạ.
Tôi, Khayyam, thích nổi tiếng thằng say,
Hơn được khen thông minh
 nhưng bất lương, xảo trá.

243
Cùng bạn say cứ ăn chơi, cứ tán.
Đừng ăn chay, đừng tụng kinh buồn chán.
Tôi, Khayam, xin khuyên thật thế này:
"Uống, ăn đi, và đừng ky với bạn"

244
Lại lần nữa tim tôi buồn, lo sợ.
Vì người yêu đã bỏ đi vô cớ.
Người ta mang cốc rượu đến cho tôi.
Cốc đựng máu của trái tim tan vỡ.

247
Đừng quá chén mà thành say bí tỉ.
Đừng xúc phạm bạn bè, đừng mất trí.
Cả khi say anh vẫn phải là người
Tốt, vui vẻ, dễ thương và tế nhị.

249
Sáng hối hận rằng đêm qua quá say.
Tôi quyết tâm bỏ uống rượu hàng ngày.
Nhưng bây giờ tôi tiếc mình bỏ rượu.
Hãy nhìn kia - hoa nở đẹp thế này.

250
Thà bị lạc giữa những nàng xinh trẻ.
Hơn giữa những cuốn sách dày buồn tẻ.
Khi thời gian chưa uống hết máu anh.
Hãy uống máu những chùm nho đẫm lệ.

251
Ai nghiện rượu đến lấy râu quét quán.
Người ấy sống tự do, không buồn chán.
Không có ăn, túi rỗng, cũng bất cần.
Trời có sụp, vẫn vênh râu bình thản.

252
Tôi đã sống thật ngu và vô lý.
Tôi uống rượu mà nhạt phèo, vô vị.
Tiếc rằng tôi đã làm trái ý trời.
Tiếc phần lớn đời tôi, tôi bỏ phí.

255
Sống chỉ cần sáu mươi năm thanh thản.
Không cần giàu, chỉ cần nhiều bè bạn.
Và khi anh chưa bị vắt thành bình.
Hãy làm bạn với bình khi buồn chán.

261
Ai ở đây hiểu ta bằng chủ quán?
Trước ông ta đừng kiêu căng, đừng phán.
Theo luật chung, hãy can đảm, đừng chờ.
Đã vào đây ai cũng là bè bạn!

262
Cứ uống đi, từ thời xa xưa nhất
Những người chết thường nằm yên dưới đất.
Ở đời này mọi cái giả, phù du.
Chỉ duy nhất điều này là có thật.

265
Nếu bia rượu trong nhà ta có sẵn.
Thì hãy uống, uống cho tiêu buồn chán.
Đừng lo trời đang theo dõi bắt anh:
Không có ta, ngài cũng thừa cái bận.

266
Cốc rượu toả mùi thơm như hương hồng ngây ngất.
Ta uống rượu, tưởng khôn, nhưng hoá ra ngu nhất.
Nó moi hết ruột gan, cám dỗ, khiến ta nhầm.
Ta tưởng ta lên trời, nhưng lại chui xuống đất.

267
Đang say rượu, bước đi, tôi lớ ngớ
Để bình rơi, may mà bình không vỡ.
Tôi thầm ơn thượng đế, bởi đời này
Tuy không rơi, đã quá nhiều bình vỡ.

273
Chúng ta uống vì chúng ta vui vẻ.
Vì bên ta là những cô gái trẻ.
Bọn người điên gọi ta là điên
Ừ thì điên, ta say nhưng tử tế.

280
Thời chúng ta người thông minh nghèo khổ.
Thằng ngu dốt thì chức quyền, giàu có.
Hay nên chăng uống rượu để thành ngu,
Để có chức, có tiền như chúng nó?

281
Ngày lại ngày, như mặt trời mới dậy
Tôi lại uống rượu nho vàng rực cháy.
Người ta đồn chân lý đắng và cay.
Thế thì nó trong cốc này, chắc vậy.

283
Không có rượu - cốc này thật đáng ghét.
Chai trở thành vô hồn khi rượu hết.
Bạn Khayyam chỉ duy nhất cốc này
Từ khi biết mùi men cho đến chết.

284
Anh đang yêu? - Thì cùng bạn cứ say.
Cứ múa hát và đàn đúm suốt ngày.
Mặc người tỉnh suốt đời lo với nghĩ.
Đừng bao giờ để cốc rượu rời tay.

287
Kinh Côran - cả các nhà hiền triết
Cũng mất gần một năm mới đọc hết
Nhưng thơ khắc trên cốc rượu, thằng say
Không biết chữ mà đọc thông, thật tuyệt.

288
Hỡi cô gái tôi yêu, hãy dập tắt
Lửa tình yêu bằng rượu vang ngon nhất.
Hãy mang thêm để ta uống cùng say,
Trước khi chết bị vắt thành bình đất.

290
Lòng sáng hơn khi cốc rượu trên tay.
Cuộc đời trôi rất lặng lẽ từng giây.
Tuổi trẻ, tình yêu chỉ thoáng qua, hãy nhớ.
Mà thần chết luôn chờ anh đêm ngày.

291
Hoa hồng đẹp, còn long lanh sương đêm.
Nhưng hoa hồng không đẹp bằng mắt em.
Anh tự bảo: Khayyam, đừng buồn nữa,
Vì ít ra, anh còn ở bên em.

294
Không phải tìm cái vui thấp hèn.
Cũng chẳng vì tôi say hay điên,
Mà xấu hổ vì sống không mục đích,
Tôi uống rượu để tìm lãng quên.

296
Tôi nhấn chìm tuổi xuân trong cái say.
Không có rượu, chẳng đáng sống đời này.
Cay đắng, niềm vui bao nhiêu năm, tất cả
Trong chiếc cốc tôi đang cầm trên tay.

297
Hoa mới nở, hoa đã lại tàn rồi.
Ta cũng thế, cả anh và cả tôi.
Vậy uống đi, hái hoa đi, bởi lẽ
Đời chỉ đẹp trong nháy mắt mà thôi.

Những bài thơ tuyệt vời về rượu đàn ông phải đọc 3

141
Sống - tôi biết, chết với tôi - không lạ
Thế giới này tôi đi, nhìn, thấy cả
Và nhận thấy khắp nơi không thể có cái gì
Bằng cái say, bằng cái say vô giá.

146
Muốn thì uống, nhưng trí khôn đừng để mất.
Cái cảm giác đủ và thừa đừng để mất.
Đừng để ai đáng kính phải mếch lòng,
Và bạn tốt, đừng vì say mà để mất.

150
Ê, quan tòa luôn trang nghiêm, xin nói thật:
Anh tuy tỉnh mà xấu hơn thằng say nhất.
Tôi uống rượu nho, nhưng anh uống máu người,
Ai ác hơn - tôi hay anh? Xin hỏi thật!

151
Tớ là thằng đáng khinh, và càn rỡ?
Tớ không buồn, và thánh thần - đếch sợ.
Mặc, cứ say, và cốc rượu của mình
Tớ không xin, mà bắt mang cho tớ!

152
Nếu bên cạnh là một cô má đỏ
Nằm rót rượu cho tôi trên thảm cỏ,
Thì tôi chỉ là ngu, đáng khinh bỉ, chê cười
Nếu còn mơ một thiên đường nào đó.

154
Nếu tôi uống và say, không đứng nổi,
Thì thượng đế phải khen, không bắt tội,
Vì thế là tôi đã làm đúng ý ngài -
Ngài sinh tôi để say và phạm lỗi!

157
Vâng, tôi uống, nhưng không say, không truỵ lạc
Tôi uống rượu để tìm vui, xua cái ác.
Tôi cúi đầu thờ cốc rượu của tôi
Còn hơn anh cúi đầu thờ kẻ khác.

159
Đôi mắt tôi thích nhìn các cô nàng xinh nhất.
Đôi tay tôi thích cầm cốc rượu ngon, chén mật.
Tôi cố kiếm niềm vui, từng tí một cho mình,
Khi từng tí đời tôi chưa bị vùi xuống đất.

160
Chiếc bình này, như tôi, từng là anh ngu ngốc,
Từng si mê các nàng, từ hàm răng, mái tóc.
Các bạn hãy nhìn kia, chiếc tay xách trên bình
Là cánh tay từng ôm những tấm thân ngà ngọc.

163
Đừng chê người uống say không đứng nổi.
Hãy cố sống chân tình, không giả dối.
Anh không say, nhưng chớ vội tự hào -
Xấu hơn say là việc làm tội lỗi.

164
Cả giàu, đói, sang, hèn - tôi, các bạn
Vừa ngủ dậy là kéo nhau đến quán.
Cốc rượu vang ta cứ việc rót đầy,
Chừng nào cốc đời ta chưa uống cạn.

167
Chân lý này anh ngốc nào cũng biết:
Ta bỏ rượu là nhà hàng sẽ chết.
Ta mà thôi phạm tội, chúa trời
Chẳng còn biết cứu ai - càng đỡ mệt!

168
Cốc rượu này uống đi, vì trăng hoa trong đó,
Vì tuổi trẻ, niềm vui và bài ca trong đó.
Hãy ngồi xuống cùng nhau say một chút, đỡ buồn.
Cốc rượu này uống đi, vì đời ta trong đó.

170
Dù ăn no, rượu ngon, không phải làm việc nặng,
Dù cô gái anh yêu đôi má hồng, da trắng,
Dù có bạn tâm tình, dù nghe nhạc, tim anh
Cũng không thể bình yên, nếu lòng anh lo lắng.

179
Thật bất hạnh cho ai lửa trong lòng nguội tắt,
Không yêu ghét, buồn vui... Và anh, tôi nói thật,
Sống không có người yêu,
không uống rượu ngày nào,
Thì ngày ấy cứ xem anh hoàn toàn để mất.

184
Thêm một ngày mùa xuân đang nở rộ.
Như hạt ngọc sương treo trên lá cỏ,
Chim hoạ mi lại quyến rũ hoa hồng,
Mời hoa uống cốc rượu màu máu đỏ.

185
Ai nhức đầu - uống rượu vào sẽ hết!
Ai cãi nhau - uống rượu vào sẽ hết!
Hãy tin tôi, tôi đã nghiệm nhiều lần:
Ai buồn đau - uống rượu vào sẽ hết!

191
Rượu chỉ cấm với những người ngu ngốc
Chứ không phải người thông minh, có học.
Uống rượu là cần, nếu anh biết rằng anh
Uống với ai, bao giờ và mấy cốc!

192
Cốc rượu ngon hơn lời khuyên thượng đế,
Hơn vàng bạc, hơn lâu đài tráng lệ.
Đời mà không có rượu, sống làm gì?
Chỉ còn lại cái đau và buồn tẻ!

193
Từng cánh tuyết trên trời đang rơi xuống xa xa,
Nghĩa là ở trên trời vườn thượng giới ra hoa.
Nào các bạn, cùng tôi, hãy rót đầy, nâng cốc
Mừng thượng đế lòng lành gửi cái đẹp cho ta!

195
Khi xung quanh cảnh đẹp thế này,
Chỉ thằng ngốc mới không muốn say,
Chao, trăng sáng, hoa hồng thơm, chim hót.
Chưa giọt nào mà đã thấy ngất ngây!

197
Suốt ngày đêm phải ăn chay, nhịn đói,
Trời còn bắt tụng kinh - tôi mệt mỏi,
Nên lẫn lộn lung tung, tôi uống rượu vì nhầm,
Chắc vì thế, trời sẽ không bắt tội.

199
Hạnh phúc hết còn gì, ngoài cái tên vô vị?
Trong số bạn bè tôi chỉ rượu là chung thuỷ.
Tôi cũng chẳng bao giờ từ bỏ nó, vì sao?
Vì duy nhất với tôi nó là người tri kỷ!

200
Người thì lo chúi đầu vào chiếc cốc,
Người thì cầm sách kinh, không ngớt đọc.
Ở đời này chỉ thượng đế là khôn
Còn chúng ta ai cũng mù, cũng ngốc!

201
Thần chết bắt bạn tôi xuống mồ sâu mãi mãi,
Mà thiếu họ cuộc đời thành cô đơn trống trải.
Mới uống rượu cùng nhau còn đông đủ ngày nào,
Họ say trước, ra đi, giờ mình tôi ở lại.

202
Ngồi làm việc đến đầu đau, hông vẹo
Giới học giả không anh nào to béo,
Nên ở đời, chưa được chén nho tươi,
Thân xác họ đã thành nho khô héo.

206
Sự độc ác của đời khiến tôi luôn sửng sốt,
Đến mức ngủ không ngon, trái tim đầy đau xót.
Cái gáo nhỏ đầu tôi đầy ý nghĩ buồn rầu,
Giá nó đầy rượu thơm và ngon thì thật tốt.

208
Hãy cứ uống, cứ vui cho đến lúc
Chẳng còn sống để uống, vui hạnh phúc.
Chỉ thằng ngu mới tin ở thiên đường,
Tin ngọn lửa thiêu người nơi địa ngục.

209
Mỗi lần say, giữa khi đang vui nhất,
Hết cốc này đến cốc kia ngây ngất,
Tôi chỉ xin các bạn nhớ một điều:
Các bạn vui mà Khayam vắng mặt!

210
Cái chân lý sau đây, ừ thì xưa, thì cổ,
Nhưng nhắc lại không thừa:
"Uong di, đừng nhăn nhó,
Vì lưỡi hái thời gian sớm muộn sẽ cắt anh,
Mà anh chẳng mọc thêm, anh đâu là ngọn cỏ!"

211
Anh uống rượu, anh yêu - chẳng có gì đáng ghét.
Bỏ cầu kinh, phá chay - cũng không là tội chết.
Chỉ cần anh không tham, chân thật với mọi người,
Các tội khác nhỏ to sẽ được trời tha hết.

212
Những tia nắng đầu tiên đẹp không, anh bạn trẻ?
Hãy rót rượu uống đi, mừng một ngày mới mẻ.
Giây phút này kỳ diệu sắp đi qua,
Mà tìm lại xưa nay đâu phải là chuyện dễ!

213
Cuộc đời này xấu xa, bất công và ngu ngốc
Đang đầu độc đời tôi bằng rượu pha thuốc độc.
Tôi hèn nhát, sợ đau, không muốn chết từ từ,
Nên tôi uống một hơi, uống ngay cho hết cốc!

215
Không ai cấm ta ngồi uống vài ba chén nhỏ
Với những người ta yêu, người thông minh đức độ.
Nhưng nhớ uống vừa vừa,
thỉnh thoảng uống làm vui,
Và đặc biệt không nên khoe say, không báng bổ!

219
Tôi nghe nói xưa nay rượu là nguồn bất tử,
Nên tôi áp đôi môi vào miệng bình, muốn thử.
Chiếc bình đất thì thầm tha thiết, vẻ van xin:
"Hôn em đi, trước kia chính em là vũ nữ!"

228
Nhiều gái đẹp, nhiều rượu ngon một lúc
Tôi càng say, lòng tràn trề hạnh phúc,
Như thể tôi đang ở tít thiên đường,
Thoát khỏi các buồn lo nơi thế tục.

231
Mong thần chết bắt tôi đi mãi mãi,
Rồi dẫm tôi thành đất xanh mềm mại,
Để người ta vắt đất ấy thành bình.
Ngửi thấy rượu, biết đâu tôi sống lại.

233
Tôi nghĩ ta không người nào có thể
Sống hai lần ở đời này vui vẻ,
Nên chừng nào thần chết vẫn chưa tha
Thì hãy uống, đừng kiêng khem như thế.

234
Nếu cuộc sống mỏng manh, chỉ vài giây là hết,
Thì không say, không yêu, theo tôi là tội chết.
Các tu sĩ ngày đêm mơ ước chốn thiên đường.
Tôi những muốn bật cười, thấy vừa thương vừa ghét.

Những bài thơ tuyệt vời về rượu đàn ông phải đọc 2


47
Nếu cứ vậy suốt đời anh chỉ tìm lạc thú.
Lo rượu, gái, vui chơi, lo tiền tài có đủ,
Thì tất cả trước sau anh cũng bỏ mà thôi.
Vì đời là giấc mơ - đến bao giờ anh định ngủ?

48
Kìa mây đen lại rơi nước mắt!
Khi không say nhìn cảnh này buồn thật.
Vì hôm nay tôi trên cỏ nằm chơi,
Nhưng ngày mai tôi đã nằm dưới đất.

49
Hãy tìm rượu, quẳng sách kinh ở đấy.
Chân lý nhà chùa trong cốc này mới thấy.
Sư không ôm nổi váy đời mình,
Thì hãy lại ôm váy nàng kia vậy.

50
Tìm rượu ngon, tìm cái vui, cái lạ,
Tôi bỗng thấy bông hồng khô trong lá.
"Ôi hoa ơi, sao nông nỗi thế này?"
"Vì trước kia tôi say và vui quá".

52
Giữa vườn hoa, người yêu, ly rượu nhỏ -
Là thiên đường xưa nay tôi muốn có.
Khi chưa ai được hưởng thú trên trời,
Thì vui tạm dưới này, trên bãi cỏ.

55
Sau cơn mưa, hoa hồng chưa khô.
Trong tim tôi nhiệt tình chưa khô.
Đóng quán sớm làm gì, ông chủ,
Nắng còn vương trên kính, chưa khô.

56
Chỉ là bóng những gì anh đang thấy.
Chỉ cái vỏ bề ngoài anh đang thấy.
Không ai thấy phần trong, đừng cố thấy làm gì.
Hãy ngồi xuống mà uống bia đi vậy.

57
Tôi uống rượu không phải vì thích uống,
Cũng chẳng phải để tìm vui tôi uống.
Tôi uống vì nay tất cả trên đời
Tôi muốn quên, để giải sầu tôi uống.

60
Cứ la cà hết quán này, quán nọ,
Suốt đời say, tự do như ngọn gió.
Hãy cầm dao đứng đón dọc đường,
Cướp thằng giàu chia cho kẻ khó.

63
Trái tim là anh mù, luôn chui đầu vào bẫy,
Để cám dỗ gạt lừa, để thiên thần xúi bậy.
Trong nhà thờ làm lính mới không vui,
Thà ra quán, Khayam, mà làm vua ở đấy.

68
Này anh ngốc, anh đang sa vào bẫy
Của cuộc đời rất phù hoa, tôi thấy.
Anh đi đâu vội thế? Hãy cho tôi
Một cốc rượu rồi đường anh, anh cứ chạy.

71
Trước mặt mọi người anh làm tôi phải bẽ.
Anh gọi tôi thằng say và mắng tôi thậm tệ.
Được, không sao, tôi có thể nghe anh,
Nhưng anh xứng hay chưa để gọi tôi như thế?
78
Trong hư ảo đời này bao lâu tôi phải bước?
Đến bao giờ tôi thôi không làm anh hài hước?
Tôi chán lắm rồi cái cặn bã nhà ngươi,
Như cặn rượu cốc kia, ước gì tôi đổ được!

81
Ta không thể ngăn thời gian, không thể,
cả anh cả tôi.
Và cũng chết như nhau thôi, cũng thế,
cả anh cả tôi.
Nhưng khi ta nâng cốc rượu, tức là
Chân lý ở trong tay ta, quả thế -
cả anh cả tôi.

82
Dù bị cấm, rượu ngon là cám dỗ.
Được người yêu đưa cho - càng cám dỗ.
Cả thế gian là quán rượu đắt hàng,
Gì bị cấm, xưa nay đều cám dỗ.

83
Anh thất tình và rồi anh buồn đau?
Cứ phớt lờ tất cả.
Khóc làm gì, ta hãy uống cùng nhau!
Cứ phớt lờ tất cả.
Khi không say, tôi buồn than không ít,
Nhưng khi say, tôi đếch cần, hơi đâu!
Cứ phớt lờ tất cả.

89
Thật đáng thương cho trái tim không yêu.
Thật đáng thương cho trái tim đang yêu.
Nếu anh sống ngày nào mà không say ngày ấy.
Thì đời anh, anh để hoài bao nhiêu.

90
Hơn một nửa bạn bè tôi đã chết,
Số phận ta đều giống nhau phần kết.
Không ít kẻ cùng ta mới nâng cốc hôm nào,
Thế mà cốc đời mình nay uống hết.

103
Cứ yêu đi, cứ say đi, bởi lẽ
Không dại gì làm vua quan bệ vệ,
Vì thượng đế trên cao, tôi thừa biết, đếch cần
Cả râu tôi, cả ria anh đẹp thế.

105
Thật tội nghiệp những người than với khóc,
Hay để bụng, cứ bắt mình khó nhọc.
Hãy hát đi khi chưa đứt dây đàn.
Hãy uống đi chừng nào chưa vỡ cốc.

107
Bằng cái đẹp, bằng hương hoa, đời này
Đã làm Khayyam yêu và say.
Nhưng dòng suối của cuộc đời cứ cạn,
Muốn hay không, anh cũng đành bó tay.

109
Hãy mang rượu ra đây, đừng ỡm ờ!
Rót nữa đi, rót đầy, ngay bây giờ!
Già không nên giả vờ không uống,
Vì không uống lúc này thì bao giờ?

112
Rót nữa đi, chủ quán, rót vào đây
Thứ nước thần tôi uống đến kỳ say.
Cho đến khi con người tôi bèo bọt
Bị vắt thành chiếc cốc cầm trên tay.

113
Nếu đời tôi nằm trong tay thượng đế,
Và không ai thèm hỏi tôi như thế,
Thì rót đi, rót thêm nữa, nỗi buồn
Tôi cùng uống theo cốc này luôn thể.

117
Tôi bị gọi là thằng say - Quả đúng thế,
Thằng bất lương, thằng mặt dày - Quả đúng thế.
Nhưng tôi vẫn là tôi, nói gì mặc kệ,
Vẫn là Khayam này! - Quả đúng thế.

125
Tôi nghe nói thiên đường đầy suối mật,
Có đồng cỏ, có vườn cây đẹp nhất.
Rót rượu đi, tôi chẳng thiết thiên đường,
Tôi chỉ thích cốc này trên trái đất.

129
Hãy rót nữa, rót cho tôi, rót nữa,
Cho mặt tôi đỏ bừng lên như lửa.
Khi tôi chết, quan tài xin cứ cột dây nho,
Còn xác tôi - lấy rượu vang mà rửa

130
Tôi sẽ say cho tới ngày xuống mộ,
Cho mộ tôi cũng bốc mùi rượu đỏ,
Cho anh say đến viếng mộ thăm tôi.
Trở thành say gấp mấy lần trước đó.

131
Ta cần rượu và tình yêu; thượng đế
Cần nhà thờ và sách kinh - Đã thế,
Sao lỗi lại do ta, nếu mọi cái trên đời
Được định đoạt bởi bàn tay thượng đế?

132
Tôi cứ yêu, cứ say và cứ chén.
Tôi điên ư? Ngốc ư? Và đáng thẹn?
Ồ không sao! Cái phải đến, đến đi,
Vì cũng chẳng xấu hơn điều đã đến

Những bài thơ tuyệt vời về rượu đàn ông phải đọc 1


THO SAY
ÔMA KHAYYAM

Ôma Khayyam sinh năm 1040 ở  thành phố Nissapurê (miền đông Iran ngày nay), lớn lên nổi tiếng khắp cả vùng Trung Á rộng lớn như một nhà triết học, toán học, thiên văn học kiệt xuất của thời đại. Ông được vua chúa nhiều nước mời đến triều đình làm việc, là tác giả một loạt  tác phẩm quan trọng về vật lý và toán học. Cuộc đời ông đầy những năm tháng lưu lạc và gian khổ. Ông đi nhiều, lang thang hết nước này đến nước khác, cuối cùng trở về thành phố quê hương và mất ở đó vào năm 1112. Hiện nay vẫn còn giữ được lăng mộ của ông ở Nisapurê.

Ôma Khayyam chỉ viết thơ trong những phút rảnh rỗi và buồn chán. So với các
công trình khoa học, di sản 450 bài bốn câu (rubai) của ông không lớn. Cho mãi tới thế kỷ 19, khi chưa được người châu Âu “phát hiện”, ông hầu như chỉ được biết đến như một nhà khoa học. Sau sự phát hiện đó, nghĩa là sau bản dịch tiếng Anh 75 bài của Fitzgerald (1809 – 1883) năm 1859, ông “đột nhiên” trở thành nhà thơ nước ngoài được ưa thích nhất ở châu Âu và châu Mỹ. Lúc ấy đã xuất hiện, có nơi còn giữ đến ngày nay, nhiều quán rượu và câu lạc bộ say mang tên ông.
7
Ai cũng biết là Khayam già yếu,
Ai cũng biết là Khayam nghiện rượu,
Nhưng chẳng ai hay chính nhờ rượu, Khayam
Mới thắng nổi cái buồn và cái yếu.

8
Khi đang tỉnh, như cua, tôi cứng đờ, gượng gạo.
Nhưng khi say đầu óc tôi không tỉnh táo,
Nên khoảng cách thiên thần giữa tỉnh và say
Là cái đích tôi tôn thờ, tôi mộng ảo.

14
Bỏ nhà thờ, anh em, ta vào quán.
Trước ông chủ ta cầu kinh không nản.
Cuộc sống ta, ta để mất ở nhà thờ,
Giờ lại thấy trong cốc này, các bạn.

15
Ở đời này khi say là tốt nhất.
Nghe cô gái hát hay là tốt nhất.
Và tốt nhất là người được suy nghĩ tự do,
Bao điều cấm không hay là tốt nhất.

17
Thằng nghèo tưởng mình là vua, khi say.
Con gà tưởng mình là công, khi say.
Và khi say người già thấy mình trẻ lại,
Người trẻ thông minh như người già, khi say.

19
Hạnh phúc là cái gì? Chẳng là gì, đúng thế.
Chết, anh để lại gì? Chẳng để gì, đúng thế.
Tôi đã sống say sưa, tất cả tưởng của mình,
Nhưng nhìn kỹ hóa ra chẳng có gì, đúng thế.

22
Cả vương quốc Trung Hoa, cốc rượu này đáng giá.
Cả vườn tiên đầy hoa cốc rượu này đáng giá.
Cay đắng tất nhiên là mùi vị cốc này,
Nhưng tuy thế còn hơn bao ngọt ngào xảo trá.

26
Cầm chiếc bình trên tay, tôi khoái trá
Cười, giơ cao, ném tung vào tảng đá.
"Này, đừng quên, - bình nói, - một ngày kia
Rồi người ta cũng ném anh vào đá!"

27
Thà uống rượu cho tiêu tan mệt mỏi,
Hơn buồn đau nhớ ngày xưa chói lọi.
Khi không say anh tự trói lòng mình,
Nhưng chén rượu sẽ giúp anh cởi trói.